Đường dẫn truy cập

Khi Trump cúi đầu trước Putin, EU tìm đến châu Á


Trung Quốc và EU vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh
Trung Quốc và EU vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh

Một tuần lễ sau khi bị Tổng thống Mỹ Donald Trump tuôn ra tràng chửi mắng xối xả, châu Âu đã ngày càng trở nên xa lánh nước Mỹ.

Mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn khi ông Trump đã dùng hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki để tìm cách ve vuốt ông Putin – người mà châu Âu coi là kẻ thù – trong một cuộc hội đàm được nhìn nhận là thân thiết khác thường.

Không nhằm nhò gì. Vào lúc mà ông Trump đã khiến cho những hình ảnh chính trị trở nên rất quan trọng trong mắt công chúng, hôm thứ Ba ngày 17/7, EU đã phản công. Các lãnh đạo chủ chốt của khối này đã đến Nhật và Trung Quốc để xây dựng lòng tin tưởng, tình bạn và sự hợp tác mà giờ đây không còn nữa ở một đất nước đã là đồng minh thân thiết của họ qua cả trăm năm.

Và điều này có nghĩa là, ‘Nước Mỹ trên hết’ theo phương châm của ông Trump trở thành nước Mỹ cô độc có một mình khi bạn bè lâu năm đã từng đổ máu chiến đấu bên cạnh người Mỹ giờ trở thành kẻ thù trong khi đối thủ hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc tự dưng có thêm được những người bạn bè từ châu Âu. Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga lâu nay đã có quan hệ an ninh chặt chẽ trong khối Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vốn được xem là NATO của phương Đông.

Việc ông Trump đứng về phía ông Putin và việc EU tiếp cận Trung Quốc đã làm nổi bật sự hố ngăn cách ngày càng mở rộng trong tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương vốn đã là hòn đá tảng trong chính trị quốc tế trong phần lớn thế kỷ mà chứng nhân là vô số nấm mộ của những người lính Mỹ được chôn trên đất châu Âu.

Tính cách chỉ biết mình chứ không cần biết ai hết và thông điệp ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump là điều mà thế giới đã biết từ trước khi ông lên làm tổng thống. Tuy nhiên, việc mà châu Âu ngày càng quay lưng lại với mối quan hệ với Nhà Trắng mà bấy lâu nay họ vẫn trân quý là điều hoàn toàn mới mẻ.

Sau hội nghị thượng đỉnh NATO đầy bão tố hồi tuần trước mà ở đó ông Trump đã phỉ báng các nước châu Âu là những nước lợi dụng, ông Donald Tusk, người đứng đầu EU đã nói về ‘bóng đen ngày càng lan rộng trong chính trị quốc tế’.

“Hội nghị thượng đỉnh Helsinki này trên hết là lời kêu gọi thức tỉnh đối với châu Âu,” ông Manfred Weber, lãnh đạo khối trung hữu EPP chiếm đa số trong Nghị viện châu Âu, nói. “Những người châu Âu chúng ta phải tự nắm lấy vận mệnh của mình.”

Đó là một phát biểu giật mình phát ra từ miệng một chính trị gia vốn đi ra từ Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của Đức cũng như các thủ tướng và cựu thủ tướng Đức Angela Merkel, Helmut Kohl và Konrad Adenauer – những người vốn một lòng ủng hộ liên minh xuyên Đại Tây Dương trải qua ba phần tư thế kỷ.

Ngoài ra còn có những dấu hiệu khác cho thấy châu Âu ngày càng xa rời nước Mỹ của ông Trump, nhất là sau khi ông Trump rút ra khỏi thỏa thuận khí hậu toàn cầu và thỏa thuận hạt nhân Iran mà EU trung gian thương thảo.

“Với bạn bè như thế, ai cần kẻ thù cơ chứ?,” ông Tusk đặt vấn đề hai tháng trước.

