Ngày hôm nay, thứ tư, ngày đầu tiên của lễ Ramadan, các loa phóng thanh truyền đi lời kêu gọi cầu nguyện tại đền thờ hồi giáo Sunda Kelepa ở Jakarta, nhưng quang cảnh tĩnh lặng hơn bình thường.
Những người bán hàng và lái buôn thường bầy hàng dọc theo lối vào đền thờ không còn ở đấy nữa. Không mấy ai cần đến những mặt hàng của họ trong tháng thiêng của đạo Hồi này, khi các tín đồ Hồi giáo tập trung chay tịnh và giữ tinh thần hướng nội.
Ông Hananto Prasetyo nói rằng Ramadan là một thời gian đặc biệt đối với người Hồi giáo.
Ông Prasetyo nói rằng trong một tháng này họ đánh giá và thử thách bản thân, từ lòng ước muốn và những thứ cấm kỵ khác, để đến gần hơn với Thượng đế.
Cách xa các đền thờ, một vài nhượng bộ được thực hiện để tạo thuận lợi cho sự hy sinh của người Hồi giáo ở Indonesia trong thời gian Ramadan này.
Một số quốc gia có khối dân đa số là Hồi giáo gần như đóng cửa suốt tháng để mọi người nghỉ ngơi và cầu nguyện. Giáo sư lịch sử Azyumardi Azra tại trường Đại học Hồi giáo Quốc gia nói rằng sự kiện này không xảy ra tại Indonesia.
Giáo sư Azra nói: “Trong vài ngày đầu tiên của tháng Ramadan dĩ nhiên là sinh hoạt chậm lại một chút trong ít ngày, và sau đó có thể là ngay từ thứ hai tới, sinh hoạt lại trở lại bình thường. Khác với tục lệ chay tịnh trong tháng Ramadan ở nhiều quốc gia Trung Đông, bởi vì ở nhiều nước Trung Đông, dân chúng thức suốt đêm, rồi lại ngủ suốt ngày.”
Người Hồi giáo Indonesia như Edi Hadiman phải thực hành nghĩa vụ tôn giáo thêm vào các công việc thường lệ. Và ông nói rằng nên làm như vậy.
Ông Hadiman nói rằng đây là một thử thách đối với người Hồi giáo, nhưng những người theo đạo Hồi phải nhớ rằng rất khó được lên thiên đàng.
Có một số hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh ở Indonesia. Hầu hết các quán rượu và hộp đêm phải đóng cửa hay ngưng bán rượu mạnh.
Một số tổ chức Hồi giáo khắt khe, như Mặt trận Bảo vệ đạo Hồi, còn gọi tắt là FPI, đã cố gắng thực thi các hạn chế đó trước đây bằng cách bố ráp các quán rượu và nhà hàng.
Ông Azra nói các tổ chức này được sự hậu thuẫn của nhà chức trách muốn được coi là bảo vệ cho các giá trị Hồi giáo.
Ông Azra nói tiếp: “Họ nhận được một hình thức hợp tác nào đó. Thực ra hiện giờ họ yêu cầu FPI và các tổ chức khác tiếp tay với cảnh sát. Trên thực tế họ vận dụng các tổ chức đó. Cảnh sát nhờ vào các tổ chức đó. Tôi nghĩ rằng làm như thế là không thích đáng, ta không thể sử dụng tổ chức này để hỗ trợ cho cảnh sát. Cảnh sát phải thực thi luật pháp va trật tự mà không có sự can dự của một tổ chức thuộc loại này.”
Nhưng ông nói đối với đại đa số người Indonesia thì theo các tục lệ Ramadan là một lựa chọn cá nhân nhằm củng cố các giá trị của đạo Hồi về sự bao dung và hòa bình.
Đối với hàng trăm triệu người Hồi giáo, tuần này đánh dấu khởi đầu Ramadan, là tháng ăn chay và cầu nguyện của đạo Hồi. Ở một số quốc gia Trung Đông, chính phủ và các cơ sở kinh doanh gần như đóng cửa trong dịp lễ này, nhưng tại Indonesia, với khối dân Hồi giáo lớn nhất thế giới, phần lớn công việc vẫn tiếp tục không bị ảnh hưởng. Từ Jakarta, thông tín viên VOA Brian Padden ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.