Trong một cuộc biểu tình phía trước Bộ Lao Động Indonesia, thành viên của Nghiệp Đoàn lên tiếng phản đối thỏa ước mậu dịch tự do giữa Trung Quốc và ASEAN.
Ông Baso Rukmana, người đứng đầu nghiệp đoàn nói rằng thỏa ước đã có hiệu lực đầu năm nay, chưa gì đã làm nhiều công nhân dệt may mất đi công ăn việc làm.
Ông nói nhiều cơ xưởng dệt may phải đóng cửa vì sản phẩm của họ không cạnh tranh được tại thị trường địa phương.
Ông nói thêm, lương tối thiểu tại Indonesia, khoảng 100 đôla mỗi tháng, có thể so sánh với lương tại Trung Quốc, nhưng công nhân Indonesia không được huấn luyện, không có thiết bị hiện đại và không được sự hỗ trợ cần thiết của chính phủ để cạnh tranh với Trung Quốc. Ông nói cho tới khi các công nhân có được sự hỗ trợ họ cần, các ngành công nghiệp của họ phải được bảo vệ.
Theo ông Baso chính phủ có trách vụ phải bảo vệ quyền lợi của dân mình, và sự bảo vệ đó cần được pháp luật hậu thuẫn.
Trước khi thỏa ước có hiệu lực, một số kinh tế gia tiên liệu rằng nó sẽ giúp gia tăng số lượng những thương phẩm của Indonesia như là dầu cọ, đồng, cao su, nhưng sẽ làm hại những nhà sản xuất cỡ nhỏ.
Tuy nhiên, công nghệ giày da của Indonesia đã đi ngược với sự tiên đoán vừa kể. Số bán giày dép trên thực tế đã gia tăng 10% trong quí đầu năm nay, với mức xuất khẩu gia tăng tại nhiều thị trường, kể cả Trung Quốc.
Ông Binsar Marpaung, đứng đầu Hiệp Hội Giày Da Indonesia, cho biết một số cơ xưởng đang chuyển từ Trung Quốc và Việt Nam sang Indonesia, và gia tăng số lượng giày bán sang Trung Quốc. Ông Marpaung nói:
“Thu nhập của dân Trung Quốc đang gia tăng. Cho nên họ có thể mua được giày sản xuất tại Indonesia, bởi vì chế tạo tại đây sẽ hiệu quả hơn và giá rẻ hơn.”
Nói chung, trong 3 tháng đầu năm nay, số xuất khẩu từ Indonesia sang Trung Quốc gia tăng hơn gấp đôi, trong khi số hàng nhập từ Trung Quốc tăng khoảng 50%.
Mặc dù những số liệu của chính phủ cho thấy phần lớn sự gia tăng liên quan đến lãnh vực vật liệu thô, nhưng số lượng các mặt hàng chế tạo xuất khẩu cũng tăng.
Ông Marpaung nói thêm đồng lương tại Trung Quốc đang gia tăng, trong lúc lương tại Indonesia thì ổn định hơn, khiến khu vực chế tạo tại nước này cũng hấp dẫn hơn.
Ông cho biết chính phủ đang giúp đỡ các công ty sản xuất ở địa phương mua thêm thiết bị hiện đại, nhằm gia tăng sức cạnh tranh của họ:
“Chúng tôi không thể nói là chính phủ bao cấp hoàn toàn, nhưng chính phủ cần giúp chỉnh trang lại máy móc. Bởi vì quí vị biết đấy, máy móc chế tạo giày da đã xưa 20 năm rồi. Không còn tính cạnh tranh, không còn hiệu quả nữa.”
Trung Quốc cũng thu lợi từ việc bán thiết bị hiện đại cho các nhà sản xuất Indonesia. Ông Ping Sheng, giám đốc công ty Yi Fan do Trung Quốc sở hữu, nói rằng ông đang giúp một số nhà sản xuất da thuộc của Indonesia hiện đại hóa.
Ông Sheng nói rằng việc bán thiết bị tại đây khá hứa hẹn, vì các công ty sản xuất da thuộc đang khá lên.
Ông Marpaung cho rằng chính phủ Indonesia có thể làm hơn nữa để giúp các ngành công nghiệp, chẳng hạn đòi quân đội hoặc các cơ quan chính phủ mua hàng nội địa.
Nhưng ông cũng nói quá nhiều sự can thiệp của chính phủ có thể gây trở ngại cho sản xuất:
“Theo tôi điều này khá mâu thuẫn. Nếu bạn được giúp nhiều quá thì điều đó có nghĩa sản xuất không có tính cạnh tranh hoặc không hiệu quả về giá thành. Quí vị phải có tính cạnh tranh. Quí vị phải gia tăng tính cạnh tranh bằng cách sản xuất có hiệu quả hơn về máy móc cũng như về nhân sự.”
Ông kết luận chỉ có cách giao tiếp mật thiết với Trung Quốc nền kinh tế Indonesia mới có thể thực hiện những thay đổi cần thiết để cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu.
Vào lúc Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đi thăm Indonesia ngày 17 tháng 5 tới đây, vấn đề thỏa ước mậu dịch tự do giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á sẽ là một đề tài thương thảo chính. Một số tổ chức lao động tại Indonesia muốn chính phủ hoãn lại lại thỏa ước. Họ cho rằng khu vực chế tạo của Indonesia không thể nào cạnh tranh với sản lượng của Trung Quốc. Tuy nhiên, mức xuất khẩu từ Indonesia sang Trung Quốc vẫn trên đà gia tăng, và không chỉ trong lãnh vực nguyên liệu.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1