Kể từ khi xảy ra cuộc đánh bom gây chết chóc tại Jakarta hồi năm ngoái, lực lượng an ninh Indonesia đã truy lùng được thủ phạm và tránh được những cuộc tấn công khác.
Ngoài ra, họ còn hạ được Noordin Top, chỉ huy cuộc tấn công hai khách sạn Marriott và Ritz-Carlton.
Họ còn truy lùng và giết được Dulmantin, một người từ lâu vẫn có tên trong danh sách bị truy lùng gắt gao nhất của Indonesia, vì ông ta can dự vào vụ đánh bom 2002 trên đảo Bali.
Trong lúc lực lượng an ninh được ngợi khen, thì ông Andi Widjajanto, một phân tích gia quân sự thuộc trường đại học Indonesia tỏ vẻ lo ngại là hoạt động an ninh gia tăng cũng có nghĩa là mức độ hoạt động của phiến quân cũng gia tăng.
Phân tích gia Widjajanto nhận định: “Tôi cho rằng sau vụ Marriott và Ritz Carlton năm 2009, sau vụ tấn công ở Aceh và Pamulang, có một chỉ dấu lớn là mạng lưới phiến quân đang ngày càng mạnh hơn chứ không hề yếu đi.”
Bà Sidney Jones, một phân tích gia về khủng bố thuộc nhóm nghiên cứu Khủng Hoảng Quốc Tế, cho biết các chuyên gia an ninh cho rằng đang có sự liên kết ngày càng lớn giữa các nhóm chủ chiến tại Đông Nam Á.
Một số trong các nhóm này được thành lập bởi những thành viên tách ra từ nhóm Jemaah Islamiyah, vì họ cho rằng nhóm khủng bố này ngày càng quá thụ động.
Bà Jones nói rằng những nhóm vừa nói đã hoạt động từ năm 2008 và nhiều thành phần chủ chiến trước đây đã từng ngồi tù vì những hoạt động khủng bố.
Thông tin mới này cho thấy hoạt động của cảnh sát không được hiệu quả cho lắm.
Phân tích gia Sidney Jones nói: “Chứng cớ của nhóm này cho thấy có sự yếu kém về tình báo. Tại sao phải mất thời gian lâu như vậy mới biết những tù nhân được thả lại tiếp tục dính líu đến các mưu mô này? Phải nói là quá tệ trong vấn đề theo dõi tại các trại giam, theo dõi tù nhân và cựu tù nhân. Chuyện này cũng cho thấy nhà chức trách kém hiểu biết về tiến trình cực đoan và tiến trình tuyển mộ của bọn chủ chiến .”
Bà Jones cho rằng lực lượng an ninh cần phải tích cực hơn trong việc theo dõi những nghi can nguy hiểm.
Bà Jones phân tích: “Khi chúng ta biết được có những người từng dính dáng với Noordin, từng can dự vào những vụ bạo động, đã từng bị tù nhưng sắp được thả, và họ thường xuyên được những bạn tù cũ viếng thăm, chúng ta phải nghĩ rằng điều đó có thể gây ra một sự kiện nguy hiểm lớn, như vậy phải có cách gì đặc biệt canh chừng họ.”
Bà Jones nói rằng Indonesia cần tập trung vào công tác tình báo và ngăn chặn bọn chủ chiến tuyển thêm người.
Kể từ cuộc đánh bom Bali năm 2002 với hơn 200 người chết, chính phủ Indonesia đã bắt và xét xử rất nhiều nghi can khủng bố, phần lớn là thành viên của nhóm Jemaah Islamiyah.
Indonesia cũng cộng tác chặt chẽ với Hoa Kỳ, Úc và những bạn láng giềng Đông Nam Á để kìm giữ bọn chủ chiến cực đoan Hồi giáo muốn dùng bạo lực để tiến tới việc thành lập một quốc gia Hồi giáo trong vùng.
Mới đây cảnh sát Indonesia đã được biểu dương nhờ dẹp được một trại huấn luyện khủng bố và giết chết một nghi can khủng bố cao cấp. Nhưng các chuyên gia an ninh nói những thành quả này cũng cho thấy mối hiểm họa khủng bố đang gia tăng tại Indonesia.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1