Đường dẫn truy cập

Có sự ngờ vực về thông báo vụ đóng nguội nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản


Một nhà hoạt động của nhóm Greenpeace biểu tình bên ngoài dịnh Thủ tướng Nhật, chỉ trích lời tuyên bố của chính phủ về tình trạng 'đóng nguội' tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Một nhà hoạt động của nhóm Greenpeace biểu tình bên ngoài dịnh Thủ tướng Nhật, chỉ trích lời tuyên bố của chính phủ về tình trạng 'đóng nguội' tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda hôm nay công bố một thành quả quan trọng trong việc đặt nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 bị hư hại nghiêm trọng trong vòng kiểm soát.

Tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Thủ tướng Nhật tuyên bố chính phủ có thể loan báo rằng đã đạt được tình trạng đóng nguội tại nhà máy này.

Điều đó có ý muốn nói rằng 3 lò phản ứng bị hư hại đã được ổn định và không còn dò rỉ những khối lượng phóng xạ đáng kể nữa.

Một số coi thông báo này mang tính cách chính trị hơn là khoa học, mặc dù ông Noda nhấn mạnh rằng vụ khủng hoảng hạt nhân còn lâu mới chấm dứt.

Một kỹ sư người Mỹ làm chuyên gia trong cuộc thử nghiệm ngăn chặn hạt nhân, phó giáo sư Murray Jennex của trường đại học San Diego ở California nói rằng thông báo của Nhật Bản là quá sớm.

Viên kỹ sư này cho biết nếu ông phụ trách việc này thì ông sẽ không đưa ra tuyên bố rằng các lò phản ứng đang ở tình trạng đóng nguôi. Ông sẽ nói họ có thể tin rằng không có rủi ro tình trạng nguy hiểm tái diễn và họ sẽ bắt đầu các công tác dọn dẹp. Ở Hoa Kỳ khi các nhà máy hạt nhân ở trong tình trạng đóng nguội, thì các tòa nhà chứa lò phản ứng sẽ được mở rộng để cho không khí lưu thông.

Và đấy không phải là tình hình ở nhà máy Fukushima số 1, đang bị ô nhiễm bởi các mức phóng xạ cao.

Sự kiện đó sẽ tiếp tục gây trở ngại cho công tác làm sạch cơ sở, mà các giới chức và Công ty Điện lực Tokyo, là sở hữu chủ nhà máy, thừa nhận rằng phải mất tới 40 năm mới hoàn tất.

Nhà vận động về hạt nhân của tổ chức Greenpeace International Jan van de Putte, phát biểu từ Brussels, nói rằng công nhân nhà máy Fukushima, trong 9 tháng vừa qua, đã đạt được những thành tích đáng kể nhưng vẫn phải đối mặt với một công tác to lớn và hết sức nguy hiểm.

Chuyên gia này nói nhà máy vẫn còn rò rỉ, vẫn còn hàng ngàn lít nước bị ô nhiễm nặng cần phải xử lý. Mới đây lại có một vết nứt trong bể chứa nước, dò rỉ vào đại dương chất strontium là một chất phóng xạ rất nguy hiểm. Vì vậy còn lâu mới đặt nhà máy trong vòng kiểm soát được.

Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Noda thừa nhận thách thức to lớn của việc dọn dẹp phóng xạ và bảo đảm sức khỏe của công chúng. Ông cũng đề cập đến hàng tỷ đôla sẽ cần đến để bồi thường cho hàng chục ngàn người bị buộc phải rời bỏ cộng đồng của mình và nhiều cơ sở kinh doanh bị phá hủy, trong đó có các nông trại và các đoàn tầu đánh cá.

Cộng đồng khoa học không đồng thuận về mức độ rủi ro tại cơ sở nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản. Một phần bởi vì không có cách nào để xác định liệu nhiên liệu mang tính phóng xạ cao trong 3 lò phản ứng bị hư hại có tan chảy qua các bể chứa bên trong và qua sàn bê tông hay không.

Vì sự bất trắc đó, cũng có nghi ngại rằng liệu chính phủ có tìm cách trấn an công chúng rằng các lõi bị tan chẩy thực sự không đề ra nguy cơ của một phản ứng dây chuyền hạt nhân trong tương lai có thể một lần nữa khiến chúng nóng lên vượt ngoài tầm kiểm soát.

Cũng có mối lo ngại về khả năng xảy ra một trận động đất lớn hay sóng thần khác gây hư hại nghiêm trọng thêm và sinh ra chất phóng xạ. Giới hữu trách Nhật Bản nói điều đó cực kỳ khó có thể xảy ra. Nhưng giới chỉ trích nêu ra rằng công ty Điện lực Tokyo và chính phủ, trước khi xảy ra trận động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3, cũng đã gạt đi những lời cảnh báo rằng một thiên tai có thể châm ngòi cho nhiều vụ tan chảy lò phản ứng tại Fukushima.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG