Sangeeta mẹ của em Vaishnavi rất thương con. Bà chăm sóc bé gái 2 tuổi này rất chu đáo một cách không ngờ, khi xét đến sự kiện bà không có cả hai tay.
Bà giải thích là bà đã cụt cả hai tay vì bị điện giựt. Tai nạn xảy ra khi bà làm việc gần đường dây điện và nước đổ vào một thanh sắt bà cầm trong tay.
Bà và thân nhân đã tìm đến cơ sở của Jaipur Foot để nhận một bộ tay giả.
Cơ sở từ thiện này có tên chính thức là Bhagwan Mahaveer Viklang Sahitya Samiti, nhưng thường được biết tới qua sản phẩm nổi tiếng gọi là “Jaipur Foot” (chân Jaipur).
Hơn 250 ngàn bệnh nhân què cụt đã được cấp chân, đầu gối, cánh tay, bàn tay giả do cơ sở này sản xuất kể từ khi được thành lập năm 1975.
Bác sỹ Mehta, sáng lập viên hội từ thiện này, cho biết:
”Không ai phải viết đơn xin. Họ cứ tự động đến đây. Ngay khi họ đến là họ được mời vào. Họ được cấp đồ ăn thức uống và mọi phương tiện trong vài ba ngày đợi được lắp chân tay giả rồi thì họ ra về.”
Bác sỹ Mehta, trước đây là công chức chính phủ, đã sáng lập hội từ thiện Jaipur Foot sau khi ông gặp một tai nạn mấy chục năm trước khiến ông suýt mất một bàn chân. Những tháng ngày ông nằm bệnh viện chờ bình phục là cơ hội để ông tiếp xúc với nhiều đồng bào người Ấn của ông nhưng không được may mắn như ông. Hầu hết những người này thuộc giai cấp nghèo khó nhất trong nước.
Ông nói: ”Mất đi một chi cũng có nghĩa là mất đi khả năng kinh tế. Những nạn nhân này không còn là người hữu dụng nữa. Mọi người không còn kính trọng họ nữa, họ bị khinh thường ngay từ trong gia đình. “
Còn bà Sangeeta hiểu rất rõ về gánh nặng kinh tế mà cả gia đình sẽ phải chịu đựng khi một người bị què chân, cụt tay. Bà giải thích nấu ăn là một chuyện đầy khó khăn. Bà cho biết chồng bà phải nấu ăn, nên thường đi làm trễ hoặc bị cho nghỉ việc không có việc làm. Bà cho biết đôi khi họ phải nhờ vả xóm giềng giúp đỡ. Bà nói chuyện này là một trở ngại rất lớn.
Bà cho biết tiếp: ”Đối với cá nhân tôi đây là một điều làm tôi vô cùng hài lòng, thỏa mãn. Một người què chân, phải lê lết tới cơ sở Jaipur Foot. Trong vài ngày, ông ta được lắp chân giả, không phải trả một xu, rồi bước ra về, như tôi và bạn, với chân hay tay què cụt nay trở thành nguyên vẹn hình hài. Được chứng kiến họ trở lại làm việc đồng áng hay trong xưởng máy, điều đó không phải chỉ giúp họ một cánh tay, một bàn chân, mà giúp họ hồi phục sức mạnh kinh tế.”
Ngay cả những bệnh nhân có đủ khả năng tài chính để chọn lựa những nơi khác lắp tay chân giả cũng tìm đến Jaipur Foot vì danh tiếng về chất lượng cao của sản phẩm. Jaipur Foot nhận được khoảng 1/3 tài trợ trực tiếp từ chính phủ. Số còn lại đến từ các công ty và những đóng góp của tư nhân.
Tổ chức này có những cơ sở hoạt động tại Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan và nhiều nước khác nơi chiến tranh và mìn bẫy đã cướp mất tay chân của các nạn nhân.
Đối với bà Sangeeta, sẽ còn phải mất một thời gian để cho bà tập sử dụng thuần thục đôi tay giả cầm nắm các đồ vật. Bà cho biết bà đang trông mong để có ngày làm việc bếp núc trở lại và tự chải tóc.
Què chân, cụt tay là một thảm họa trong bất cứ tình huống nào, nhưng điều bất hạnh này còn trở thành một định mệnh nghèo khó nghiệt ngã mà nạn nhân không thể thoát ra được nếu không được hưởng những phương tiện y khoa tiên tiến. Bang Rajasthan của Ấn Độ là nơi đặt trụ sở của một trong những hội từ thiện lớn nhất thế giới tận tụy trong việc giúp cho những người què tay, cụt chân được lắp tay chân giả và hưởng một cuộc sống mới.