Hoa Kỳ và Anh Quốc tự hào có mối liên hệ về văn hóa, chính trị và thương mại vốn từ lâu được gọi là ‘quan hệ đặc biệt’.
Nhưng với Tổng thống Donald Trump phá bỏ hiện trạng về thương mại tự do và ngoại giao, thì liệu mối quan hệ đặc biệt đó có còn tồn tại?
Cụm từ ‘quan hệ đặc biệt’ được sử dụng lần đầu vào năm 1946 bởi thủ tướng Anh khi đó là ông Winston Churchill. Khi đó, hai nước đã cùng nhau đi qua cơn hỗn loạn, kinh hoàng và chết chóc của Đệ nhị Thế chiến.
Kể từ đó, mối quan hệ giữa Washington và London đã được định hình bởi những liên hệ thương mại và văn hóa tiếp nối trên cơ sở một ngôn ngữ chung bên cạnh những chiến dịch quân sự vai kề vai mà trong đó gần đây nhất là cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.
“Nhưng với việc ông Donald Trump vào Nhà Trắng, những nguyên tắc ngoại giao đã bị xé bỏ và nguyên lý vận động trong quan hệ giữa Mỹ và Anh và phần còn lại của thế giới, đang thay đổi,” kênh truyền hình CNBC nhận định trong bài viết có tựa đề ‘Quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh liệu có còn đặc biệt?’ nhân chuyến thăm London lần đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Mặc dù Mỹ và Anh có rất nhiều điểm chung, việc ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ đã báo hiệu một thời kỳ bất ổn mới trong mối ‘quan hệ đặc biệt’ này, mặc dù chính phủ Anh đã nhanh chóng chúc mừng ông Trump về chiến thắng của ông và cam kết sẽ làm việc với ông.
Thủ tướng Anh Theresa May từng nói bà hy vọng hai nước sẽ là ‘những đối tác mạnh mẽ và gần gũi về thương mại, an ninh và quốc phòng’.
Nhưng kể từ khi lên làm tổng thống, ông Trump đã gây ra một loạt những sóng gió với cả công chúng và các chính trị gia Anh với một loạt những phát ngôn gây tranh cãi về phụ nữ, di dân và Hồi giáo. “Những phát ngôn và chính sách gây tranh cãi của ông Trump đã khiến cho việc nước Anh tiếp đón người cựu doanh nhân này trở thành một vấn đề rắc rối,” CNBC viết.
Thật vậy, chính vì sự phản đối dữ dội của người Anh đối với chuyến thăm kéo dài ba ngày của ông Trump mà lời mời dành cho ông trong ‘chuyến thăm cấp nhà nước’ – tức là ông Trump sẽ được Nữ hoàng Anh đón tiếp với tất cả sự phô trương và long trọng – đã bị hạ cấp xuống chỉ còn là ‘chuyến thăm làm việc’ giữa những quan ngại về các cuộc biểu tình chống Trump rầm rộ.
Cũng cần nhắc lại là hồi năm 2017, có đến 1,8 triệu người Anh đã ký vào một bản kiến nghị phản đối chuyến thăm cấp nhà nước được dự trù của ông Trump. Và bất chấp tầm vóc của chuyến thăm đã bị hạ cấp, ông Trump vẫn phải đối mặt với đám đông hàng chục ngàn người biểu tình phản đối ông trên đường phố London hôm thứ Sáu ngày 13/7.
Có lẽ trong lịch sử mối quan hệ ‘đặc biệt Mỹ-Anh’, chưa bao giờ có có một vị tổng thống Mỹ nào khi đến thăm Anh mà gặp phải sự bài xích đến như vậy.
Lộ trình của chuyến thăm ba ngày của ông Trump đã được điều chỉnh để làm sao giữ cho ông Trump tránh xa thủ đô nhiều nhất có thể để tránh cho ông bị bẽ mặt bởi các cuộc biểu tình.
Thị trưởng London, ông Sadiq Khan, đã cho phép một quả bóng nhại hình ảnh Trump cao 20 feet được thả tung bay trên bầu trời London. Những người tài trợ cho chiến dịch này nói rằng quả bóng thể hiện tính cách của ông Trump như là ‘một đứa bé giận dữ với lòng tự tôn mỏng manh và đôi tay nhỏ bé’.
