Đường dẫn truy cập

Kêu gọi Australia áp lực Trung Quốc ngưng thu hoạch nội tạng của tù nhân


Hình tư liệu - Những thành viên Pháp Luân Công biểu tình trước tòa nhà Hội đồng châu Âu ở Brussels - Bỉ, năm 2006, để yêu cầu giúp đỡ chống lại những gì mà họ gọi là thu hoạch nội tạng bất hợp pháp của thành viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Hình tư liệu - Những thành viên Pháp Luân Công biểu tình trước tòa nhà Hội đồng châu Âu ở Brussels - Bỉ, năm 2006, để yêu cầu giúp đỡ chống lại những gì mà họ gọi là thu hoạch nội tạng bất hợp pháp của thành viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Hai luật sư Canada ngày 21/11 tới Hạ viện Australia để thuyết phục các nhà lập pháp thông qua một kiến nghị yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay việc mà họ gọi là thu hoạch nội tạng của tù nhân lương tâm.

Ông David Kilgour, một cựu công tố viên và là bộ trưởng ngoại giao Canada phụ trách về châu Á-Thái Bình Dương, và ông Davis Matas, một luật sư nhân quyền, đã công bố chứng cứ họ nói cho thấy Trung Quốc cấy ghép nội tạng từ 60.000 đến 100.000 ca hàng năm, với nội tạng chủ yếu lấy của các tù nhân theo phái Pháp Luân Công, những người Hồi giáo Uighurs, những người theo Phật giáo Tây Tạng, và những người theo Cơ Đốc Giáo.

Trung Quốc cho biết đã thực hiện 10.057 ca cấy ghép nội tạng trong năm ngoái và rằng đã ngưng thu hoạch nội tạng của các tử tội từ đầu năm ngoái.

Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết vào tháng 6 năm nay kêu gọi Bộ Ngoại giao báo cáo hàng năm cho Quốc hội về việc thi hành một đạo luật không cấp visa cho những người Trung Quốc hay người nước ngoài khác liên hệ đến việc cưỡng bức cấy ghép nội tạng.

Nghị quyết cũng lên án việc đàn áp Pháp Luân Công, một tổ chức tinh thần mà Trung Quốc gọi là một giáo phái bí hiểm và đã đặt giáo phái này ra ngoài vòng pháp luật.

Trung Quốc nói Quốc hội Mỹ đã đưa ra “những cáo buộc vô căn cứ.”

Quốc hội châu Âu đã thông qua tuyên bố tương tự vào tháng 7 năm nay, kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về “những báo cáo liên tục, đáng tin cậy về việc thu hoạch nội tạng có hệ thống được chính phủ bảo trợ mà không có sự đồng ý của các tù nhân lương tâm” tại Trung Quốc

Ông Kilgour nói chính phủ Australia không sẵn lòng chấp thuận các chứng cứ sâu rộng về việc cưỡng bách thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Ông Kilgour cho rằng lý do là vì Australia có những quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia.

Hai ông Kilgour và Matas lần đầu tiên công bố phúc trình về việc Trung Quốc thu hoạch nội tạng vào năm 2006. Phúc trình này là nền tảng cho một cuốn sách của hai ông vào năm 2009 nhan đề “Thu hoạch đẫm máu. Sát hại tín đồ Pháp Luân Công để lấy nội tạng.”

Đệ nhất Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Australia, Graham Fletcher, nói với một Uỷ ban thượng viện trong tháng trước là ông nghi ngờ về tính khả tín của phúc trình về việc cưỡng bách thu hoạch nột tạng của tù nhân Pháp Luân Công.

Phát ngôn viên tại Australia của Ân xá Quốc tế, bà Caroline Shepherd, nói tổ chức có trụ sở tại London chưa nghiên cứu về việc thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc và ủng hộ lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc mở một cuộc điều tra độc lập.

Bộ Y tế Australia cho biết có ít nhất 53 người Australia đến Trung Quốc để được ghép nội tạng từ năm 2001 đến 2014.

Ông Matas cáo buộc công nghiệp cấy ghép nội tạng phát triển mạnh như vậy không thể nào xảy ra được nếu không có sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Có khoảng 200 người theo Pháp Luân Công biểu tình bên ngoài Hạ viện chống cưỡng bách thu hoạch nội tạng vào ngày 21/11 khi ông Matas và Kilgour thuyết trình cho các nhà lập pháp thuộc một vài chính đảng Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG