Thỏa thuận khung về hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới đã mở ra những khả năng đầu tư mới trong một nền kinh tế đã bị co cụm vì các biện pháp chế tài quốc tế. Tuần trước, một giới chức hàng đầu về nguyên tử của Iran tuyên bố ngoài Nga, Trung Quốc cũng sẽ giúp họ xây dựng thêm các nhà máy điện hạt nhân.
Trung Quốc chưa bình luận về đề nghị vừa kể, nhưng Iran nói Bắc Kinh có thể giúp họ xây dựng ít nhất 3 nhà máy điện hạt nhân ở thành phố Bushehr ven biển.
Thành phố này là nơi tọa lạc nhà máy hạt nhân đầu tiên của Iran, mà công tác xây dựng đã bắt đầu từ 4 thập niên trước.
Đức khởi sự công trình xây dựng ở đó vào thập niên 1970, nhưng nỗ lực bị đình lại trong cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran. Sau đó, Nga tiếp quản vào thập niên 1990, nhưng phải đến năm 2013 nhà máy mới hoạt động toàn lực.
Iran giàu về dầu khí cho biết cần điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng. Uranium cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ướng hạt nhân, nhưng cũng có thể được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân. Iran và các cường quốc thế giới đang tìm cách đạt được thỏa thuận chung quyết vào cuối tháng 6.
Giám đốc Trung tâm Trung Quốc về Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng tại trường Đại học Hạ Môn Ông Lâm Bá Cường nói Trung Quốc ở vị trí tốt để đóng một vai trò chủ chốt trong chương trình năng lượng hạt nhân của Iran.
Ông Lâm nói: “Trung Quốc có ưu điểm lớn khi nói về việc xây dựng các nhà máy điện, trong tình hình đa số các nhà máy mới được xây dựng trên thế giới ngày nay là ở Trung Quốc.” Ông nói thêm, “Việc xuất khẩu năng lượng hạt nhân cũng là điều cấp thiết cho thời kỳ chuyển đổi của nền kinh tế Trung Quốc.”
Cuối năm ngoái, Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế lần đầu tiên đã chấp thuận một lò phản ứng do Trung Quốc thiết kế, bật đèn xanh cho việc sản xuất trong nước cũng như xuất khẩu.
Tuần trước, chính phủ Trung Quốc phê chuẩn việc xây dựng lò phản ứng thế hệ thứ ba đầu tiên ở Trung Quốc, có tên là Hoa Long số 1.
Trung Quốc đang tìm cách xây dựng các lò phản ứng đặc hiệu của mình, theo ông Matthew Cottee, một chuyên gia phân tích trong Chương trình Cấm Phổ biến và Giải giới của Viện Quốc tế Nghiên cứu Sách lược.
“Hualong số 1 hiện đang được xây dựng ở Trung Quốc, nhưng sẽ cần một thời gian để cộng đồng quốc tế tin tưởng phần nào vào một lò phản ứng hạt nhân mới không phải được xây dựng ở nơi nào khác.”
Các nhà phân tích cho rằng phải mất từ 6 đến 8 năm để xây dựng lò phản ứng đầu tiên, nhưng Trung Quốc đã xuất khẩu kỹ thuật này ra nước ngoài.
Giới truyền thông Trung Quốc cho hay một nhà máy điện đang được khai triển ở Karachi, Pakistan có thể là lò phản ứng Hoa Long số 1 đầu tiên xây dựng bên ngoài Trung Quốc, và Argentina cũng đã đồng ý về một thỏa thuận xây dựng một lò ở quốc gia Nam Mỹ này. Bắc Kinh cũng đã ký một thỏa thuận song phương với Rumani và có thể có một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu Trung Quốc xúc tiến xong việc xây dựng các lò phản ứng với Iran thì nước này có thể hợp tác với một nước ngoài khác để làm giảm nhẹ rủi ro chính trị của một dự án nhạy cảm như thế.
Ông Victor Gao, giám đốc Hiệp hội Toàn quốc Nghiên cứu Quốc tế của Trung Quốc, nói rằng “chưa rõ được liệu Trung Quốc có sẽ là quốc gia duy nhất trong công cuộc hợp tác như thế hay liệu sự can dự của Trung Quốc trong một công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân như thế sẽ có là một hình thức giống như một tổ hợp hay không, như một công ty của Pháp chẳng hạn.”
Trung Quốc vốn đã nhắm tới các thỏa thuận đa quốc để giúp họ tiến vào các thị trường nước ngoài béo bở có thể lo ngại việc hợp tác riêng với Bắc Kinh.
Chuyên gia phân tích Matthew Cottee nêu ra một dự án điện hạt nhân ở Anh Quốc có thể sử dụng sự hỗ trợ tài chính của Trung Quốc và các thiết kế của Pháp.
“Nếu lò phản ứng được chế tạo tại Hinckley Poitn ở Somerset trong Vương quốc Anh, thì đó có thể sẽ liên quan đến sự tài trợ một phần của Trung Quốc. Nhưng nếu ta nhìn vào biên bản ghi nhớ giữa Anh Quốc và Trung Quốc, thì dường như nó mở đường cho việc kỹ thuật bản địa của Trung Quốc thực sự được xây dựng ở Anh Quốc.”
Hôm thứ ba, Tổng thống Barack Obama đã đề nghị một thỏa thuận trong 30 năm hợp tác với Trung Quốc về năng lượng hạt nhân. Nếu được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn, thỏa thuận sẽ cho phép chuyển nhượng chất liệu, lò phản ứng, linh kiện và kỹ thuật giữa hai nước.