Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, sau nhiều tuần không hành động và tranh cãi, hôm 15/11 đưa ra lời kêu gọi tiến hành các cuộc “tạm ngưng bắn nhân đạo kéo dài” ở Dải Gaza, đặc biệt là để bảo vệ trẻ em, nhưng Israel ngay lập tức bác bỏ biện pháp này.
Đại sứ Malta, Vanessa Frazier, người dẫn đầu các cuộc đàm phán và soạn thảo văn bản, nói: “Dự thảo nghị quyết mà chúng ta có trước mắt hôm nay nhằm mang lại hy vọng trong thời điểm đen tối này”. “Nó nhằm mục đích đảm bảo sự tạm ngưng bắn sau cơn ác mộng hiện tại ở Gaza và mang lại hy vọng cho gia đình của tất cả các nạn nhân. Nghị quyết đặc biệt tập trung vào hoàn cảnh của những đứa trẻ bị mắc kẹt trong vùng đất chiến tranh và những người bị bắt làm con tin.”
Nghị quyết kêu gọi “mở rộng các hành lang và tạm ngưng bắn nhân đạo” ở Gaza “trong một số ngày đủ” để cho phép viện trợ, sửa chữa những thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng quan trọng như bệnh viện, giếng nước và tiệm bánh, đồng thời tạo điều kiện cho việc sơ tán y tế, đặc biệt là trẻ em. Nghị quyết cũng kêu gọi “thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả con tin đặc biệt là trẻ em” do Hamas và các nhóm khác – bắt giữ.
Các nghị quyết của hội đồng có tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng các bên có tên trong đó thường phớt lờ mà không lãnh hậu quả.
Đại sứ của Israel nói với hội đồng rằng chính phủ của ông không cần một nghị quyết để nhắc nhở nước này tuân thủ luật pháp quốc tế và Hamas “thậm chí sẽ không thèm đọc nó”.
Phó đại sứ Israel Brett Jonathan Miller nói: “Do đó, nghị quyết này không góp phần gì vào tình hình thực tế”. “Đưa các con tin của chúng tôi về nước là ưu tiên hàng đầu của Israel, và nhận thấy rằng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an không lay chuyển những kẻ khủng bố, Israel sẽ tiếp tục làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được mục tiêu này.”
Hội đồng tranh cãi , thường dân thiệt mạng
Đây là nỗ lực thứ năm của hội đồng trong việc thông qua một nghị quyết kêu gọi một số hình thức ngừng bắn trong cuộc chiến kéo dài 40 ngày. Những nỗ lực trước đó đã kết thúc bằng quyền phủ quyết và sự gay gắt về địa chính trị.
Vào ngày 27/10, Đại hội đồng đã vào cuộc và thông qua nghị quyết của riêng mình kêu gọi đình chiến nhân đạo. Được đề nghị bởi các quốc gia Ả Rập, nghị quyết kêu gọi ngừng ngay lập tức cuộc chiến để cung cấp viện trợ an toàn cho Gaza và thả tất cả thường dân đang bị giam giữ. Nhưng các nghị quyết của Đại hội đồng không có tính ràng buộc về mặt pháp lý và Israel bắt đầu cuộc chiến trên bộ khi cuộc biểu quyết đang được kiểm phiếu.
Hôm 15/11, mười hai thành viên Hội đồng Bảo an đã bỏ phiếu ủng hộ, trong khi ba thành viên thường trực bỏ phiếu trắng: Anh, Nga và Mỹ.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đại diện cho khối khu vực Ả Rập trong hội đồng. Đại sứ Lana Nusseibeh cho biết bà tin rằng nghị quyết này có thể cứu được nhiều mạng sống.
Bà nói với các đồng nghiệp của mình: “Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc thông qua nghị quyết ngày hôm nay chỉ bắt đầu phản ứng của chúng ta đối với cuộc chiến này và cuộc khủng hoảng này”. “Đã quá nhiều thời gian trôi qua, quá nhiều người đã thiệt mạng và quá nhiều sự tàn phá đã xảy ra.”
Nghị quyết rất ngắn gọn và chủ yếu tránh xa các yếu tố chính trị. Văn bản không đề cập đến Israel bằng tên và chỉ đề cập đến Hamas một lần, liên quan đến khoảng 240 con tin mà tổ chức này và các nhóm chiến binh khác đang giam giữ ở Gaza.
Đại sứ Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield nói, giải thích về việc Washington bỏ phiếu trắng: “Cuối cùng, Hoa Kỳ không thể bỏ phiếu ‘có’ cho một văn bản không lên án Hamas hoặc tái khẳng định quyền của tất cả các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ công dân của họ khỏi các cuộc tấn công khủng bố”. Đại sứ Anh cũng nêu lên quan điểm tương tự.
Hamas bị liệt kê vào danh sách khủng bố ở Mỹ, Anh, EU và các nước khác.
Nga đề nghị sửa đổi dự thảo, bổ sung ngôn ngữ được thông qua trong nghị quyết của Đại hội đồng kêu gọi “một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, lâu dài và bền vững dẫn đến chấm dứt chiến sự.” Nhưng điều đó không có đủ sự ủng hộ của hội đồng để đưa vào dự thảo của Malta nên Nga đã bỏ phiếu trắng.
Tuần trước, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói Gaza đang trở thành “nghĩa địa cho trẻ em”.
Hơn 4.500 trẻ em Palestine đã thiệt mạng và gần 9.000 trẻ bị thương kể từ khi vụ tấn công khủng bố hôm 7/10 của Hamas bên trong Israel gây ra chiến tranh. Thêm nhiều trẻ em mất tích và được cho là nằm trong số những người thiệt mạng dưới đống đổ nát ở Gaza.
Ít nhất 31 trẻ em đã thiệt mạng ở Israel trong các cuộc tấn công khủng bố và khoảng 30 trẻ em khác được cho là nằm trong số các con tin bị bắt cóc ở Gaza, trong đó có một đứa trẻ 3 tuổi người Mỹ.
Người đứng đầu Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc, UNICEF, đã đến thăm Gaza hôm 15/11.
Giám đốc điều hành Catherine Russell nói: “Tôi ở đây để làm bất cứ điều gì có thể để ủng hộ việc bảo vệ trẻ em”. “Tôi một lần nữa kêu gọi tất cả các bên đảm bảo rằng trẻ em được bảo vệ và hỗ trợ theo luật nhân đạo quốc tế. Chỉ các bên trong cuộc xung đột mới có thể thực sự ngăn chặn nỗi kinh hoàng này.”
Diễn đàn