Bà Shamlesh Devi, 40 tuổi, mỗi ngày đều nấu những món năm đơn giản cho 5 đứa con. Bà cho biết:
“Giá hành và khoai tăng là một gánh nặng cho gia đình tôi. Những người nghèo như tôi bây giờ thậm chí khó mua được những món cơ bản như vậy.”
Gia đình bà Shamlesh sống tại một xóm nghèo ở thủ đô, thu nhập bình quân mỗi gia đình trong xóm từ 150 đến 200 đôla một tháng.
Bà và những người hàng xóm kêu ca vì giá thức ăn tăng buộc họ phải cắt giảm khẩu phần hằng ngày trong gia đình, và khó lòng tiết kiệm được đồng nào mỗi tháng.
Giá thực phẩm tăng hơn 10% trong vòng một năm. Nhưng có lúc lên đến 18% đối với những món mà dân Ấn hay ăn; như hành tây, cà chua, và tỏi. Những món tăng giá kế tiếp là sữa, thịt, và đậu.
Giá thực phẩm tăng trên khắp châu Á nhưng Ấn Độ có mức tăng khá cao so với các nước khác. Bộ trưởng Tài chính Pranab Mukherjee nói chính phủ thực sự đứng trước một vấn đề:
“Tôi lo ngại về chuyện tăng giá thức ăn. Không thể chấp nhận thức ăn tăng ở mức này.”
Thức ăn tăng giá là chuyện quan trọng hàng đầu cho Ấn Độ, nước có dân số 1,2 tỉ người mà gần phân nửa là thành phần nghèo, sử dụng phần lớn thu nhập để phục vụ miếng ăn.
Lạm phát cũng là một thách thức với lãnh đạo Ấn Độ vào lúc mà lạc quan đang bốc cao vì kinh tế phục hồi nhanh chóng trước cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Sự lạc quan đó bị bớt đi vì lạm phát chưa được trấn áp. Kinh tế gia Ila Patnaik gọi lạm phát là một đe dọa nghiêm trọng:
“Lạm phát xuất hiện từ hai năm nay và vẫn chưa tan biến. Lãnh đạo hy vọng lạm phát sẽ tự động rút lui nhưng tôi rất lo ngại lạm phát sẽ còn ở lại một thời gian.”
Sản xuất nông nghiệp có vẻ đứng yên trong mấy năm qua, giữa lúc thu nhập tăng làm người dân mua sữa, thịt, rau nhiều hơn. Vấn đề này càng tệ hơn vì hệ thống phân phối quá kém, phải qua tay quá nhiều trung gian, rút cục nông dân bỏ túi không được bao nhiêu, khiến họ không có nhiều hứng thú để tăng mức sản xuất.
Bộ trưởng Tài chính Mukherjee nói rằng vấn đề phân phối thực phẩm cần được giải quyết:
“Chúng tôi phải trấn áp lạm phát, cần phải thông tin đầy đủ hơn, cần phải quản lý nguồn cung tốt hơn, chỗ nào có chướng ngại thì cần phải gỡ bỏ.”
Các nhà kinh tế nói rằng giá thực phẩm cao chưa phải là mối lo duy nhất. Giá xăng dầu và nguyên vật liệu cũng tác động đến nhiều ngành kinh tế.
Khu vực sản xuất thành phẩm chậm lại và đầu tư nước ngoài trong năm ngoái giảm sút, dù kinh tế có phát triển.
Kinh tế gia Ila Patnaik nói lạm phát sẽ giảm sức thu hút các nhà đầu tư nước ngoài:
“Ta không thể mang lại một khung cảnh làm ăn tốt cho nhà đầu tư nước ngoài khi ta không thể nói với họ chi phí sản xuất sẽ là bao nhiêu trong năm tới hoặc năm kế tiếp; hoặc cũng không thể nói cho họ biết họ sẽ có lời hay không.”
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ gọi lạm phát là quan tâm hàng đầu và đã tăng lãi suất 7 lần trong năm ngoái để chận bớt giá cả tăng theo cơn lốc xoáy.
Chính quyền Ấn Độ cũng giảm thuế nhập khẩu trên một số loại thực phẩm vì e ngại giá thực phẩm tiếp tục cao sẽ làm nhân dân mất niềm tin nơi chính quyền.
Nhưng các kinh tế gia cảnh báo các biện pháp đó chỉ tác động rất nhỏ và kinh tế của cả nước sẽ tiếp tục chậm lại.
Ấn Độ lo ngại nếu không kiềm chế được lạm phát tăng trưởng kinh tế sẽ bị chậm lại rất nhiều, dù Ấn Độ được xem là nước không bị ảnh hưởng nhiều trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trước mắt, giá cả thực phẩm đã tăng khiến nhiều triệu người Ấn Độ nghèo khổ bị ảnh hưởng.
Đọc nhiều nhất
1