Indonesia đã trở thành một trong những nền dân chủ sống động nhất tại đông nam châu Á kể từ khi Tổng thống độc tài Suharto từ chức vào năm 1998. Chính phủ đã bãi bỏ nhiều hạn chế về tự do phát biểu và báo chí Indonesia được xếp vào hàng cởi mở và đa dạng nhất trong khu vực.
Nhưng nhiều luật lệ độc đoán vẫn còn được áp dụng, Mãi cho đến hồi gần đây, một bộ luật còn cho phép văn phòng tổng chưởng lý cấm lưu hành sách. Kể từ khi các cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên của Indonesia diễn ra vào năm 2004, bộ luật này đã được áp dụng để cấm hơn 20 cuốn sách nói về những vấn đề như hoạt động quân sự và cuộc nổi dậy đòi ly khai tại Papua.
Trước đây trong năm một nhóm các tác giả có sách bị cấm vào năm 2009 đã yêu cầu Tòa Bảo hiến duyệt lại bộ luật, mà họ cho là không phù hợp với các giá trị dân chủ của Indonesia.
Cách đây vài tuần, Tòa đã đồng ý và phán quyết rằng quyền hạn chế tài liệu in ấn phải tùy thuộc vào một tòa án.
Nhưng bà Uni Zulfiani Lubis, trưởng ban biên tập của hệ thống truyền hình Indonesia ANTV đồng thời cũng là một thành viên của Hội đồng Báo chí theo dõi hoạt động truyền thông của Indonesia, nói rằng phán quyết vừa kể không phải là một thắng lợi toàn diện.
Bà Lubis nói: “Đó là một tin mừng, nhưng vẫn chưa đủ. Và chúng ta không thể dựa vào quyết định này mà tin chắc rằng chính phủ, nhất là văn phòng tổng chưởng lý, sẽ không có các nỗ lực cấm phổ biến sách.”
Những người tranh đấu nói rằng Tổng thống Suharto thường sử dụng bộ luật năm 1963 về cấm sách để đàn áp giới bất đồng. Theo họ, việc áp dụng bộ luật này trong thập niên vừa qua gây phương hại cho cam kết dân chủ của Indonesia và chứng tỏ rằng chính phủ vẫn còn lo ngại về quyền tự do phát biểu.
5 cuốn sách mà văn phòng tổng chưởng lý cấm phổ biến hồi năm ngoái bàn về cuộc xung đột phe phái, tình cảm ly khai ở Papua và những diễn biến xoay quanh âm mưu đảo chính đã giúp đưa ông Suharto lên nắm quyền vào năm 1965.
Một số giới chức Indonesia tỏ ý cho thấy họ không muốn hoàn toàn bãi bỏ lệnh cấm phổ biến sách.
Cố vấn Tổng thống Teuku Faizasyah nói rằng Indonesia rất cởi mở về quyền tự do phát biểu, nhưng việc cấm là điều có thể biện minh được nếu được thực hiện với mục đích duy trì hòa bình và đoàn kết xã hội.
Ông Faizasyah cho biết: “Với tư cách là chính phủ chúng tôi cần phải ngăn ngừa khích động, là điều dẫn đến bạo lực và các cuộc xung đột. Do đó, vì quyền lợi tốt nhất của công chúng, luôn cần có sự quân bình trong thể thức xử lý vấn đề tự do phát biểu, nhưng cũng cần phải bảo đảm an toàn và hài hòa bên trong xã hội.”
Indonesia là nơi sinh cư của hàng trăm nhóm sắc tộc khác nhau, và tuy phần lớn trong số 240 triệu người dân là theo đạo Hồi, vẫn có một số đáng kể những người theo Cơ đốc giáo và thần giáo.
Trong những tháng gần đây, các giới chức đã cảnh báo rằng những phần tử tôn giáo cực đoan đe dọa đến tính hài hoà xã hội sau khi những nhóm nhỏ Hồi giáo tấn công một giáo đoàn Cơ đốc giáo bên ngoài thủ đô Jakarta. Phó Tổng thống Boediono nói những nhóm này đã lợi dụng quyền tự do phát biểu để gieo rắc sự thù hận.
Ông Faizasyah nói chính phủ cũng phải mẫn cảm đối với những sự phức tạp về văn hoá của Indonesia.
Ông Faizasyah nói: “Chúng ta không có một mức độ chấp nhận đồng đều trong nhiều thành phần của xã hội chúng ta trong vấn đề bầy tỏ những ý kiến chống lại một số nền văn hóa và niềm tin tôn giáo cơ bản.”
Bà Lubis thuộc Hội đồng Báo chí nói rằng một số hạn chế là xác đáng, tỷ như việc cấm tài liệu khiêu dâm trẻ em. Nhưng bà nói rằng phần lớn việc kiểm duyệt của chính phủ có động cơ chính trị, và bà lo ngại rằng ngay cả với những hạn chế về cấm sách, chính phủ vẫn có rất nhiều cách để coi tự do phát biểu là phạm tội.
Theo phán quyết mới đây, các tòa án sẽ có quyền tối hậu trong việc quyết định liệu có nên cấm một cuốn sách nào đó hay không, nhưng ban công tố và cảnh sách vẫn có thể điều tra và kiện các tác giả hay nhà phát hành mà họ cho là gây rối trật tự công cộng.
Các luật lệ gay gắt về tội phỉ báng đã gây thắc mắc về quyền tự do phát biểu ở Indonesia. Giới hoạt động nhân quyền lo ngại rằng một bộ luật về giao dịch và thông tin điện tử nhắm mục đích theo dõi những trao đổi nguy hiểm trên mạng có thể được áp dụng để biện minh cho sự kiểm duyệt Internet.
Trong mấy tháng vừa qua, các công tố viên trong nước đã áp dụng một bộ luật chống sách vở khiêu dâm gây nhiều tranh cãi để truy tố ông Erwin Arnada, cựu chủ biên tạp chí Playboy của Indonesia nay đã ngưng hoạt động.
Mặc dù tạp chí này không chứa các hình ảnh lõa thể, Tòa án tối cao đã tuyên phạt ông Arnada 2 năm tù về tội bất nhã. Các nhóm tranh đấu cho tự do truyền thông như Ký giả Không Biên giới, nói rằng các toà án đã tuyên án do áp lực của các tổ chức Hồi giáo.
Các luật sư của nhóm chống lại quyền cấm phổ biến sách của tổng chưởng lý nói rằng phán quyết này là một bước đi theo đúng hướng. Nhưng Liên minh các Ký giả Độc lập nói những vụ như vụ ông Arnada là bằng chứng cho thấy dân chúng sẽ vẫn phải tiếp tục thúc đẩy để đòi quyền tự do phát biểu ở Indonesia.
Tòa án bảo hiến của Indonesia đã đảo ngược một bộ luật dành cho văn phòng tổng chưởng lý quyền cấm sách vở. Giới trước tác và tranh đấu cho nhân quyền ca ngợi phán quyết này là một thắng lợi về quyền tự do phát biểu, nhưng một số giới chức nói rằng vẫn cần phải hạn chế tự do ngôn luận trong nền dân chủ còn non trẻ này. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Sara Schonhardt ghi nhận chi tiết.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1