Tuy nhiên, quả bóng này đã bị chỉ trích vì ‘thiếu tôn trọng’ đối với nguyên thủ Mỹ. Ông Digby Jones, cựu tổng giám đốc Liên minh các ngành Công nghiệp Anh (CBI) nói với CNBC rằng cho phép quả bóng này xuất hiện là một điều ‘đáng tởm’.
“Ông ấy là đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi, và ông ấy được bầu lên một cách dân chủ. Ống ấy là nhà đầu tư vào trong nước chúng tôi và số người Mỹ đi làm mỗi ngày cho các công ty đóng trụ sở ở Anh nhiều hơn bất cứ công dân của quốc gia nào. Vì lẽ đó, chúng ta nên thật sự dành cho ông ấy sự lịch sự và chúng ta nên cư xử một cách hoàn toàn mẫu mực,” ông Digby Jones phát biểu trên Đài CNBC.
“Cá nhân tôi nghĩ rằng thật đáng tởm khi họ tung lên một quả bóng hình Trump trẻ con mặc tã. Liệu chúng tôi có chấp nhận không nếu ông ấy trương một quả bóng hình Nữ hoàng Anh mặc tã lên trên Nhà Trắng? Chúng tôi sẽ không ưa việc đó,” ông Jones nói thêm mặc dù ông thừa nhận quyền phản đối là ‘một trụ cột của xã hội tự do’.
“Tôi không nói là chúng ta nên cấm quả bóng đó, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta đã hành xử sai nếu chúng ta hạ thấp chúng ta xuống đẳng cấp mà ông ấy thể hiện mỗi ngày… vấn đề là người dân Mỹ đã bầu người này lên làm tổng thống của họ và chúng ta nên biết cách cư xử với ông ấy.”
Nhưng cho dù thái độ của người dân Anh đối với ông Trump là tích cực hay tiêu cực, ở cấp độ chính phủ, giữa Mỹ và Anh vẫn tồn tại những khác biệt chủ chốt về mặt chính sách.
“Quan hệ giữa Mỹ và Anh là vững mạnh. Nó vững mạnh về mặt lịch sử. Nó mạnh về mặt giao thương, về quan hệ kinh tế, về quốc phòng, về tình báo và ở khía cạnh giao lưu giữa nhân dân hai nước,” ông Nigel Sheinwald, cựu Đại sứ Anh ở Mỹ được CNBC dẫn lời nói.
“Tuy nhiên Tổng thống Trump đã thực thi những chính sách vốn không phải là chính sách của Chính phủ Anh hay của nhiều chính phủ khác trên thế giới, nhất định là không có ở châu Âu – các chính sách về Trung Đông, biến đổi khí hậu và thương mại,” ông Sheinwald nói thêm.
Nước Anh chống lại các sắc thuế của ông Trump, phản đối việc Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và cam kết chống lại những tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường sống của con người. Ngược lại, Tổng thống Trump đã phản bác lại tất cả những vấn đề này. Thậm chí ngay trên vấn đề Brexit, tức Anh quốc ra khỏi Liên minh châu Âu, một vấn đề khiến Chính phủ Anh đang chia rẽ hơn bao giờ hết, ông Trump là người cổ động cho việc Anh rời EU.
Hơn nữa, liệu London có đạt được một thỏa thuận mậu dịch có lợi với ông Trump, người mà cương lĩnh chính trị của ông là ‘Nước Mỹ trên hết’, hay không là điều không hề chắc chắn.
“Vào lúc này, tôi nghĩ đa số người dân của hai nước, khi anh nhìn vào các cuộc khảo sát thì sẽ thấy được thể hiện rất rõ, người dân Anh vẫn có cảm tình và sự tôn trọng đối với nước Mỹ như là lãnh đạo của thế giới tự do,” cựu đại sứ Westmacott nói.
“Nhưng ở cấp độ chính phủ thì mọi việc rất rõ ràng rằng trên một số những vấn đề quan trọng đối với nước Anh mà chúng tôi lâu nay vẫn cùng người Mỹ nhìn về một hướng – chẳng hạn biến đổi khí hậu, thương mại tự do, Trung Đông và các vấn đề về Israel và thế giới Ả Rập – chẳng hạn như thỏa thuận hạt nhân Iran, EU và NATO – đó là những vấn đề mà Tổng thống Trump đã làm đảo lộn cách nhìn nhận thông thường và cách tiếp cận lâu nay mà Mỹ và Anh vốn vẫn nhìn về một hướng.”
“Do đó, trên những vấn đề này chúng tôi không có cùng lập trường và tôi rất hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể quay trở lại như trước,” ông nói thêm.
Lập trường thương mại của ông Trump gần đây đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa ông với Phố Downing (nơi tọa lạc Dinh của Thủ tướng Anh) – đó là chưa nói đến với các đồng minh khác của Mỹ như EU, Canada, Nhật Bản – với Anh Quốc đã không thành công khi vận động được Mỹ miễn trừ thuế nhôm và thép.
Chính phủ Anh đã gọi quyết định của phía Mỹ vẫn áp thuế lên nhôm và thép là ‘không thể biện hộ được’ và rằng ‘bất cứ tuyên bố nào rằng nhôm và thép nhập khẩu từ Anh quốc làm tổn hại đến an ninh quốc gia của Mỹ đều không có cơ sở’.
Ông Digby Jones nhận định rằng ông Trump đã ‘sai lầm’ khi khiến đồng minh và bạn bè, nhất là Anh quốc, vốn từ trước đến nay vẫn chiến đấu bên cạnh người Mỹ, xa lánh.
“Điều mà tôi muốn nói với ông ấy là: ‘Ai trong cuộc đời này, nhất là trong ngoại giao quốc tế, nhất là khi anh là Mỹ, đều cần bạn bè Donald ạ. Không phải lúc nào anh cũng cần có họ nhưng anh vẫn cần bạn bè của mình’.”
“Và đập cho nước Anh bầm dập là một hành động ngu ngốc bởi vì lịch sử đã cho thấy rằng nước Anh đã đổ máu và của cải của mình bên cạnh người Mỹ mỗi lần được nước Mỹ yêu cầu,” ông Jones nói.
Trên tờ Huffington Post, ông Paul Waugh, biên tập viên điều hành mảng chính trị ở Anh Quốc, nhận định việc ông Trump đặt ‘nước Mỹ trước hết’ cũng có nghĩa là nước Anh không nên trông đợi gì nhiều ở nước Mỹ và do đó London nên tìm các mối quan hệ gần gũi hơn với những nước như Trung Quốc và Ấn Độ chẳng hạn.
“Brexit, vốn sẽ thành hiện thực vào tháng Ba tới, có nghĩa là bà May càng phải dựa dẫm nhiều hơn vào Mỹ về mặt kinh tế, và bà ấy hy vọng rằng ông Trump sẽ mang đến London những ngôn từ nồng ấm về cơ hội đạt được một thỏa thuận thương mại mới. Nhưng các nhà thương thuyết Mỹ khiến cho việc đạt thỏa thuận trở nên hết sức khó khăn. Bà May cũng biết rằng rằng bà cần một ‘mối quan hệ đặc biệt và sâu sắc’ với EU để giúp cho kinh tế Anh tránh đứng bên bờ vực thẳm,” ông Waugh viết trên Huffington Post.
“Nhìn rộng ra, với nỗ lực xích lại gần phía Trung Quốc và Ấn Độ và các thị trường toàn cầu khác, bà May biết rằng nước Anh chỉ có thể tồn tại nếu họ có nhiều liên minh trên khắp thế giới. Khi mà ông Trump đặt ‘Nước Mỹ trên hết’ thì triều đại của ông ấy đối với nước Anh có nghĩa là ‘quan hệ đặc biệt’ giờ đây là một cuộc hôn nhân mở (nghĩa là hai phía có quyền tự do tìm đối tác mới). Trong những năm tới, mối quan hệ đặc biệt này sẽ ngày càng giống như là ‘bạn bè có lợi’. Và nếu như chính trị gia có đường lối bài Mỹ Jeremy Corbyn trở thành thủ tướng thì hai nước thậm chí còn không được là bạn bè nữa,” ông viết.