Chẳng lâu sau, ông Trump đã tung ra các biện pháp trừng phạt kinh tế bằng cách áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu.

Sau đó là Thượng đỉnh NATO. Châu Âu vốn đã lo sợ khi đến hội nghị này, thực tế trở nên còn tệ hơn.

Trước hết, ông Trump gọi nước Đức, trung tâm quyền lực của EU, là ‘tù nhân’ của Nga. Sau đó, ông gợi ý nước Anh nên ‘kiện’ EU về các điều khoản Brexit. Cuối cùng, ông kết thúc bằng việc gọi khối 28 quốc gia này là ‘kẻ thù’.

“Đối với Trump, những khái niệm như là bạn bè, đồng minh, đối tác, đối thủ hay kẻ thù không hề tồn tại. Ông ấy chỉ biết cái tôi của mình mà thôi,” ông Norbert Roettgen, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đức, nói.

Cho nên cũng không có gì là ngạc nhiên khi EU tìm kiếm bạn bè ở nơi khác. Hôm 17/7, EU đã cùng với Nhật hình thành nên ‘thỏa thuận thương mại song phương lớn nhất từ trước đến nay’.

Mãi cho đến hai năm trước, đáng ra đó phải là Hiệp ước đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) – một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và EU. Nhưng ông Trump đã nhanh chóng tuyên bố rằng đừng mong thỏa thuận đó xảy ra nếu ông ở trong Nhà Trắng.

“Đây là một hành động có tầm quan trọng chiến lược lớn lao đối với trật tự thế giới dựa trên pháp luật vào lúc mà có kẻ đang đặt nghi vấn về trật tự đó,” ông Tusk phát biểu tại một cuộc họp báo chung ở Tokyo với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. “Chúng tôi đang gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi đoàn kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ.”

Bất chấp tất cả những điều đó, cho đến hồi tuần trước mọi người vẫn hy vọng rằng trên những vấn đề an ninh địa chính trị quan trọng nhất, Trump vẫn trung thành với những lý tưởng lâu nay của người Mỹ. Nhưng không, ông ấy đã tung ra những lời lên án chưa từng thấy nhằm vào các đồng minh NATO.

Tuy nhiên, tách mình hoàn toàn ra khỏi Mỹ là một thách thức to lớn đối với châu Âu.

Về mặt quân sự, ngoại trừ Anh và Pháp, các đồng minh châu Âu đã nằm dưới chiếc ô bảo hộ hạt nhân của Mỹ kể từ Đệ nhị Thế chiến. Tuy nhiên, sau thái độ của ông Trump vừa rồi, châu Âu đang bắt đầu tìm kiếm các quan hệ quốc phòng bên ngoài khuôn khổ NATO vốn do Mỹ chi phối.

Mối quan hệ quân sự đó, và sự gắn kết giữa Mỹ và châu Âu, có tầm quan trọng đặc biệt đối với những nước như Ba Lan và các nước vùng Baltic, vốn đã từng bị Liên Xô đe dọa an ninh.

Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Putin được nhìn nhận với sự lo sợ rằng ông Trump sẽ có những bước đi nhượng bộ không ngờ đối với Nga và do đó khiến cho một số khu vực của châu Âu trở nên dễ bị tổn thương. Người Ba Lan vẫn xem hội nghị Yalta vào năm 1945 là biểu tượng của sự phản bội chính trị khi mà đất nước của họ bị đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền cộng sản Liên Xô ngược lại với sự mong muốn của họ mãi cho đến năm 1989.

Tuy nhiên, bất chấp quan hệ song phương đã chìm xuống một mức thấp mới, EU vẫn tiếp tục nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ do họ ý thức rằng chiến tranh thương mại sẽ làm tổn thương tất cả các bên. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ có chuyến công du đến Washington vào ngày 25/7 sắp tới. Vấn đề là ông Trump vẫn tiếp tục thái độ coi châu Âu là kẻ thù hay không.

(Theo AP)

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG