Iran sẽ “lập tức đảo ngược” các hành động trong chương trình hạt nhân sau khi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Ngoại trưởng Iran nói hôm thứ Sáu 19/2. Phản ứng của Iran được Reuters mô tả là ‘lạnh nhạt’ trước đề nghị của Washington về việc nối lại đàm phán với Tehran nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hôm 18/2 cho biết Washington sẵn sàng nói chuyện với Iran về khả năng hai nước quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân mà mục đích là nhằm ngăn chặn Tehran thủ đắc vũ khí hạt nhân trong khi hầu hết các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ được dỡ bỏ.
Tehran cho rằng động thái của Washington không đủ để thuyết phục Iran hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận đã ký kết.
“Khi nào các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, chúng tôi sẽ lập tức đảo ngược mọi biện pháp đáp ứng. Đơn giản,” Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói trên Twitter.
Cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 và áp đặt lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Kể từ đó, Tehran đã xây dựng lại các kho dự trữ uranium, và tinh chế nó tới mức độ tinh khiết phân hạch cao, đồng thời lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến hơn để tăng tốc sản xuất.
Tehran và Washington bất đồng ý kiến về việc bên nào nên thực hiện bước đầu tiên để khôi phục thỏa thuận.
Iran nói rằng Hoa Kỳ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của ông Trump trước đã, Washington đòi Tehran phải quay lại tuân thủ thỏa thuận trước.
Tuy vậy, một quan chức cấp cao của Iran nói với Reuters rằng Tehran đang cân nhắc đề nghị của Washington về việc hồi sinh thỏa thuận hạt nhân.
Quan chức Iran nói:
“Chúng tôi chưa bao giờ tìm cách thủ đắc vũ khí hạt nhân.. “Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Hãy dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt và cho giải pháp ngoại giao một cơ hội”, quan chức này nói.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết Liên minh châu Âu đang làm việc để tổ chức một cuộc họp không chính thức với tất cả các bên tham gia thỏa thuận Iran và Hoa Kỳ, vốn đã ra dấu hiệu là Mỹ sẵn sàng tham gia bất kỳ cuộc họp nào.
Tăng thêm áp lực để đạt một giải pháp hầu chấm dứt tình trạng bế tắc, quốc hội Iran đã thông qua đạo luật, ra hạn chót là ngày 23/2, chính phủ Biden phải bắt đầu đảo ngược các lệnh trừng phạt do cựu Tổng thống Trump áp đặt, nếu không, Tehran sẽ hủy bỏ quyền tự do lui tới của các thanh sát viên quốc tế như đã thỏa thuận, và hạn chế quyền thăm viếng của họ trong vòng các địa điểm hạt nhân do Iran chỉ đinh.
Hoa Kỳ và các nước châu Âu tham gia hiệp định thúc giục Iran hãy tự chế và đừng thực hiện bước đi này, vì nó sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực của Biden để khôi phục lại hiệp định.
Các nhà phân tích nói yêu cầu của Iran đòi Mỹ dỡ bỏ tất cả các biện pháp chế tài, khó có thể được đáp ứng sớm, Tehran đang đối mặt với một chọn lựa khó khăn, là nên đáp ứng đề nghị và thiện chí của Tổng thống Biden như thế nào trong khi cuộc bầu cử tổng thống sắp được tổ chức vào tháng 6 năm nay.
Trong bối cảnh bất bình ngày càng tăng ở trong nước vì những khó khăn kinh tế, số cử tri đi bầu được coi như một cuộc trưng cầu dân ý về chế độ Iran do các giáo sĩ chi phối - một nguy cơ tiềm ẩn đối với giới lãnh đạo Iran.
Nền kinh tế của Iran vốn đã suy yếu vì những biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra, là những yếu tố khiến thành phần ăn trên ngồi trốc của Iran không có nhiều lựa chọn.