Chỉ có 24,5%, tức chưa đến 1/4, trong số những người lao động Việt Nam có thu nhập đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản, trong khi hơn 3/4 (75,5%) số người lao động không đủ thu nhập cho nhu cầu cuộc sống, theo một khảo sát Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) vừa được công bố cách đây ít ngày.
Cuộc khảo sát về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 thu thập ý kiến của trên 3.000 công nhân tại 157 doanh nghiệp hồi tháng 4 cùng năm, nhiều báo bao gồm cả Thanh Niên, Công Thương, Người Lao Động đưa tin, dẫn lại kết quả được TLĐLĐ công bố hôm 8/8.
Tin cho hay cuộc khảo sát được thực hiện ở 6 tỉnh, thành là Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, An Giang, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp.
Thanh Niên, Công Thương, Người Lao Động và các báo trích dẫn khảo sát của TLĐLĐ cho biết mức tiền lương cơ bản trung bình hàng tháng của người lao động là khoảng 6 triệu đồng/tháng, tăng 8,4% so với khảo sát cách đây 1 năm. Tiền lương cơ bản này không bao gồm tiền làm thêm giờ.
Cộng với tiền làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp từ doanh nghiệp chủ quản, người lao động có thu nhập trung bình đạt hơn 7,8 triệu đồng/tháng, vẫn theo kết quả khảo sát. Trong đó, tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng.
Mức thu nhập thấp nêu trên làm cho phần lớn người lao động không thể có bữa ăn cân bằng về dinh dưỡng, vì theo khảo sát, chỉ hơn 1/4 số người được hỏi, tức 26,2%, nói rằng họ có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hằng ngày.
“Điều này có nghĩa trong 100 người lao động thì chỉ có hơn 26 người có điều kiện ăn thịt, cá hàng ngày - con số khó tin và không dễ chấp nhận với nhiều người khi Việt Nam thuộc nhóm nước có chỉ số hạnh phúc đứng đầu khu vực Đông Nam Á”, báo Công Thương đưa ra bình luận.
Theo tìm hiểu của VOA, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 của các chuyên gia độc lập cho thấy Việt Nam đứng thứ 65 trong số gần 150 nước trên thế giới; trong khu vực ASEAN, Việt Nam có thứ hạng thấp hơn Singapore và Brunei, ngang bằng Thái Lan và cao hơn các nước còn lại.
Bên cạnh thực tế là hơn 3/4 số người lao động không đủ thu nhập cho các nhu cầu cơ bản trong cuộc sống, khảo sát cũng nhận được câu trả lời từ 11,2% số người được hỏi cho hay họ không thể đủ sống và phải làm thêm việc khác để có nguồn tiền bổ sung. Chỉ có 8,1% người lao động có tích lũy từ tiền lương và thu nhập.
Các báo dẫn kết quả khảo sát nói rằng đáng chú ý, có 17,3% người lao động phải thường xuyên vay nợ, dẫn đến 3,1% người lao động thường xuyên bị đe dọa, khủng bố.
“Những con số khô khan này cho thấy thực trạng khó khăn mà đa số người lao động đang phải đối mặt, gợi mở sự chênh lệch rất lớn về mức sống, thể hiện sự đối lập đáng kinh ngạc giữa nhóm thu nhập cao và những người đang phải vật lộn mưu sinh”, tờ báo là cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương Việt Nam đưa ra nhận xét.
Theo báo Công Thương, “phần lớn người lao động đang sống trong tình trạng không đảm bảo về dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống hàng ngày” vì thu nhập thấp và điều này “không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người lao động, mà thậm chí tác động cả đến các quyết định hệ trọng hơn như lập gia đình và sinh con đẻ cái”.
Cuộc khảo sát được công bố hôm 8/8 có phần nói rằng tiền lương là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của 53,7% người lao động và quyết định sinh con của 72% người lao động.
Cũng do thu nhập eo hẹp nên có tới 46,5% người lao động chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản để chữa bệnh, vẫn theo kết quả khảo sát.
Để cải thiện tình trạng nêu trên, giúp đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, các công đoàn cấp cơ sở kiến nghị cần tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 11,34% trong năm 2024, các báo trong nước tường thuật.
Mức lương tối thiểu vùng của năm 2023 hiện cao nhất là 4 triệu 680 nghìn đồng/tháng và thấp nhất là 3 triệu 250 nghìn đồng/tháng, theo tìm hiểu của VOA.
Ngoài biện pháp trực tiếp kể trên, TLĐLĐ Việt Nam khuyến nghị các bộ ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về nguồn hàng, đơn hàng, vốn, ưu đãi thuế, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, từ đó tạo việc làm ổn định và thu nhập bền vững cho người lao động.
TLĐLĐ cũng kêu gọi nhà nước “quyết liệt kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, nhất là giá điện, xăng dầu và các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu của người lao động”.
Diễn đàn