Về phần mình, ông Nick Robins-Early, phóng viên thời sự quốc tế cao cấp của Huffington Post ở Mỹ nhận định rằng ‘ông Trump không nhìn thấy mối quan hệ đặc biệt, ông ấy chỉ thấy cơ hội’.
“Còn lâu mới đối xử với nhau như những người bạn cũ, những người thấu hiểu nội tình Washington tin rằng ông Trump coi rất nhẹ ‘mối quan hệ đặc biệt’ mà thay vào đó đang theo đuổi một chính sách dồn ép vốn tìm cách lợi dụng một nước Anh dễ bị tổn thương hậu Brexit,” ông viết.
Theo ông Robins-Early thì ông Trump ‘rất hăm hở phá hoại mối quan hệ Mỹ-Anh trong nhiệm kỳ của ông ấy’ với những dẫn chứng là những xung đột công khai giữa ông với bà May, với Thị trưởng London Sadiq Khan và với việc đăng lại thông điệp bài Hồi giáo của nhóm cực đoan cực hữu ‘Nước Anh trước hết’. Ngoài ra, ông cho rằng ông Trump còn ‘đối xử với Anh như là một đối thủ khác trong quan điểm đối ngoại được ăn cả-ngã về không của ông ấy’.
“Không có bằng chứng rõ ràng nào về việc ông Trump xem nước Anh như là một đồng minh đặc biệt, rằng ông ấy xem Anh khác biệt với các nước khác,” ông Tom Wright, một học giả cao cấp tại Viện nghiên cứu Chiến lược Brookings của Mỹ được ông Robins-Early dẫn lời cho biết.
Do đó mà ông Trump và chính quyền của ông ấy nhiều khả năng sẽ có lập trường hung hăng trong các cuộc thương lượng với nước Anh trong chuyến thăm của ông Trump do biết rằng tình thế ngặt nghèo của nước Anh trong Brexit khiến nước này bị cô lập khỏi châu Âu và cần một thỏa thuận thương mại để tăng cường quan hệ kinh tế với Mỹ, ông Robins-Early viết.
“Về mặt giọng điệu ông Trump đang ủng hộ Brexit còn về mặt kinh tế và thương mại ông ấy đang tìm cách lợi dụng sự dễ tổn thương của nước Anh.”
Trước khi đến thăm Anh, quan hệ giữa ông Trump và bà May lại trở nên căng thẳng với việc ông Trump nói rằng ông nghĩ rằng ‘nước Anh đang rối loạn’ và ông công khai bày tỏ sự ủng hộ với ông Boris Johnson, cựu ngoại trưởng Anh và được coi là gương mặt đại diện cho Brexit, sau khi ông Johnson từ chức Ngoại trưởng để phản đối chính sách Brexit mềm dẻo của bà May.
“Kịch bản tốt nhất (trong chuyến thăm Anh của ông Trump) là ông ấy không gây ra thêm tổn hại, điều đó có nghĩa là quan hệ song phương không bị kéo căng hơn nữa,” ông Heather Conley, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W Bush, được dẫn lời nói.
Tuy nhiên, mặc dù ông Trump có thể làm nhiều thứ để phá hoại mối quan hệ song phương và thậm chí là mối quan hệ cá nhân thì vẫn có những giới hạn đối với ông ấy có thể đi xa đến đâu trong việc phá bỏ những nội dung cốt lõi của mối quan hệ đặc biệt, theo ông Robins-Early.
Một số khía cạnh trong mối quan hệ Anh-Mỹ đã được định chế hóa chặt chẽ, chẳng hạn như các hiệp ước an ninh và chia sẻ thông tin tình báo, do đó khó mà để cho mình ông Trump có thể phá hoại chúng – điều này dẫn đến hy vọng mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh vẫn chưa hoàn toàn chết hẳn.
“Mối quan hệ đó vượt khỏi bất kỳ nhà lãnh đạo riêng lẻ nào. Nó sâu sắc và ăn sâu,” ông Conley được dẫn lời nói.