Làm lãnh đạo chính trị quốc gia thường không có thời gian tính, nhất là những lãnh đạo chân chính. Trong lúc đương nhiệm, có những trường hợp khẩn cấp hay khủng hoảng, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng, thì thời gian nghỉ hay ngủ là thứ thật khan hiếm với họ. Sau khi mãn nhiệm, những người lãnh đạo quốc gia cũng không phải vì thế mà cảm thấy hết trách nhiệm. Ít nhất là trách nhiệm tinh thần, đối với họ. Có những điều họ muốn làm nhưng chưa làm được, chẳng hạn, lúc còn đương nhiệm, nên vẫn còn canh cánh bên lòng. Có những điều khác, như đường hướng hoặc phong cách lãnh đạo quốc gia mà họ cảm thấy quan tâm, hoặc vì mức độ rủi ro nguy hiểm, nên mạnh mẽ lên tiếng.
Cố Thủ tướng Úc, Malcolm Fraser, lúc còn sống, thường xuyên lên tiếng về lĩnh vực nhân quyền tại Úc. Fraser phê bình xu hướng bảo thủ mà ông rất quan ngại vì nó đi ngược lại các giá trị nền tảng của Đảng Cấp tiến (Liberal Party of Australia); và của chính ông. Fraser thường xuyên phát biểu trên các cơ quan truyền thông và viết bài đều đặn trên các tờ báo nổi tiếng nhất tại Úc, về nhiều vấn đề khác nhau. Năm 2012, ở tuổi 82, không ngại tuổi tác, Fraser bắt đầu học cách sử dụng Twitter để thể hiện quan điểm của mình. Trong vòng 3 năm, Fraser gửi tổng cộng 10,300 tweets, trung bình 11 cái một ngày, và vẫn tiếp tục tweet ba ngày trước khi ông mất. Đảng, và chính quyền đương thời, tất nhiên bất bình và bực mình, nhưng điều đó không cản trở tâm huyết của Fraser cho đến hơi thở cuối cùng. Hiếm có một lãnh đạo chính trị Úc nào có tâm và có tầm như Malcolm Fraser, và với tinh thần cởi mở, cấp tiến như thế.
Những cựu Thủ tướng Úc khác đang còn sống là Paul Keating, John Howard, Kevin Rudd, Julia Gillard, Tony Abbot và Malcolm Turnbull. Julia Gillard và Tony Abbot là hai cựu Thủ tướng có thời gian khá ngắn, và cả hai có, nhưng ít, lên tiếng sau khi mãn nhiệm. John Howard là cựu Thủ tướng phục vụ lâu đời nhất, gần 12 năm, chỉ sau cựu Thủ tướng Robert Menzies của cùng Đảng Cấp tiến. Sau khi mãn nhiệm, Howard là người thận trọng khi lên tiếng. Howard được các chính trị gia hàng đầu của Đảng Cấp tiến nể trọng, tuy Howard cũng là người mà Fraser phê bình, trực tiếp hay gián tiếp, nhiều nhất. Paul Keating, trong lúc đương nhiệm cũng như sau khi mãn nhiệm, tiếp tục là một trong những lãnh đạo chính trị gây nhiều tranh cãi và chia rẽ nhất tại Úc.
Keating là người nổi tiếng nhất ở chỗ không ngại lên tiếng, có thể phê phán về bất cứ đề tài gì ông muốn bày tỏ.
Gần đây nhất là hiệp ước an ninh tam quốc AUKUS mà Úc, Anh và Mỹ ký kết với nhau vào giữa tháng 9 vừa qua. Sau khi công bố hiệp ước, Keating là một trong những người đầu tiên, liên tục và mạnh mẽ chỉ trích quyết định này cho đến nay, trên nhiều cơ quan truyền thông, và viết nhiều bài phản biện trên nhật báo The Sydney Morning Herald và The Age.
Trong bài viết ngày 16 tháng 9, ngay sau khi công bố hiệp ước, Keating cho rằng mục đích duy nhất của nó là ‘khả năng hành động tập thể trong bất kỳ cuộc can dự quân sự nào của Mỹ chống lại Trung Quốc.’ Theo Keating, sự sắp xếp này sẽ làm Úc mất đi chủ quyền, bởi vì sự phụ thuộc của Úc vào Mỹ sẽ làm Úc mất đi tự do hay chọn lựa trong các phương án hành động của mình. Keating cũng chỉ trích Đảng Cấp tiến vì mang Úc trở lại sự phụ thuộc vào nước Anh, mà Úc đã vốn từng mất 240 năm để tách rời. Keating cho rằng sức mạnh của Mỹ mà còn không thể thắng các tay súng Taliban cầm AK-47 thì cơ hội nào họ có thể thắng trận chiến toàn diện với một nhà nước lớn nhất như Trung Quốc, bởi vì khi có xung đột, nhất là giữa các cường quốc, thì (mặt trận) đất luôn thắng thủy. Trong bài này, Keating biện luận một chiều, không đề cập đến mục đích chiến lược của Úc, và như thế, coi Úc như tay sai của Mỹ và Anh trong hiệp ước này.
Chưa hết cơn thịnh nộ, trong bài viết ngày 22 tháng 9, Keating phê phán luôn cả những người trong Đảng của mình, Đảng Lao động, đặc biệt là phát ngôn nhân về ngoại giao Penny Wong. Keating cho rằng Wong đã im lặng không lên tiếng bảo vệ chủ quyền Úc, quyền tự trị riêng biệt mà không thể nhượng bộ hay đánh đổi với bất cứ nước nào, kể cả Mỹ.
