Nhật Bản sẽ dành trợ cấp của chính phủ để giúp cho Công ty Điện lực Tokyo trang trải các tổn phí có liên quan đến việc khử nhiễm tại địa điểm nhà máy hạt nhân Fukushima, phá hủy các lò phản ứng và dùng nhiều tỷ đôla để bồi thường cho cư dân và các sở hữu chủ doanh nghiệp.
Để đổi lại sự trợ giúp tài chính của chính phủ, công ty này sẽ cắt giảm chi phí hoạt động khoảng 3 tỷ đôla và sa thải hơn 7.000 công nhân, tức là khoảng 15% tổng số nhân viên.
Công ty Điện Tokyo hôm nay loan báo dự trù sẽ lỗ gần 7 tỷ rưỡi đôla cho năm tài khóa này, chấm dứt vào tháng 3. Công ty điện cho biết sẽ bị thua lỗ ngay cả sau khi nhận được hơn 11 tỷ đôla trợ cấp của công quỹ.
Thỏa thuận nhận công quỹ được đưa ra giữa những lời kêu gọi chính phủ phải minh bạch hơn nữa về mức độ phóng xạ hạt nhân ở Nhật Bản.
Một toán công tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược, còn gọi tắt là CSIS, có cơ sở ở Washington DC đề nghị Nhật Bản giải quyết điều được gọi là “các vấn đề an ninh còn tồn đọng” do hậu quả vụ tan chảy các lò phản ứng tại nhà máy điện Fukushima số 1.
3 trong các lò phản ứng ở cơ sở này đã bị tan chảy sau vụ động đất có cường độ 9 độ và cơn sóng thần khổng lồ ập vào miền đông bắc Nhật Bản ngày 11 tháng 3.
Giám đốc về chính sách y tế toàn cầu của CSIS, ông J. Stephen Morris nói rằng một toán công tác đại diện cho học viện kêu gọi thành lập một nhóm quốc tế, độc lập để cứu xét các rủi ro về sức khỏe quần chúng do việc tiếp xúc dài hạn với phóng xạ ở mức thấp.
Ông nói: “Chúng tôi nghĩ có một vấn đề nghiêm trọng về niềm tin và sự khả tín và một thực thể độc lập như thế này, nếu được chính phủ Nhật Bản hoan nghênh, có thể thúc đẩy và thực hiện công tác trong 18 đến 24 tháng và sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các lãnh vực chính yếu đó.”
Ông Morrison nói Nhật Bản đã giữ kín các dữ liệu chính trong giai đoạn đầu của vụ khủng hoảng. Các ước lượng mới đây cho thấy phóng xạ thoát ra gấp đôi mức đã được thừa nhận lúc ban đầu.
Nhật Bản cũng đang chật vật ứng phó với việc phát hiện các điểm nóng phóng xạ, lan xa tới tận Tokyo. Và vẫn còn những nghi vấn về tình trạng của nhiên liệu hạt nhân tại nhà máy Fukushima.
Mối quan ngại là mục tiêu đưa các lò phản ứng bị hư hại đến tình trạng ngưng hoạt động hẳn trước cuối năm nay có thể bị trì hoãn.
Phóng xạ hạt nhân từ nhà máy hồi giữa tháng 3 đã buộc phải sơ tán các cộng đồng nằm trong vòng bán kính 20 kilomet quanh cơ sở. Theo dự kiến, việc khử nhiễm hoàn toàn khu vực phải mất mấy chục năm.
Bất kể tai họa hạt nhân, phúc trình của toán công tác CSIS công bố hôm qua ở Washington nêu ra rằng Nhật Bản có thể không có mấy chọn lựa khác hơn là tiếp tục dựa vào nguyên tử năng như một nguồn năng lượng tương đối ít tốn kém bởi vì Nhật Bản có rất ít tài nguyên thiên nhiên.
Ông Tim Adams, giám đốc điều hành của một công ty tư vấn kinh tế là Nhóm Lindsey và từng là thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nói:
“Có sự lo ngại thực sự trong công nghiệp Nhật Bản rằng nếu Nhật Bản chuyển sang một nguồn năng lượng khác và thiếu tính tiết kiệm hơn thì điều đó sẽ buộc công nghiệp Nhật Bản phải di dời công ăn việc làm sang các địa bàn khác trên khắp thế giới.”
Ngoài các vấn đề năng lượng và sức khỏe, bản phúc trình của CSIS cũng đưa ra các đề nghị với Nhật Bản về việc chuẩn bị ứng phó với thiên tai, về nền kinh tế và xã hội dân sự Nhật.
Phúc trình đề nghị Tokyo khai phóng thương mại và cắt giảm hoặc điều chỉnh mức thuế để giảm thiểu các áp lực tài chính do thiên tai ngày 11 tháng 3 gây ra.
CSIS ước tính vụ động đất kèm theo sóng thần đã giáng một cú đánh tới 220 tỷ đôla tổn thất cho các cơ sở hạ tầng và tài sản của Nhật Bản.
Chưa có phản ứng tức thời từ phía chính phủ Nhật Bản về các đề nghị vừa kể.
Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý cung cấp cho Công ty Điện lực Tokyo 11,5 tỷ đôla công quỹ để trang trải cho các tổn phí về hậu quả vụ động đất và sóng thần ngày 11 tháng 3 đã làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Thỏa thuận được đưa ra giữa những lời kêu gọi phải minh bạch hơn nữa về mức độ phóng xạ ở Nhật Bản sau tai họa hạt nhân.