Đường dẫn truy cập

Bộ luật quan trọng về giáo dục của Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực


Khoảng 8 triệu trẻ em Ấn Ðộ không được đi học
Khoảng 8 triệu trẻ em Ấn Ðộ không được đi học

Tại Ấn Độ, một bộ luật lịch sử quy định giáo dục là quyền cơ bản của tất cả trẻ em từ 6 đến 14 tuổi, đã bắt đầu có hiệu lực. Nhưng, theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt trong việc bảo đảm là tất cả các em nhỏ được tiếp cận với giáo dục tại một nước có số người trẻ đông nhất thế giới.

Tại Ấn Độ, một bộ luật lịch sử quy định giáo dục là quyền cơ bản của tất cả trẻ em từ 6 đến 14 tuổi, đã bắt đầu có hiệu lực. Nhưng, theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt trong việc bảo đảm là tất cả các em nhỏ được tiếp cận với giáo dục tại một nước có số người trẻ đông nhất thế giới.

Vào lúc bộ luật Quyền được Giáo dục mang tính khai phá bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày hôm nay, thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đọc một bài phát biểu hãn hữu trước quốc dân để bầy tỏ cam kết của chính phủ Ấn Ðộ đối với việc bảo đảm cho tất cả trẻ em được quyền đi học.

Vị thủ tướng này xuất thân từ một khu vực nông thôn và đã theo đuổi để lấy được bằng tiến sĩ kinh tế học ở trường đại học Cambridge. Ông nhắc lại tiểu sử của mình để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc để cho tất cả trẻ em được đến trường.

Ông Singh nói: “Tôi sinh ra trong một gia đình với các phương tiện khiêm tốn. Thuở thiều thời, tôi phải đi bộ rất xa để đến trường. Tôi đọc sách dưới ánh đèn dầu le lói. Tôi đạt được địa vị hiện nay là nhờ có giáo dục. Tôi muốn mọi trẻ em Ấn Ðộ, trai cũng như gái, cũng được ảnh hưởng như thế nhờ ánh sáng của giáo dục.”

Bộ luật Quyền được Giáo dục quy định rằng tất cả mọi trẻ em từ 6 đến 14 tuổi có quyền theo luật định đòi hỏi một nền giáo dục sơ cấp miễn phí và bắt buộc.

Thủ tướng Singh hứa sẽ có đủ ngân sách để bảo đảm rằng tất cả trẻ em được đi học, bất kể giới tính hay đẳng cấp xã hội. Theo ước tính, chính phủ sẽ cần đến 38 tỷ đôla trong 5 năm sắp tới để thực thi bộ luật.

Con số trẻ em không được đi học ở Ấn Độ thật là không thể tưởng tượng được – tức là có ước chừng 8 triệu em. Phần nhiều là các em gái, thường không được đến trường vì phải làm công việc nhà hay trông em.

Những người tranh đấu cho quyền trẻ em đã ca ngợi bộ luật này. Nhưng họ cũng nêu ra rằng còn rất nhiều thách thức trước mắt trong việc biến quyền hợp pháp này thành hiện thực.

Một trong những thách thức lớn nhất sẽ là có đủ các cơ sở và số giáo viên được đào tạo cho các trường công lập, nhất là tại các vùng nông thôn. Theo ước tính, sẽ cần phái có hơn 1 triệu giáo viên nữa.

Bà Shireen Miller là giám đốc đặc trách bảo trợ và chính sách của tổ chức Save the Children ở New Delhi. Bà kể ra thí dụ về một ngôi làng ở bang Rajasthan mà bà đã đi thăm hôm qua để nêu bật các loại vấn đề mà nhiều trường học sẽ phải đối phó.

Bà Miller nói: “Nhà trường thì có, nhưng không có đủ giáo viên. Không có các học cụ. Dân làng than phiền rằng thậm chí có giáo viên thì họ cũng không thực sự dậy dỗ các em. Họ nghe radio. Họ bắt các em làm việc ngoài đồng áng. Vì vậy vấn đề cấp bách sẽ là đào tạo các giáo viên, và cung cấp đủ số giáo viên.”

Tỷ lệ mù chữ ở Ấn Độ là 64%. Nhưng các cuộc khảo cứu cho thấy con số những người được tính là biết chữ gần như cũng chẳng biết đọc biết viết là bao.

Các kinh tế gia nói rằng phổ biến giáo dục có chất lượng là điều cấp thiết cho một quốc gia nơi 1/3 trong dân số hơn 1 tỷ người ở độ tuổi dưới 15 và nơi mà bất kể một nền kinh tế đang bột phát, nhiều người vẫn còn nghèo khổ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG