Đường dẫn truy cập

Tuần hành chống hạt nhân tại Nhật Bản


Ðây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi xảy ra vụ khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Ðây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi xảy ra vụ khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Các nhà hoạt động chống hạt nhân đã tuần hành tại Nhật Bản để gây chú ý cho phong trào của họ. Thông tín viên VOA Steve Herman tường trình từ Tokyo đây là cuộc biểu tình lớn nhất của họ kể từ khi có vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào giữa tháng Ba.

Một liên minh chống hạt nhân ở Nhật Bản cho biết họ đang cố thu thập 10 triệu chữ ký cho một kiến nghị để trình cho chính phủ trước ngày kỷ niệm một năm vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Các nhà tổ chức dự kiến khoảng 50.000 người sẽ tham dự buổi tuần hành hôm thứ Hai và nói trong thực tế đã có 60.000 người tham gia. Tuy nhiên, cảnh sát ước tính đám đông tại một cuộc mít-tinh trong một công viên và một cuộc tuần hành hòa bình sau đó trên các đường phố gần đó, tổng cộng chỉ có khoảng 20.000 người.

Phát biểu tại buổi mít-tinh, ông Kenzaburo Oe, người từng đoạt giải Nobel, kêu gọi Nhật Bản theo gương của Ý. Trong một cuộc trưng cầu cách đây ba tháng, 94% cử tri Ý đã bác bỏ một đề nghị để trở lại với điện hạt nhân.

Ông Oe nói Nhật Bản cần phải lo sợ các hiệu ứng vật lý có hại của bức xạ do tai nạn hạt nhân gây ra, như họ đã lo sợ sau khi bị bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki hồi Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông nói rằng các cuộc biểu tình như thế này cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản.

Ông Oe sau đó đã đi đầu trong cuộc tuần hành, mà các nhà tổ chức gọi là một "cuộc diễu hành" chứ không phải là một cuộc biểu tình.

Cùng đi hàng đầu với ông Oe còn có Keiko Ochiai, nhà văn nữ quyền nổi tiếng. Bà đã nói với VOA quan điểm của bà về năng lượng hạt nhân.

Bà Ochiai nói: "Chúng tôi tin rằng hạt nhân là lý do cho bất hạnh của con người. Vì vậy, tôi không đồng ý với hạt nhân hoặc kể cả các nhà máy điện hạt nhân."

Thái độ đó đã được lan rộng kể từ khi có trận động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3, gây ra cuộc khủng hoảng một số lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Cuộc thăm dò gần đây cho thấy 3/4 quần chúng muốn giảm dần các cơ sở điện hạt nhân ở Nhật Bản, nhưng chỉ có 1 trong 10 người Nhật muốn đóng ngay lập tức tất cả các nhà máy trong nước.

Tai nạn hạt nhân hồi tháng 3 là tai nạn tồi tệ nhất của thế giới kể từ khi có tai nạn Chernobyl năm 1986 tại Liên Xô cũ. Nhà máy Fukushima bị rò rỉ bức xạ buộc hàng ngàn cư dân phải bỏ nhà cửa, làm nhiều cây trồng và thịt bị ô nhiễm.

Nhật Bản có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất ít. Đó là lý do chính từ mấy chục năm qua buộc Nhật Bản phải xây các nhà máy điện hạt nhân và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu để tạo ra điện.

Thủ tướng mới của Nhật Bản, ông Yoshihiko Noda, dường như đang dung hòa quan điểm của ông Naoto Kan, người tiền nhiệm của mình, là người đã lãnh đạo đất nước vào lúc có cuộc khủng hoảng Fukushima.

Theo hãng tin Kyodo, ông Noda dự kiến sẽ nói trước một hội nghị của Liên Hiệp Quốc vào thứ Năm này rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục dựa vào các nhà máy điện hạt nhân và xem việc thực hiện các biện pháp an toàn tại các cơ sở này là ưu tiên hàng đầu.

Hơn một nửa trong số 52 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã tạm ngưng hoạt động trong những tháng gần đây, dẫn đến tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên, nhà chức trách đã có các biện pháp quản lý để tránh bị mất điện như mọi người lo sợ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG