Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai gặp mặt Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm làm việc tại Hà Nội và khẳng định rằng Mỹ luôn coi quốc gia Đông Nam Á là đối tác quan trọng trong khu vực, theo Báo Chính phủ Việt Nam.
Chuyến thăm 3 ngày của bà Tai diễn ra nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong buổi gặp Đại diện Thương mại Mỹ tại Trụ sở Chính phủ ở Hà Nội chiều ngày 14/2, ông Chính khẳng định với bà Tai rằng Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và bày tỏ vui mừng trước “những bước phát triển mạnh mẽ” trong quan hệ hai nước thời gian qua.
Đáp lại, vẫn theo ghi nhận của Báo Chính phủ, Đại diện Thương mại Mỹ nói với ông Chính rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam là “đối tác quan trọng ở khu vực” cũng như “mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương.”
Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013 và trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 8 năm 2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đề xuất nâng tầm quan hệ Việt- Mỹ lên đối tác chiến lược khi cho rằng mối quan hệ hai nước đang được thúc đẩy ngày càng sâu sắc. Tuy nhiên, đáp lại Phó Tổng thống Mỹ, Chủ tịch nước khi đó Nguyễn Xuân Phúc không đưa ra câu trả lời cụ thể dù nói rằng Việt Nam mong muốn cùng Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác toàn diện ngày càng đi vào chiều sâu, cùng có lợi.
Trong buổi gặp bà Tai hôm 14/2, ông Chính, người thay ông Phúc làm thủ tướng từ năm 2021, cũng lặp lại những điều ông Phúc đã nói với bà Harris, rằng Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ ở mức hiện tại với Mỹ “trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.”
Báo Chính phủ cho biết, ông Chính, trong cuộc gặp với bà Tai, đề nghị các cơ quan của Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư cũng như “cùng giải quyết các vấn đề tồn đọng trong quan hệ kinh tế thương mại.”
Trong thời gian bà Tai tới thăm Việt Nam, các nhà xuất khẩu có trụ sở ở Việt Nam đang lo ngại và tìm cách đảm bảo tuân thủ lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm nhập khẩu sử dụng nguyên liệu thô từ Tân Cương của Trung Quốc trong lúc Washington đang giám sát chặt chẽ hơn các sản phẩm may mặc và tấm pin mặt trời bị nghi là dùng sức lao động của người Duy Ngô Nhĩ, theo Reuters. Các giám đốc điều hành và những người quen thuộc với tình hình nói với Reuters rằng một số ngành công nghiệp ở Việt Nam có thể đang nhập khẩu, đôi khi là vô tình, nguyên liệu thô từ Tân Cương, nơi Mỹ cáo buộc Trung Quốc phạm tội diệt chủng chống lại người Duy Ngô Nhĩ thiểu số và những người khác theo đạo Hồi.
Trước khi Tổng thống Joe Biden, người bổ nhiệm bà Tai làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, lên nắm quyền, Việt Nam bị chính quyền Tổng thống Donald Trump cho vào danh sách các nước thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ vì có thặng dư thương mại ngày càng tăng với Mỹ. Bộ Tài chính dưới thời Tổng thống Biden sau đó đưa Việt Nam ra khỏi danh sách này khi quốc gia Đông Nam Á cam kết hạ giảm thặng dư thương mại, hiện đã đạt mức kỷ lục 116 tỷ USD với Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ đã tiến hành một số cuộc điều tra chống bán phá giá đối với nhiều mặt hàng nhập từ Việt Nam, trong đó có tấm pin mặt trời và máy phun rửa áp lực.
Khi gặp bà Tai hôm 14/2, ông Chính đề nghị các cơ quan của Mỹ và Việt Nam “xem xét thỏa đáng các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại, điều tra chống bán phá giá trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ,” theo Báo Chính phủ.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, theo USTR, và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Cũng trong chuyến thăm Việt Nam từ 12 đến 15 tháng này, bà Tai còn gặp mặt và “có những buổi làm việc hiệu quả” với Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, theo Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho biết. Trong một đăng tải trên Facebook, Đại sứ quán Mỹ nói rằng các cuộc gặp của bà Tai với những quan chức của Việt Nam nhằm “thúc đẩy thương mại song phương, hỗ trợ một nền kinh tế Việt Nam vững mạnh và bền bỉ”, đồng thời “thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Bà Tai dự kiến sẽ tới thăm Malaysia và sau đó tham dự Hội nghị An ninh Munich ở Đức sau chuyến thăm Việt Nam.
Diễn đàn