Đường dẫn truy cập

Người sắc tộc Karen chạy trốn cuộc giao tranh tại Miến Điện


Người sắc tộc Karen tị nạn từ Miến Điện tại trại tị nạn Mae La bên ngoại thị trấn Mae Sot gần biên giới Thái Lan-Miến Điện
Người sắc tộc Karen tị nạn từ Miến Điện tại trại tị nạn Mae La bên ngoại thị trấn Mae Sot gần biên giới Thái Lan-Miến Điện

Ủy ban Châu Âu đã đi thăm các trại tạm giam người tị nạn Miến Điện dọc theo biên giới giữa Thái Lan và Miến Điện trong tuần này để xem xét đánh giá từ các dịch vụ cứu trợ cơ bản tới sự hỗ trợ bền vững lâu dài. Thế nhưng giữa lúc các nhân viên cứu trợ tại biên giới này phải chật vật đương đầu với làn sóng mới những người tị nạn Karen chạy trốn khỏi cuộc xung đột ở quê nhà, câu hỏi đặt ra vẫn là liệu có thể có được sự hỗ trợ bền vững cho khu vực bất ổn như thế hay không. Thông tín viên VOA Danielle Bernstein tường trình từ Mae Sot.

Hơn 10.000 người tị nạn từ miền Đông Miến Điện đã vào lãnh thổ Thái Lan kể từ khi nổ ra giao tranh giữa các binh sĩ chính phủ với lực lượng đối lập mang tên Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen hồi tháng 11 năm ngoái sau cuộc bầu cử toàn quốc lần đầu tiên của nước này trong vòng 2 thập niên.

Chính phủ Thái Lan xem những người này là di dân bất hợp pháp vì vậy họ không được vào các trại tập trung người tị nạn và không được tiếp cận với những sự hỗ trợ nhân đạo. Thay vào đó, họ phải tìm nơi nương náu trong rừng rậm hoặc trong các lều trại tạm bợ.

4 tháng giao tranh liên tiếp tại các khu vực biên giới của bang Karen, Miến Điện, chưa có dấu hiệu lắng dịu. Bà Sally Thompson, thuộc Hiệp hội Biên giới Thái-Miến, nói rằng cuộc bầu cử ở Miến đã khiến chính quyền Thái thêm ngần ngại trong công tác hỗ trợ nhân đạo cho người tị nạn Karen.

Bà Sally cho biết: “Việc Miến Điện tổ chức bầu cử được xem là khởi điểm của một giai đoạn mới không có thêm người tị nạn. Chính quyền Thái Lan và các nước khác hy vọng rằng trong giai đoạn mới này người tị nạn sẽ dần có thể quay trở về Miến Điện. Cho nên vào thời điểm này người ta không sẵn sàng thiết lập thêm các cơ chế mới có thể thu hút thêm người tị nạn tới Thái Lan. Theo quan điểm của chính phủ Thái Lan, nếu họ thành lập thêm nhiều trại tị nạn chính thức, họ xem đó là một yếu tố lôi kéo.”

Tổ chức của bà Thompson ước tính có hơn 140.000 người từ Miến Điện hiện sống trong 10 trại tị nạn dọc theo vùng biên giới. Hàng ngàn người khác tạm trú trong 9 trại bên trong lãnh thổ của Miến Ðiện được tổ chức này giám sát.

Tình trạng thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Miến hoặc trên đất Thái vẫn là một vấn đề nan giải đối với những người tị nạn.

Bà Thompson nói: “Đúng ra không có một hệ thống chăm sóc sức khỏe hữu hiệu ở miền Đông Miến Điện. Vì vậy, họ phải tới những nơi như bệnh viện Mae Tao bởi đó là nơi duy nhất họ có thể được chăm sóc sức khỏe. Không có một hệ thống chăm sóc sức khỏe nào được thành lập từ phía chính phủ và những gì họ tiếp cận được là những cái mà các nhóm sắc tộc Karen tự dựng lên.”