Cũng trong bài này, Keating biện luận rằng Trung Quốc không phải là mối đe dọa, nhất là đối với Úc. Một, Trung Quốc chưa bao giờ đe dọa Úc, theo nghĩa hành động hung hăng hay ý đồ xâm lược Úc bằng quân sự, và những gì xảy ra chưa đủ chứng minh nó cấu thành sự đe dọa như thế. Hai, thuế quan của Trung Quốc lên hàng hóa Úc như rượu vang hoặc hải sản không cấu thành đe dọa; hành động Trung Quốc không khoan dung với sự quản lý chính trị tại Hồng Kông cũng như thế. Ba, ngay cả hành động xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông cũng không cấu thành mối đe dọa, để đòi hỏi sự cân nhắc một phản ứng quân sự từ phía Úc. Tóm lại, theo Keating, chính quyền Morrison hiện nay muốn tạo ấn tượng đe dọa rất lớn từ phía Trung Quốc, nhiều hơn là khả năng đe dọa thật sự của Trung Quốc. Keating biện luận rằng khác với Mỹ, Trung Quốc không tấn công những nhà nước khác.
Keating cũng không quên phê phán luôn cả những ký giả trên báo The Sydney Morning Herald và The Age đã phụ họa với chính quyền Morrison, cốt yếu để người dân Úc ủng hộ chính quyền Úc ‘mua hàng’ từ nước Mỹ.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne, đã phản biện vào ngày 17 tháng 9, rằng Keating đã sai vì Úc không hề quay lưng với châu Á. Payne cho rằng thế giới đã thay đổi, và nhiều quốc gia đang cạnh tranh gay gắt hơn trên địa hình chiến lược mới này. Payne nói: ‘Sự gia tăng cường độ của cuộc cạnh tranh này không cần thiết phải kích động chúng ta đến tuyệt vọng hoặc tê liệt: điều đó có nghĩa là có những rủi ro và cơ hội mới, và khán giả thụ động không phải là một lựa chọn.’
Trong cương vị đang nắm quyền và đứng đầu cơ quan ngoại giao, Payne không thể nói phát biểu một cách thoải mái, huỵch toẹt, như người khác. Nhưng người đọc cần hiểu rằng Úc, và mọi quốc gia khác, cần phải đối phó với những thử thách lẫn đe dọa trong tương lai, bằng cái đầu, chứ không phải bằng sợ hãi hay thụ động ngồi chờ.
Trong nhiều năm qua, Keating là người ủng hộ mạnh mẽ mối bang giao giữa Úc và Trung Quốc, và lên án những ai hay chính sách nào bài Trung Quốc. Keating từng coi thường giới tình báo hàng đầu của Úc như kẻ điên rồ (nutters), những người mà ông cho rằng lẽ ra nên bị tước việc, để cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Việc Keating, hay bất cứ công dân nào, lên tiếng trước các vấn đề mệnh hệ đối với Úc, là việc làm rất cần và nên được khuyến khích. Tuy nhiên, trong trường hợp của Keating đối với Bắc Kinh và AUKUS, tôi chỉ có ba nhận xét ngắn. Một, Keating không tự biết khả năng và giới hạn của mình, nên có khi nhận định quá tầm hiểu biết hay chuyên môn của mình, như nhận xét về giới lãnh đạo tình báo Úc. Hai, Keating không tự biết rằng thời của mình đã qua, bởi Keating dường như vẫn nhìn thế giới thời của ông thập niên 1990s, khi Trung Quốc vẫn chưa hiện nguyên hình bản chất và động lực của họ. Ba, Keating chỉ muốn nhìn và tin sự việc bằng nửa sự thật, bởi những gì Keating nói về Trung Quốc, như ở trên, cho thấy ông phủ nhận những rủi ro, đe doạ bằng các hành vi khủng khiếp khác của Bắc Kinh.
Keating không phải là không biết chuyện. Vậy tại sao Keating chỉ nhìn sự việc hoặc thiên kiến, hoặc ngây ngô? Chắc chắn Keating không ngây ngô gì.
Giáo sư Clive Hamilton có câu trả lời.
“Trong hơn một thập kỷ qua, Bắc Kinh đã miệt mài để giành được cảm tình của các thành viên quyền lực trong giới tinh hoa chính trị, kinh doanh và đại học của Úc. Họ có các cơ quan có nhiệm vụ duy nhất là làm điều đó và họ rất giỏi trong việc đó.
Bắc Kinh đã bổ nhiệm Keating vào một vị trí béo bở trong ban cố vấn quốc tế của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và ông được đối xử đặc biệt khi ở Trung Quốc. Kể từ đó, ông là một nhà vận động đáng tin cậy của chính quyền Đảng Cộng sản.”
Nhận định của Keating về Bắc Kinh, và mối đe dọa của họ, tuy vô căn cớ, nhưng không phải không có người tin. Keating quên điều căn bản rằng đe dọa là sự kết hợp giữa khả năng và động lực, mà động lực của Bắc Kinh là gì thì một người bình thường cũng có thể nhìn ra, không cần đến một cựu Thủ tướng. Không rõ Keating có đủ thọ để nhìn thấy giấc mộng của Bắc Kinh được dần dần diễn ra và kết thúc thế nào trong các thập niên tới không!