Đường dẫn truy cập

Julian Assange thất bại trong nỗ lực ngăn hành động pháp lý của Anh


Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, đi vào đại sứ quán Ecuador vào tháng 6 năm 2012 sau khi không trình diện tại phiên tòa bảo lãnh tại ngoại ở Anh.
Julian Assange, người sáng lập Wikileaks, đi vào đại sứ quán Ecuador vào tháng 6 năm 2012 sau khi không trình diện tại phiên tòa bảo lãnh tại ngoại ở Anh.

Người sáng lập WikiLeaks Julian Assange thất bại trong một nỗ lực pháp lý hôm thứ Ba để thuyết phục nhà chức trách Anh từ bỏ thêm hành động nhắm vào ông về việc ông vi phạm các điều kiện bảo lãnh tại ngoại khi ông bước vào đại sứ quán Ecuador ở London vào năm 2012.

Quyết định này có nghĩa là ông Assange vẫn kẹt trong tình trạng bế tắc về pháp lý và ngoại giao mà không có cách nào thoát khỏi đại sứ quán nơi ông ta đã sống gần sáu năm, trừ phi ông ta quyết định đối diện với khả năng bị cảnh sát Anh bắt giữ.

Ông Assange, 46 tuổi, đi vào đại sứ quán Ecuador vào tháng 6 năm 2012 sau khi không trình diện tại phiên tòa bảo lãnh tại ngoại để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển để đối mặt với cáo buộc cưỡng hiếp, điều mà ông ta đã phủ nhận. Vụ án ở Thụy Điển được bãi bỏ hồi tháng 5 năm ngoái, nhưng Anh vẫn duy trì lệnh bắt giữ ông ta về tội vi phạm điều kiện bảo lãnh tại ngoại.

Ông Assange nói rằng ông lo sợ nếu ông ta ra đầu thú thì có thể bị dẫn độ sang Mỹ để chịu truy tố về việc ông ta tiết lộ những bí mật ngoại giao và quân sự của Mỹ trên trang WikiLeaks.

Không có hồ sơ công khai hay bằng chứng cho thấy có bất cứ cáo buộc hình sự hiện hành nào của Mỹ nhắm vào ông Assange, nhưng ông và những người ủng hộ ông tin rằng các công tố viên Mỹ có thể có bản một cáo trạng niêm phong, và do đó được giữ bí mật, nhắm vào ông ta.

Các luật sư của ông lập luận trong một phiên toà vào tuần trước rằng tìm cách bắt giữ và truy tố ông vì không trình diện tại phiên tòa bảo lãnh tại ngoại không còn là lợi ích vì công lý của nhà chức trách Anh nữa, nhưng thẩm phán bác bỏ lập luận của họ.

Ông Assange, người rất tích cực trên Twitter, dường như theo dõi sát phiên tòa từ bên trong đại sứ quán. Ông ta đăng một số dòng tweet trong khi thẩm phán đang đọc phán quyết của bà, một dòng tweet bình luận rằng phán quyết dường như không có lợi cho ông ta và những dòng tweet khác có những đường dẫn tới những bài viết có lợi cho ông ta.

Trong một đoạn từ phán quyết của mình, thẩm phán nói rằng bà không chấp nhận lập luận của các luật sư của ông Assange rằng ông ta không được tiếp xúc với ánh nắng. Bà nói bà đã nhìn thấy những bức hình cho thấy ông ta đứng trên ban-công đại sứ quán.

Những người ủng hộ ông Assange xem ông là người cổ xúy tự do ngôn luận, người đã phơi bày những sự thật gây khó chịu dù bản thân phải chịu hậu quả to lớn. Những người chỉ trích ông ta nói rằng một số tài liệu WikiLeaks đăng lên mạng gây nguy hiểm cho tính mạng của nhiều người ở một số nước, và rằng ông ta quá hăm hở đứng về phía các chế độ chuyên quyền trong quyết tâm của ông ta chỉ trích nước Mỹ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG