Giới hữu trách Nhật Bản cho biết 4 chính trị gia từ thành phố Okinawa hôm nay đã tới hòn đảo Uotsuri rộng 8 hectare, cách Đài Loan 170 km về phía đông bắc, và ở lại đó trong khoảng 2 tiếng rưỡi.
Các thành viên hội đồng thành phố Ishigaki đang thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với một dãy đảo đá, không có người ở, mà cả Bắc Kinh và Đài Bắc cùng tuyên bố chủ quyền.
Quần đảo này này được Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Ðài.
Trong một tuyên bố bằng văn bản ra ngày hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói quần đảo là ‘một phần của Trung Quốc’ từ thời xa xưa. Thông cáo cũng nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền quần đảo này.
Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo kể từ cuối thế kỷ thứ 19, sau khi thôn tính Okinawa.
Trong khi đó, tin cho hay, 10 nhà hoạt động Hong Kong, Trung Quốc và Đài Loan lên tàu ở Hong Kong, trực chỉ các hòn đảo tranh chấp.
Giáo sư Alexis Dudden của trường Đại học Connecticut đã nghiên cứu sâu vấn đề tranh chấp đảo ở Đông Bắc Á. Bà đánh giá rằng Senkaku là vụ tranh chấp nhậy cảm nhất trong nhiều cuộc tranh chấp lãnh hải của Nhật Bản với Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Nga vì quần đảo này nằm giữa ‘những tuyên bố chủ quyền rất gay gắt về tài nguyên thiên thiên” và có một vị trí chiến lược.
Giáo sư Dudden cho biết: “Điều gây tranh chấp hiện nay, một mặt có liên quan hoàn toàn đến về nguồn cá, cũng như nguồn khí đốt thiên nhiên và quặng dầu. Mặt khác, nó cũng hoàn toàn liên quan đến sự kiện Trung Quốc ngày càng tự cho là một quốc gia hàng hải, và sự hiện diện của Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ trong khu vực.”
Tuy công nhận quyền kiểm soát hành chính của Nhật Bản đối với quần đảo vừa kể, Hoa Kỳ vẫn tránh việc khẳng định một lập trường về điều mà nước này gọi là ‘chủ quyền chung quyết” đối với quần đảo.
Giáo sư Dudden nói: “Nếu nước nào cũng đưa ra tuyên bố chủ quyền từ trước đến nay, thì thực ra có lẽ Đài Loan đã đưa ra lời khẳng định chủ quyền mạnh mẽ hơn bất cứ quốc gia nào khác. Đồng thời, dựa trên tất cả các nhật ký hay lời chứng của các ngư dân, thì rõ ràng mọi bên đều đánh bắt cá quanh các quần đảo này trong suốt thế kỷ 20.”
Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tới thăm Bắc Kinh và đồng ý rằng hai nước sẽ tổ chức một cuộc họp cấp cao để giảm bớt căng thẳng về hàng hải.
Chính phủ trung ương Nhật Bản giới hạn việc tới đảo tranh chấp ở thềm lục địa của nước này. Nhưng các chính trị gia bảo thủ của Nhật đã kêu gọi Tokyo có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc sau các vụ va chạm giữa lực lượng tuần duyên Nhật Bản và các tàu đánh bắt cá của Trung Quốc.
Nam Triều Tiên cũng đối mặt với tình huống tương tự. Nước này đang tạm giữ một thuyền trưởng tàu của Trung Quốc bị cáo buộc đâm chết một nhân viên tuần duyên hồi tháng trước sau khi ông này lên tàu đánh cá do viên thuyền trưởng trên điều khiển tại Hoàng Hải.
Đó là vụ mới nhất trong một loạt các vụ đụng độ bạo lực giữa giới hữu trách Nam Triều Tiên và các tàu đánh cá Trung Quốc.
Người ta thấy một số chính trị gia Nhật Bản đã tới một hòn đảo nhỏ trong vòng tranh chấp ở biển Đông Trung Hoa. Động thái này có thể làm leo thang căng thẳng tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Từ văn phòng Đông Bắc Á của đài VOA tại Seoul, thông tín viên Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1