Đường dẫn truy cập

Indonesia chuẩn bị đối phó với chi phí cao về nhiên liệu


Nhân viên bơm xăng tại một trạm nhiên liệu tại Jakarta. Giới hữu trách Indonesia đã dành khoảng 20 tỷ đôla để trợ giá nhiên liệu trong năm nay, chiếm 15% tổng số ngân sách quốc gia.
Nhân viên bơm xăng tại một trạm nhiên liệu tại Jakarta. Giới hữu trách Indonesia đã dành khoảng 20 tỷ đôla để trợ giá nhiên liệu trong năm nay, chiếm 15% tổng số ngân sách quốc gia.
Giới hữu trách Indonesia dự trù sẽ cắt giảm 44% trợ cấp nhiên liệu vào tháng tới, khiến chi phí về nhiên liệu tăng vọt. Các kinh tế gia nói trợ cấp là một chi phí tốn kém khiện Indonesia lệ thuộc nhiều hơn vào dầu nhập từ nước ngoài. Nhưng trợ cấp này vẫn được giới chính trị tán thành nhiều và các chính trị gia lo ngại về phản ứng của công chúng. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Kate Lamb ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Cả thế giới đang than phiền về giá xăng dầu tăng cao và nhất là tại Indonesia - một quốc gia lệ thuộc vào nhiên liệu được trợ giá.

Từ nhiều thập niên, trợ giá xăng dầu đã biến thiên theo chính trị. Chính phủ đã dự định cắt trợ giá nhiên liệu hồi năm ngoái, nhưng thoái lui trước sự phẫn nộ của cả nước. Năm nay, các đề nghị cắt giảm - lần đầu tiên từ 5 năm – không còn lệ thuộc vào sự biểu quyết của quốc hội nữa.

Trên tài khoản Twitter của mình, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono thừa nhận đây sẽ là quyết định gay go nhất trong nhiệm kỳ của ông.

Ðứng đầu một đảng bị hoen ố vì những vụ tai tiếng tham nhũng liên tục và ngày càng mất lòng dân, quyết định của tổng thống vừa mang tính chính trị vừa mang tính kinh tế, theo nhận định của chuyên gia phân tích chính trị Alexsius Jemadu.

Ông Jemadu nói: “Họ muốn cùng lúc đạt được 2 mục tiêu. Họ muốn đạt được các mục tiêu kinh tế là giảm thâm hụt ngân sách nhà nước, nhưng đồng thời lại muốn lấy lòng dân chúng.”

Trong một quốc gia nơi 100 triệu người sống với mức thu nhập chưa tới 2 đôla một ngày, nhiên liệu rẻ là chính trị tốt.

Nhưng giới phê bình nói trợ giá nhiên liệu nhắm vào mục tiêu yếu kém, đem lại lợi ích bất công cho giới trung lưu.

Và trong đầu óc các kinh tế gia, tập tục này là gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tạo ra sự lệ thuộc vào dầu nhập từ nước ngoài.

Giới hữu trách đã dành khoảng 20 tỷ đôla để trợ giá nhiên liệu trong năm nay, chiếm 15% tổng số ngân sách quốc gia. Nhưng con số đó dự kiến vẫn chưa đủ để trang trải chi phí trợ giá.

Bất chấp tranh cãi về trợ giá nhiên liệu, ông Fauzi Ichsan, một kinh tế gia kỳ cựu của Standard Chartered, nói rằng Indonesia vẫn còn đạt thành quả tốt so với tình trạng thâm hụt tài chính ở Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản.

Ông Ichsan nói: “Trong khi về mặt kinh tế, thì phải rất thận trọng khi tăng giá nhiên liệu, giá nhiên liệu trong nước thấp hơn giá trên trường quốc tế khoảng 30% đến 40%, thì sự kiện đó đã gây ra tình trạng rất nhiều vụ buôn bán lậu và tích trữ đầu cơ. Mặt khác, không có khủng hoảng tài chính, nếu ta nhìn vào mức thâm hụt tài chính như một phần của GDP, thì trong năm 2012, nó chưa đầy 2%, tức là khoảng 1,8% GDP.”

Ông Fauzi nói các kinh tế gia đã hối thúc tăng giá nhiên liệu trong năm vừa qua, không phải vì mức thâm hụt, mà bởi vì làm như thế là cẩn trọng về mặt kinh tế.

Ông nói rằng, mặc dầu lạm phát có thể tăng khi giảm trợ giá, thì về lâu về dài tình trạng sẽ ổn định. Ông Fauzi cho rằng chính phủ nên trợ cấp bằng tiền mặt để giảm thiểu tác động đối với giới nghèo.

Theo các thay đổi được đề xuất, các xe cộ của tư nhân sẽ phải trả thêm 21 xu Mỹ một lít, vẫn còn là một trong các giá thấp nhất ở châu Á.

Ông Suryo Bambang Sulisto, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, nói rằng ngay cả việc giảm trợ giá cũng sẽ tạo ra một nền kinh tế giả hiệu và chính phủ nên bỏ hẳn việc trợ giá.

Ông Sulisto cho biết: “Chúng tôi có quan niệm chống lại việc này, huỷ bỏ hoàn toàn việc trợ giá để ngân khoản tiết kiệm được có thể hướng qua việc sử dụng xây dựng hơn. Do đó, nói cách khác, dành khoản trợ giá này cho một cái gì hữu dụng hơn, có mục tiêu chính đáng hơn.”

Ông Sulisto cho rằng ngân khoản sẽ được chi tiêu tốt hơn vào cơ sở hạ tầng, tăng trưởng khu vực và giáo dục.

Nhưng tại một trạm xăng dầu ở Nam Jakarta sáng nay, bà Melly, 50 tuổi, nói rằng dứt khoát bà ấy sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng.

Bà Melly cho biết bà ấy có cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ và mỗi ngày phải đi ngoài đường và mua rất nhiều xăng. Bà ấy không thể chấp nhận việc này.

Ðề nghị tăng giá xăng dầu dự trù sẽ tiết kiệm đươc cho nền kinh tế lớn nhất Ðông nam Á này ước chùng 2 tỷ 100 triệu đôla mỗi năm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG