Phó Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thảo luận với Thủ Tướng Iraq Nouri al -Maliki, và cựu Thủ Tướng Ayad Allawi, Thủ lãnh đảng Iraqiya theo lập trường thế tục, và là chính đảng đã đánh bại liên minh Nhà nước Pháp Trị của người Shia do ông Maliki lãnh đạo, nhưng với đa số phiếu ít ỏi.
Phó Tổng Thống Biden cũng gặp Tổng Thống Iraq Jalal Talabani, một người Kurd. Ông Biden nhấn mạnh rằng Washington không nghiêng về phe nào trong cuộc tranh chấp về vấn đề ai sẽ là người nên lãnh đạo Iraq.
Phó Tổng Thống Mỹ nói: “Tôi vẫn hết sức lạc quan, như ngay từ buổi ban đầu, về triển vọng một tân chính phủ sẽ được hình thành tại đây, một chính phủ có tính đại diện cho tất cả mọi chính đảng lớn trong nước. “
Ông Ahmed Ali, một nhà phân tích tình hình Iraq làm việc tại Viện nghiên cứu Chính sách vùng Cận Đông tại Washington, đồng ý rằng Hoa kỳ muốn duy trì lập trường trung lập.
Ông Ali nhận định: “Chính phủ Mỹ, đã quyết định ngay từ khi các cuộc bầu cử bắt đầu, sẽ không áp đặt bất cứ điều kiện gì đối với các chính khách và các chính đảng của Iraq.”
Kể từ cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng Ba, cả Thủ Tướng Nouri al -Maliki và ông Allawi đều quyết tâm đòi đứng đầu chính phủ kế tiếp tại Iraq.
Ông Charles Dunne, một chuyên gia về Iraq tại Viện nghiên cứu các vấn đề Trung Đông tại thủ đô Washington, nói Phó Tổng Thống Joe Biden đang giúp đẩy mạnh tiến trình chính trị tại Iraq.
Ông Dunne nhận định: “Tôi tin rằng chính tình Iraq trong vài tuần qua, đặc biệt là trong tuần qua, ngay lúc Phó Tổng Thống Biden còn có mặt tại đó, đã trở nên linh động hơn. Chúng ta đã chứng kiến một loạt cuộc thảo luận giữa ông Malaki và ông Allawi, nên tôi tin rằng chúng ta sẽ bắt đầu thấy một số tiến bộ, ít nhất là trong tháng tới.”
Trong khi đó, ông Moqtada al -Sadr, một giáo sĩ Shia có lập trường cực đoan, kêu gọi giới lãnh đạo Iraq chớ nên để Hoa kỳ lung lạc.
Ngược lại, chuyên gia về Trung Đông Dunne nói ông tin rằng đa số người Iraq muốn Hoa kỳ can dự nhiều hơn vào tiến trình chính trị tại Iraq .
Ông nói: “Các giới chức cấp cao Iraq đã nói với tôi rằng bất cứ ai muốn trở thành Thủ Tướng Iraq bây giờ đều muốn là ứng viên được Hoa kỳ hậu thuẫn. Không ai công khai nói lên điều đó vì lý do chính trị, nhưng sự kiện đó, theo tôi, phản ảnh thái độ của họ sẵn sàng gặp ông Biden, và thái độ niềm nở của họ đối với ông Biden về các nỗ lực của ông khi đến với Iraq.”
Phó Tổng Thống Joe Biden nhấn mạnh rằng chỉ có thể thực hiện tiến bộ trong nỗ lực hình thành chính phủ mới, với điều kiện các nhà lãnh đạo Iraq tập trung vào quyền lợi quốc gia.
Ông Biden nói giới lãnh đạo chính trị Iraq phải cho phép mọi khối chính trị lớn trong nước được có đại diện trong tân chính phủ, như vậy chính quyền này mới hoạt động được.
Ông Dunne bất đồng với quan điểm ấy. Ông nói:
“Tôi không ủng hộ một hệ thống bầu cử đại biểu theo tỷ lệ đưa đến việc tạo ra một chính phủ đoàn kết quốc gia, bởi vì trên thực tế đó chỉ là một tình huống dễ đưa đến một chính phủ không hữu hiệu. Tôi tin rằng một số nhóm không nhất thiết cần có đại diện trong chính phủ, nhất là một số nhân vật không nên được nắm quyền kiểm soát các bộ quan trọng.”
Đã xảy ra nhiều bạo động trong thời gian Phó Tổng Thống Biden lưu lại Iraq. Ông Ahmed Ali nói các phần tử nổi dậy, đặc biệt các phần tử có liên hệ với tổ chức al-Qaida ở Iraq, đã lợi dụng tình trạng kém đề cao cảnh giác trong chính phủ.
Ông Ali nói: “Hình thức bạo động đã thay đổi. Nay bạo động phần lớn đã chuyển sang các âm mưu ám sát, và các vụ ám sát mà đối tượng là các ứng viên chính trị hoặc các nhân vật tôn giáo. Đó là điểm đáng lo ngại nhất về các vụ bạo động hiện nay, nó có thể làm dấy lên một phản ứng của một phe phái này chống lại một phe phái khác.”
Các nhà phân tích và một số nhà lập pháp Iraq nói sẽ cần vài tháng nữa trước khi một chính phủ mới được thành lập tại Iraq.
Tuy nhiên các giới chức Mỹ muốn có một tân chính phủ sớm hơn, trước khi một số binh sĩ Mỹ rời khỏi Iraq vào cuối tháng 8, để lại khoảng 50.000 quân, đóng vai trò cố vấn.
Đầu tuần này tại Baghdad, Phó Tổng Thống Hoa kỳ Joe Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị Iraq hãy giải quyết những dị biệt để thành lập một chính phủ mới. Bốn tháng sau các cuộc bầu cử quốc hội ở Iraq, nước này vẫn chưa giải quyết được bế tắc chính trị, sau khi không một chính đảng nào đoạt được đa số phiếu. Thông tín viên Deborah Block của Đài VOA đặt câu hỏi với giới phân tích thời cuộc liệu chuyến đi thăm Iraq của Phó Tổng Thống Joe Biden có giúp chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị hay không.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1