Khi quốc hội nhóm họp hồi tháng trước, lịch trình đã ấn định là họ sẽ thảo luận về nhiều dự luật quan trọng – từ việc trưng thu đất đai, các luật lệ về lao động, cho tới việc cải thiện tinh thần làm việc có trách nhiệm của ngành tư pháp.
Nhưng phiên họp đã kết thúc ngày hôm nay mà không có thành quả đáng kể.
Trong nhiều tuần lễ, các nhà lập pháp đối lập đã gây gián đoạn tại quốc hội. Họ hô khẩu hiệu và đòi tiến hành một cuộc điều tra chung về vụ án bán giấy phép viễn thông cách nay hai năm do cựu Bộ trưởng viễn thông A. Raja thực hiện.
Chính phủ đã bác bỏ yêu cầu vừa kể. Họ nói rằng cơ quan điều tra của chính phủ liên bang đã điều tra các cáo giác cho rằng những băng tần viễn thông được bán dưới giá thị trường, làm cho nguồn thu của chính phủ bị thất thoát khoảng 39 tỉ đô la.
Chính phủ nói rằng vị bộ trưởng đã từ chức và Tối cao Pháp viện đang giám sát cuộc điều tra này.
Nhưng phe đối lập nói rằng họ không tin vào cuộc điều tra của cơ quan chính phủ.
Tuy phiên họp quốc hội đã kết thúc, phe đối lập vẫn không từ bỏ yêu cầu đòi tiến hành cuộc điều tra của quốc hội. Lãnh tụ của đảng đối lập chính là Đảng Bharatiya Janata ở Hạ viện, bà Sushma Swaraj, đã tham gia cuộc biểu tình ngồi lỳ bên ngoài trụ sở quốc hội.
Bà Swaraj cho biết: "Bây giờ chúng tôi mang vấn đề này ra đường phố và hôm nay là lúc bắt đầu."
Chính phủ cũng có quyết tâm không kém, và họ nhất định không chịu nhượng bộ trước đòi hỏi của phe đối lập.
Một số người lo ngại là vụ bế tắc này sẽ phương hại tới sụ vận hành của nền dân chủ.
Ông C.V. Madhukar, Giám đốc Viện nghiên cứu lập pháp PRS, nói rằng hoạt động ở quốc hội bị gián đoạn là một điều đáng buồn.
Ông Madhkar nói: "Một số đề nghị quan trọng về chính sách của chính phủ đã bị trì hoãn cho tới khi quốc hội nhóm họp lại vào tháng hai. Xét từ vị thế của quốc hội thì đây là một điều đáng thất vọng vì đảng đương quyền và các đảng đối lập không bắt tay được với nhau. Tôi hy vọng là họ sẽ tìm ra được một giải pháp."
Tuy nhiên, một lãnh tụ hàng đầu của phe đối lập, ông Lal Krishna Advani của đảng BJP, nói rằng việc không tiến hành hoạt động lập pháp cũng mang lại nhiều kết quả.
Gây gián đoạn cho hoạt động quốc hội là một chiến thuật lâu đời mà các đảng đối lập vẫn dùng để gây sức ép lên chính phủ. Việc này hiếm khi kéo dài cả kỳ họp. Nhưng trong lúc chính phủ phải tự bênh vực trước các cáo giác tham nhũng, có phần chắc là phe đối lập sẽ không lùi bước. Vụ tai tiếng viễn thông là vụ lớn nhất trong một loạt những vụ bê bối tham nhũng đã bùng ra ở Ấn Độ trong vài tháng nay.
Quốc hội Ấn Độ đã kết thúc phiên họp mùa đông với tình trạng bế tắc về vụ tai tiếng tham nhũng qui mô lớn. Theo tường thuật do thông tín viên Anjana Parischa của đài VOA gởi về từ New Dehli, chính phủ và phe đối lập không đồng ý với nhau về cách thức tiến hành cuộc điều tra về vụ bán giấy phép băng tần viễn thông hồi hai năm trước.