Cảnh sát tỉnh Saitama cho hay 3 cựu thực tập sinh Việt Nam trong tình trạng tuyệt vọng, vừa bị bắt giữ hôm 2/12 liên quan tới vụ đánh cắp hàng trăm quả lê trị giá khoảng 273.000 yen, tương đương 2.600 USD, báo Asahi Shimbun của Nhật đưa tin.
Những người bị bắt giữ nói với cảnh sát rằng họ cần tiền để trả món nợ đã mượn để sang Nhật Bản, và bây giờ không có đủ tiền để về nước.
Cảnh sát tỉnh Saitama lục soát một căn hộ ở Isesaki, quận Gunma, và hôm 2/12 bắt giữ 3 người Việt Nam bị tình nghi là ở quá hạn visa, vi phạm Luật Kiểm soát Di trú và Tị nạn Nhật Bản.
Cảnh sát đã được báo cáo về các vụ ăn cắp trái cây từ tháng 8, từ tỉnh Kamikawa và hai quận hạt khác. Tổng cộng 742 quả lê đã bị đánh cắp trong 2 tháng, tháng 8 và tháng 9 năm nay, từ một vườn trái cây ở Kamikawa, tỉnh Saitama.
Trái cây, gồm lê và đào, cũng như gà, heo, cũng bị đánh cắp tại tỉnh Gunma và Tochigi.
Tháng 11 vừa rồi, 1 cựu thực tập sinh Việt Nam ngành kỹ thuật 29 tuổi, bị bắt giữ và truy tố về tội giết mổ lợn bất hợp pháp tại nhà.
Cũng thời gian này, khoảng hơn 12 cựu thực tập sinh Việt Nam ở Ota, tỉnh Gunma, bị bắt giữ vì ở quá hạn visa. Cảnh sát đã tiến hành lục soát để điều tra các vụ đánh cắp gia súc và gia cầm.
Theo các nguồn tin điều tra, nhiều thực tập sinh phải thanh toán những món nợ lên tới khoảng 1 triệu yen, tương đương với hơn 9.500 USD, mà họ đã mượn để sang Nhật Bản. Nhiều người sau đó đã trốn nơi thực tập vì các điều kiện quá khắc nghiệt và các lý do khác.
Sau một loạt vụ đánh cắp gia súc, gia cầm và trái cây từ các nông trại vùng Kanto, báo Mainichi Shimbun đã thực hiện một phóng sự điều tra. Tờ báo nói rằng chương trình tu nghiệp sinh kỹ thuật khởi sự từ năm 1993 với mục đích cho phép người lao động ở các nước đang phát triển được nhập cảnh và lưu trú tới 5 năm để đào tạo ngôn ngữ và thực tập kỹ năng, nhưng vì tình trạng thiếu lao động tại Nhật Bản, chương trình thực tập “trên thực tế đã trở thành một hình thức nhập khẩu lao động giá rẻ cho các công nghiệp Nhật Bản”.
Theo Cơ quan Di trú Nhật Bản, tính tới cuối năm 2019, Nhật Bản có khoảng 410.000 thực tập sinh, trong số này hơn phân nửa là người Việt.
Trong những năm gần đây, con số thực tập sinh từ Việt Nam tăng vọt, và cuối năm 2019, có tất cả 210.000 người. Nhưng số người Việt trốn nơi thực tập cũng gia tăng.
Tờ Mainichi nói rằng nhiều thực tập sinh đến từ các làng quê nghèo, hy vọng có thể cải thiện đời sống gia đình nên đã vay nợ để sang Nhật Bản, và trở thành nạn nhân của những người trung gian làm mối.
Tờ Mainichi dẫn lời Giáo sư Yoshihisa Saito của Đại học Kobe, một chuyên gia về luật lao động Việt Nam, nói:
“Sự khác biệt giữa thực tế cuộc sống ở Nhật Bản, và những gì họ được nghe trước khi sang đây, quá khác biệt. Không đủ tiền trả nợ, họ trốn thực tập để kiếm việc làm bất hợp pháp.”
Các điều kiện khắc nghiệt tại nơi làm việc là một lý do khác khiến nhiều người bỏ trốn. Tờ báo trích lời Sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, chuyên hỗ trợ người lao động người Việt Nam ở Nhật Bản, nói rằng một số doanh nghiệp nhận cựu thực tập sinh làm việc, nhưng với mức lương thấp, và trong nhiều trường hợp, họ bị ngược đãi về thể chất cũng như tinh thần. “Họ bị đối xử như vật sở hữu,” Sư cô Thích Tâm Trí nói.