Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN không chỉ... “nói trạng” về hoạt động phòng, chống tham nhũng lúc tuyên bố bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 13 mà còn... “nói trạng” về tình hình kinh tế - xã hội!
***
Ngày 9/5/2023, khi thay mặt chính phủ Việt Nam báo cáo về thực trạng kinh tế - xã hội với Quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) tiếp tục cảnh báo về chuyện... nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản, bán sạch những gì có thể bán được và giá bán chỉ bằng 50% giá trị thực cho ngoại quốc (1)!
Từ đầu thập niên 2020 đến nay, kinh tế - xã hội Việt Nam giống như một cỗ xe đang đổ dốc nhưng không có thắng. Bất kể những cảnh báo từ một số viên chức hữu trách, cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền vẫn bất động, không đề ra được bất kỳ giải pháp hữu hiệu nào nên tình hình càng ngày càng bi đát.
Đó cũng là lý do khi trình bày về thực trạng kinh tế - xã hội như vừa kể, Bộ trưởng KHĐT lại tiếp tục nhấn mạnh: Chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần, rất nguy hiểm! Đồng thời tiếp tục than về... “tinh thần giải quyết công việc chưa tốt nên rất khó” và khả năng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay... “rất thách thức”.
Trước đó một tháng (4/2023), khi tham dự cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý 1 do UBND TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư TP.HCM nhận định: Nếu mỗi quý là một trận đấu thì TP.HCM đã thua đậm trận đầu. Dù đã dự đoán sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng không thể ngờ kết quả lại tụt xuống sâu như vậy (2)!
Cần nhớ, ngoài chuyện là thành viên chính phủ, đảm nhận vai trò Bộ trưởng KHĐT, ông Nguyễn Chí Dũng còn là Ủy viên BCH TƯ đảng. Ông Nguyễn Văn Nên vừa là Ủy viên BCH TƯ đảng, vừa là thành viên Bộ Chính trị và là người chịu trách nhiệm chính đối với kinh tế - xã hội của TP.HCM, nơi luôn dẫn đầu về mức độ đóng góp cho ngân sách.
Ở một nơi như Việt Nam và như những gì thiên hạ đã biết về đảng CSVN, chắc chắn những cá nhân như ông Dũng, ông Nên không lên tiếng như vừa trích dẫn nếu thực trạng kinh tế - xã hội không trầm trọng đến mức vô vọng. Tổng Bí thư đảng CSVN luôn ở trên... mây hay... “nói trạng” đã thành thói quen và vì luôn cương quyết chống... “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để thành thật, thực tế hơn, nên mới dõng dạc tuyên bố: Về kinh tế - xã hội, cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả (?).
***
Số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, số người thất nghiệp vẫn càng ngày càng cao và chưa biết đến lúc nào mới ngừng. Từ giữa năm ngoái đến nay, không chỉ thành phần vốn thuộc loại yếu thế trong xã hội lao đao mà tất cả các giới đều điêu đứng, khốn cùng và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không những không tìm được lối ra mà còn không muốn làm gì. Khi “cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, co cụm, cầu an” trở thành vấn nạn càng ngày càng trầm trọng (3), tại sao Tổng Bí thư đảng CSVN lại khoe “công tác cán bộ tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là ‘then chốt của then chốt’, có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn”?
Đến giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam vẫn chỉ do một đảng lãnh đạo nhưng rõ ràng đang xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” khi đánh giá, nhận định về thực trạng kinh tế - xã hội. Ngẫm kỹ thì dẫu có... “xuôi” hay... “ngược” cũng đều quy về một mối – phủi bỏ trách nhiệm. Thay vì hành động, những cá nhân đại diện cho chính phủ chỉ lặp đi, lặp lại chuyện “đã cảnh báo nhiều lần, rất nguy hiểm” là... “hoàn thành nhiệm vụ”. Quốc hội cũng thế. Trên tất cả là Tổng Bí thư, bất chấp thực tế dõng dạc khẳng định: Nửa đầu nhiệm kỳ khóa 13, với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Đảng ta, đất nước ta vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
“Nói trạng” dường như không chỉ là cách rũ bỏ trách nhiệm, trút toàn bộ hậu quả cho “một bộ phận cán bộ, công chức” gánh mà còn là phương thức tô vẽ vai trò cá nhân. Đừng ngạc nhiên tại sao trong khi từng người Việt cảm nhận càng ngày càng rõ kinh tế - xã hội bế tắc thế nào mà Ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng vẫn đứng ra chủ trì “Lễ công bố, giới thiệu sách ‘Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam’ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” đã được xuất bản bằng bảy ngoại ngữ và yêu cầu NXB Chính trị quốc gia “phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá về mức độ quan tâm của dư luận các nước khác về cuốn sách để qua đó tiếp tục có các đề xuất về việc dịch thêm ra ngoại ngữ khác”. Tại sao tổ chức dịch, xuất bản, giới thiệu sách của Tổng Bí thư không xảy ra tình trạng “cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, co cụm, cầu an” như kinh tế - xã hội? “Tiền hô hậu ủng. Nhất hô bá ứng. Trên dưới đồng lòng. Dọc ngang thông suốt” như vậy đem lại no ấm cho ai?
Chú thích
Diễn đàn