Nhật báo chính thức China Daily của Trung Quốc đổ lỗi cho người Tây Tạng lưu vong và các chính phủ Tây phương không nêu rõ tên là theo đuổi một 'nghị trình chống Trung Quốc' trong khi mô tả vụ bạo động mới đây ỏ các vùng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Các giới chức Tây Tạng lưu vong, được chính phủ Ấn Độ, cho đặt cơ sở ở thành phố Dharamsala miền Bắc, nói rằng Trung Quốc đã bắn chết ít nhất 6 người biểu tình ôn hòa trong tuần trước ở các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc. Trung Quốc thừa nhận đã giết một người biểu tình mà Bắc Kinh mô tả là nổi loạn. Các giới chức mô tả các vụ biểu tình mới đây là 'các đám đông' dùng bạo lực chống lại công an Trung Quốc.
Nữ phát ngôn viên và là Bộ trưởng trong nội các của chính quyền Tây Tạng lưu vong, bà Dekyi Chhoyang bác bỏ những gợi ý trên các cơ quan truyền thông Trung Quốc nói rằng các giới chức Tây Tạng lưu vong đang thông đồng với các chính phủ Tây phương và các cơ quan truyền thông xuyên tạc các diễn biến.
Bà Chhoyang nói: “Dứt khoát không phải là như thế. Tình hình bạo động mà chúng ta chứng kiến hiện nay là ở trong vùng của Tây Tạng. Đó thực sự là phản ứng của người dân Tây Tạng trước các chính sách áp bức của chính phủ Trung Quốc. Và chúng tôi nói với Trung Quốc là cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân.”
Có ít nhất 16 người Tây Tạng, chủ yếu là các nhà sư và ni cô, đã nổi lửa tự thiêu để phản đối điều họ coi là các chính sách áp bức trong khu vực.
Chính quyền Tây Tạng lưu vong nói họ chưa hề khuyến khích đồng bào Tây Tạng nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc biểu tình, mà rất thông cảm với các mối quan ngại của họ. Nhiều người lo ngại sẽ xảy ra các vụ bạo động giống như những vụ đã bùng ra trong khu tự trị của người Tây Tạng ở Trung Quốc vào năm 2008.
Bộ trưởng Nội các Chhoyang nói chắc chắn có nguy cơ leo thang nếu Trung Quốc không lắng nghe những quan tâm của người Tây Tạng.
Bà Chhoyang nói: “Chắc chắn tình trạng đó sẽ tái phát, và sẽ trở nên trầm trọng hơn. Chúng ta đang đứng trước một thế hệ trẻ tuổi hơn, thẳng thắn hơn và sẵn sàng trình bầy các khiếu nại của mình.”
Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng vào năm 1950. Lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt lai Lạt ma đã vượt biên qua Aán Độ vào năm 1959 cùng với hàng chục ngàn người ủng hộ. Bà Chhoyang nói nhiều người trong số người biểu tình không có ký ức cá nhân nào về những câu chuyện đó trong lịch sử.
Bà Chhoyang nói tiếp: “Rất nhiều người biểu tình ở trong độ tuổi trên dưới 50 và trẻ hơn, những người Tây Tạng sinh ra và lớn lên sau khi Trung Quốc chiếm đóng cao nguyên Tây Tạng. Do đó, họ chưa hề biết về một nước Tây Tạng độc lập. Họ lớn lên dưới chế độ Trung Quốc. Vì thế, có một điều gì đó sai trái trầm trọng mà chúng ta cần phải lắng nghe.”
Không có người nước ngoài nào được phép đi vào các khu vực của người Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát. Thủ tướng Tây Tạng lưu vong Lobsang Sangay đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc gửi một phái đoàn tìm hiểu sự thực đến khu vực.
Giới chức Tây Tạng lưu vong lên án bạo lực nhắm vào người biểu tình
- Kurt Achin
Các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc cáo buộc các giới Tây Tạng lưu vong và Tây phương là bóp méo các câu chuyện về bạo động mới đây ở các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Nhưng chính quyền Tây Tạng được Ấn Độ cho lưu trú nói rằng các cuộc biểu tình có thể tăng thêm nếu Bắc Kinh thích sử dụng đạn dược hơn là đối thoại để đạt được an ninh trong khu vực. Từ văn phòng Nam Á của đài VOA, thông tín viên Kurt Achin gửi về bài tường thuật sau đây.