Khoảng 100 nhà hoạt động người Việt và đại diện một số tổ chức phi chính phủ Đài Loan đã biểu tình trước đại bản doanh của Tập đoàn Formosa Plastics ở Đài Bắc hôm 10/8. Những người biểu tình đòi tập đoàn này đóng cửa nhà máy thép ở Hà Tĩnh, cũng như thúc giục Hà Nội khởi tố tập đoàn vì đã hủy hoại môi trường.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Tâm, một thành viên Ban lãnh đạo Đảng Việt Tân, cho VOA biết:
“Thông điệp chính từ phía Việt Nam của chúng ta là đòi hỏi Công ty Formosa phải minh bạch quá trình điều tra, cũng như phải chịu trách nhiệm trước những sự việc họ đã gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường ở miền Trung trong thời gian qua. Chúng ta đòi hỏi họ phải thực hiện những cam kết cũng như những trách nhiệm của một công ty đầu tư ở trong khu vực”.
Ông Tâm cho hay những người biểu tình cũng nhắc lại yêu cầu đòi Formosa bồi thường. Về phía các tổ chức phi chính phủ Đài Loan, ông Tâm nói họ đã đưa ra thông điệp chung là khi Formosa đầu tư ở nước ngoài, tập đoàn này không thể muốn làm gì cũng được, tập đoàn phải hoạt động và hành xử như ở Đài Loan. Ông nói rõ hơn:
“Một công ty như Formosa mà gây tổn hại môi trường ở Đài Loan là không chấp nhận được, thì họ cũng không thể nào chấp nhận được việc Formosa lại gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ở những quốc gia lân cận, và nhất là trong trường hợp này quốc gia đó là Việt Nam”.
Hồi tháng 6, chính phủ Việt Nam nói dự án trị giá 10,6 tỷ đôla của Formosa đã xả chất thải độc gây ra một trong những thảm họa ô nhiễm biển tồi tệ nhất của Việt Nam vào tháng 4. Hãng này sau đó đã cam kết bồi thường 500 triệu đôla.
Khi cuộc biểu tình diễn ra hôm 10/8 ở Đài Bắc, ông Tâm thuộc Đảng Việt Tân cho hay dường như người của tập đoàn Formosa chỉ quan sát từ bên trong, họ không tiếp xúc và phản hồi những thông điệp của người biểu tình.
Ông nói cuộc biểu tình là một trong những nỗ lực cùng những người ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới để lên tiếng cho những người bị ảnh hưởng bởi Formosa và “yêu cầu sự quan tâm của giới chức” ở Đài Loan. Ông khẳng định sẽ còn có những hoạt động để gây sức ép với tập đoàn này.
Đảng Việt Tân, một tổ chức chính trị có bản doanh ở Mỹ và không được chính quyền Việt Nam công nhận, cho biết tham gia cuộc biểu tình có các thành viên của đảng và các nhà hoạt động thuộc Hội Anh Em Dân Chủ, Bầu Bí Tương Thân, Dân Trí Việt, nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền, Hội Luật Sư Môi Trường (EJA), Giám Sát Quy Ước (Covenants Watch), Hội Nhân Quyền Đài Loan và Văn phòng Trợ giúp Pháp lý cho Công nhân và Cô dâu Việt ở Đài Loan.