Sau một thời gian theo dõi vừa đủ, dường như một chiến dịch phản công của đảng nhắm vào giới tự ứng cử mang khuynh hướng dân chủ nhân quyền đang được khởi sự.
Đúng vào ngày kỷ niệm 8/3 Quốc tế phụ nữ, người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng cảnh báo: “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác” tại một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội.
Có ít nhất 2 gương mặt là nữ - Đặng Thị Bích Phượng và Nguyễn Thúy Hạnh - trong số những người tự ứng cử biểu trưng nhân quyền.
Đây là lần đầu tiên tổng bí thư còn “ở lại” sau Đại hội XII biểu hiện thái độ bức bối trước sự kiện nhiều người ngoài đảng tự nộp đơn tranh cử vào Quốc hội - một tổ chức vẫn bị coi là “bù nhìn” của đảng.
Ngay trước đó và như bắt được tín hiệu “đấu tố”, những tờ báo được xem là “hồng vệ binh” của đảng đã dồn dập tấn công giới tự ứng cử. Ngoại trừ báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của đảng - hiện tượng cho đến nay vẫn khuất bóng một cách đáng ngạc nhiên trước phong trào tự ứng cử độc lập và cả về “chống diễn biến hòa bình”, những “kiêu binh” khác như Công An Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, kể cả Petrotimes đều lao vào cơn say cuồng đả phá không thương tiếc “các đối tượng chống phá chế độ và đất nước”.
Vượt trên tất cả, tinh thần sắt son “còn đảng còn mình” của báo Quân Đội Nhân Dân được chuyên chính hóa bằng loạt 3 bài “Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự”.
Tờ Petrotimes ‘đủ yếu tố cấu thành tội phạm’?
Nhưng một hiện tượng thú vị đang diễn ra trong xã hội và cả “chính trường” Việt Nam. Ngay sau bài “Quốc hội không phải phường chèo” trên tờ Petrotimes đả kích lẫn mạt sát một trong những ứng cử viên độc lập - Nguyễn Công Vượng (tức diễn viên Vượng Râu), hàng chục tờ báo nhà nước đã phải từ quan tâm đến lên tiếng phản ứng về vụ việc quấy nhiễu dưới đáy văn hóa này.
Trang điện tử Giadinh.net (thuộc báo Gia đình và Xã hội) ngày 3/3/2016 đã đăng bài phỏng vấn “Vượng râu lên tiếng vì bị xúc phạm khi ứng cử Đại biểu Quốc hội”: “Mới đây, nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng (tức Vượng râu) được xuất hiện trong một bài báo với những lời lẽ khá nặng nề xung quanh việc anh muốn ra ứng cử Đại biểu Quốc hội”.
Sau đó báo Thanh Niên chia sẻ “Nghệ sĩ Vượng Râu chia sẻ chuyện muốn vào Quốc hội” (ngày 5/3/2016): “Nghệ sĩ hài Vượng Râu (tên thật là Nguyễn Công Vượng) vừa tự ứng cử đại biểu Quốc hội đã bị một bài báo xúc phạm nặng nề khi cho rằng “Quốc hội không phải phường chèo” khiến dư luận bức xúc”.
Đến ngày 11/3/2016, báo điện tử Vietnamnet lên tiếng “Bôi nhọ người tự ứng cử là tiếp tay cho xuyên tạc”. Tờ báo này khẳng khái “Phân biệt đối xử với người tự ứng cử là vi hiến” và “việc ứng cử là một quyền mở rộng cho rất tất cả mọi công dân Việt Nam trên 21 tuổi, không phải là đặc quyền của một nhóm người, một tổ chức nào cả. Pháp luật của đất nước chúng ta bảo vệ quyền thiêng liêng đó và nghiêm cấm những hành vi làm méo mó nền dân chủ mà xã hội chúng ta đang hướng đến”…
Một cuộc chiến ngay trong lòng báo chí nhà nước. Thay vì thúc thủ im lặng như quá khứ, những tờ báo nhà nước có xu hướng đổi mới và cấp tiến nhất đang tìm cách “mở miệng” và thay đổi hiện tại.
Nếu tại các cuộc bầu cử quốc hội trước đây, báo chí nhà nước chỉ nói một chiều theo chỉ đạo của Ban Tuyên huấn trung ương (hiện thời là Ban Tuyên giáo trung ương), và hầu như không dám phản ứng trước những bài viết công kích ứng cử viên độc lập của các tờ báo đảng như Quân Đội Nhân Dân và Petrotimes, thì nay tình hình đang “tự diễn biến” khác hẳn.
Đây không phải lần đầu tiên Petrotimes bộc lộ hành vi xúc phạm nặng nề đối với giới dân chủ và xã hội dân sự. Đóng vai trò như một kênh “dư luận viên cao cấp”, tờ báo được xem là “cơ quan ngôn luận của Bộ Công an” này đã thường xuyên tập trung công kích vào phong trào dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, sẵn sàng mạt sát bất chấp giới hạn dưới văn hóa đối với những người bị chính quyền và công an coi là “chống đối”.
Nhưng cũng không dưới một lần, Petrotimes bị dư luận xã hội phản ứng vì lối quy chụp bất chấp như thế. Thậm chí phản ứng quyết liệt.
Đề cập về bài viết “Quốc hội không phải phường chèo” trên Petrotimes, trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam đã đăng bài “Tổng biên tập báo Năng Lượng Mới vi phạm Luật Báo chí”, trong đó nêu quan điểm của tác giả Trần Thành chứng minh rõ ràng báo PetroTimes đã có dấu hiệu vi phạm vào Điều 87 Bộ luật hình sự: “Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với lực lượng vũ trang, với chính quyền nhân dân, với các tổ chức xã hội”.
Đã đến lúc những tờ báo xúc xiểm đòn dưới thắt lưng như Petrotimes cần và phải bị đưa ra tòa hình sự.
Vẫn còn may mắn là trong thực tế truyền thông chính trị ở Việt Nam, số báo “còn đảng còn mình” như Petrotimes hiện nay chỉ còn đếm được trên hai bàn tay, trong tổng số hơn 800 đầu báo.
Lộ hình ‘khuyến khích công dân tự ứng cử’
Hai tuần trước khi kết thúc việc đăng ký tự ứng cử (13/3/2016), một quan chức của Quốc hội Việt Nam là Nguyễn Sỹ Dũng - Phó văn phòng quốc hội - đã đăng đàn trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước về “cần khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân tự ứng cử”. Quan chức này còn đề cập đến một hứa hẹn hiếm có về “cho phép Việt kiều về ứng cử tại Việt Nam”.
Nhưng sự thật là thế nào?
Sự thật là hãy nhìn vào hành động, thay vì chỉ nghe lời nói gió thoảng mây bay. Chỉ vài ngày sau cuộc trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Sỹ Dũng, hàng loạt công dân tự ứng cử như Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Nguyễn Đình Hà… đã bị các chính quyền địa phương dùng tiểu xảo về thủ tục đăng ký hòng ngăn chặn.
Sau khi hành hạ các ứng viên độc lập bằng vài ba lần bắt họ phải đi lại giữa các cơ quan hành chính, cuối cùng cấp phường cũng buộc phải xác nhận lý lịch, nhưng lại thòng thêm những nội dung về các ứng viên độc lập đã “không sinh hoạt tại bất kỳ tổ chức nào của địa phương”, “có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, thậm chí lôi cả chuyện họ đi nước ngoài và tiếp xúc với các tổ chức hải ngoại ra sao…
“Loại từ vòng gửi xe” là cụm từ phổ thông mà giới dư luận viên công khai kêu gào trên các trang mạng sinh sống bằng tiền thuế của dân. Nhiều ứng cử viên độc lập khác đã bị báo đảng thẳng tay quy chụp về quan điểm “chống đối nhà nước”, cùng lời đe dọa ngấm ngầm về việc họ sẽ cùng chung số phận với Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân… trước đây, nghĩa là sau tự ứng cử sẽ đi thẳng vào nhà đá!
“Dân chủ đến thế là cùng” - một châm ngôn của người phụ trách đảng Cộng sản là Nguyễn Phú Trọng - cũng bởi thế càng có cơ hội phát tác tính “ưu việt” của nó.
Đến lúc này, dư luận bắt đầu nhìn vào và đánh giá vai trò của nhân vật Võ Văn Thưởng - người có trình độ học vấn Mác - Lê, tân ủy viên Bộ Chính trị lãnh nhiệm Trưởng ban Tuyên giáo trung ương. Liệu phía sau chiến dịch bôi nhọ và thóa mạ các ứng viên độc lập có bóng dáng và bàn tay của ông Thưởng?
Còn Quốc hội, nơi đang có vẻ “tâm tư” về luật Biểu tình với lời chỉ trích “thiếu nghiêm túc” mà ông Nguyễn Sinh Hùng nhắm vào phía Chính phủ, sẽ làm gì để hứa hẹn “cần khuyến khích và tạo điều kiện cho công dân tự ứng cử” của họ không đến nỗi bị lộn trái?
Từ đây đến ngày 22/5 là thời điểm bầu cử quốc hội, vẫn có những trò tiểu xảo có thể được các cơ quan hành chính địa phương tung ra, vẫn có những can thiệp vừa ngấm ngầm vừa lộ liễu do cơ quan an ninh dàn dựng, để sau đó có thể là một chiến dịch “đấu tố” rộng khắp các địa phương dành cho các ứng cử viên độc lập theo nguyên văn chỉ đạo “Không để lọt vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước những phần tử thế này thế khác”.
Vào lúc đó, những Việt kiều được hứa hẹn “cho phép về nước ứng cử quốc hội” sẽ có trải nghiệm vỡ tim ra sao về tư tưởng “hòa hợp hòa giải dân tộc” của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - chính thể đang cố tìm cách lấy lòng ba triệu rưỡi “kiều bào ta” ở hải ngoại?
* Blog của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.