Bệnh viện Mae Tao do bác sĩ Cynthia Maung thành lập ở Mae Sot cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho người tị nạn. Lok Gwa, một bác sĩ phẫu thuật thực tập tại bệnh viện này, cho hay kể từ khi đóng cửa biên giới hồi tháng 9, bệnh viện tiếp nhận ít bệnh nhân hơn.

Các số liệu của bệnh viện xác thực số bệnh nhân đứng ở mức khoảng 10.500 người mỗi tháng, tức thấp hơn mức bình thường chừng 2.000 người.

Vị bác sĩ này nói rằng điều đó cho thấy không phải là ít người bệnh hơn mà là ít người có thể tới bệnh viện này, hoặc là họ không có được chăm sóc y tế, hoặc phải được chăm sóc sức khỏe tận nơi.

Trong 10 năm qua, bà Naw Paw Hser Mu Lar là thành viên của Đội Nhân viên Y tế Ba-lô, một mạng lưới gồm hơn 300 y bác sĩ di động chăm sóc cho những người sống trong các khu vực có xung đột tại Miến.

Bà cho hay giao tranh đã dẫn tới tình trạng các bệnh như sốt rét, tiêu chảy, các căn bệnh ở bà mẹ và trẻ em, cùng những thương tật do mìn bẫy tăng vọt kể từ tháng 11 tới nay.

Bà Mu Lar nói: "Chính sách không thay đổi. Tôi nghĩ năm nay có nhiều xung đột hơn năm ngoái, nhiều bệnh nhân hơn. Xung đột nhiều hơn cũng có nghĩa là nhiều bệnh nhân hơn, nhiều ca bệnh nguy kịch hơn.”

Ông Mahn Mahn, người đứng đầu của tổ chức này, cũng quan ngại tương tự:

Ông Mahn Mahn nói: “Trước cuộc bầu cử ở Miến Điện, chúng tôi dự kiến sẽ có thêm xung đột nhưng cộng đồng quốc tế không tin chúng tôi. Tuy nhiên, trước cuộc bầu cử chúng tôi đã bắt đầu chuẩn bị cho giai đoạn hậu bầu cử, rồi giao tranh khởi sự ở Myawady, và chúng tôi bắt đầu thành lập 7 toán y sĩ di động khẩn cấp.”

Các nhà hoạt động nhân quyền và những người tị nạn cho biết xung đột leo thang sau bầu cử vì quân đội Miến Điện tìm cách chiếm quyền kiểm soát thêm nhiều phần đất của Karen.

Chính phủ quân sự Miến Điện đã ký kết thỏa ước hòa bình với một số nhóm dân quân sắc tộc trong đó có Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen. Nhưng không tổ chức sắc tộc nào nhất trí với yêu sách của chính quyền đòi họ trở thành một phần của lực lượng biên phòng quốc gia, và kết quả là giao tranh đã nổ ra tại nhiều nơi trên đất nước.

Một phái đoàn của Liên hiệp Châu Âu dự định sẽ đến thăm các trại tị nạn ở biên giới trong tuần này nhằm đánh giá các phương án bền vững hỗ trợ người Miến Điện ngay cả khi giới hữu trách Thái tìm cách trả họ về nước. Bà Thompson xem giải pháp cho cuộc khủng hoảng người tị nạn Miến Ðiện chủ yếu là một giải pháp chính trị.

Bà Thompson nói tiếp: “Chừng nào vấn đề người sắc tộc Miến Điện chưa được giải quyết thì chừng đó xung đột vẫn tiếp diễn. Có phần chắc là trong đoản kỳ vấn đề này sẽ chưa được giải quyết, vì vậy rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng xung đột tiếp diễn với cường độ thấp tại các khu vực sắc tộc và điều này sẽ tiếp tục khiến có thêm người tị nạn tới Thái Lan.”

Người tị nạn Karen bắt đầu chạy sang Thái cách đây 26 năm và các nhân viên cứu trợ cho biết những gì từng được xem là tình trạng tạm thời nay đã trở thành lâu dài. Liên hiệp Châu Âu cho biết phái đoàn của họ hy vọng sẽ tìm ra giải pháp giúp người tị nạn xây dựng lại cuộc sống, đồng thời mang đến cho họ sự chăm sóc y tế, giáo dục và công ăn việc làm.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG