Đường dẫn truy cập

Không nhiều kỳ vọng cho cuộc họp các bộ trưởng khối EU lần này


Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde
Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde
Bộ trưởng tài chính các nước khối EU đang nhóm họp 2 ngày tại Brussels để bàn thêm chi tiết cho thỏa thuận hồi tháng 6 về cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro. Các bộ trưởng tài chính nói không nên kỳ vọng quá nhiều, trong khi họ đang phải đối mặt với áp lực thị trường to lớn để đưa ra những cam kết. Từ Paris, thông tín viên Lisa Bryant gửi về bài tường thuật sau đây.

Giám sát ngân hàng, hỗ trợ Tây Ban Nha và đảo Síp và làm thế nào để giải quyết nợ của Hy Lạp: đây là những vấn đề chủ chốt mà các bộ trưởng tài chính EU sẽ phải giải quyết cuộc hội đàm tại Brussels. Thứ Sáu tuần trước, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde đã gia tăng áp lực. Bà ca ngợi những động thái mà các lãnh đạo EU vừa thực hiện gần đây nhưng cũng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể trì trệ hơn nếu không tiếp tục thực hiện thêm nhiều biện pháp nữa.

Bà Lagarde nói: “Đó cũng là vấn đề phải thực hiện quyết liệt và nghiêm ngặt những biện pháp cứu nguy. Theo quan điểm của IMF, chúng tôi tin rằng vẫn còn phải làm nhiều việc hơn để thực sự hoàn thành các công cuộc kiến thiết khu vực đồng tiền chung euro thành một liên minh về tài chính, tiền tệ, và ngân hàng.”

Các bộ trưởng tài chính sẽ nỗ lực lấp đầy những khoảng trống trong một loạt các thỏa thuận mà 27 nhà lãnh đạo EU đã đạt được trong một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước. Thị trường bước đầu hoan nghênh những quyết định này, trong đó bao gồm những phương thức mới để sử dụng quỹ cứu trợ của EU cũng như những kế hoạch cho một liên minh ngân hàng trong tương lai.

Nhưng niềm tin thị trường đã nhanh chóng tan biến. Nhà kinh tế Andre Sapir thuộc viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels giải thích lý do:

Ông Sapir nói: “Lý do là, rõ ràng vẫn không có một sự đồng thuận giữa những nhà lãnh đạo, giữa những bộ trưởng tài chính, cũng như giữa các quốc gia khác nhau về đường lối cần theo đuổi. Những tuyên bố đưa ra ở cuối hội nghị thượng đỉnh được các nước và lãnh đạo các nước hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Và đó là lý do vì sao thị trường vẫn còn dè dặt.”

Đồng euro lại sụt xuống một mức thấp nữa so với đồng đô la và chi phí vay mượn cho nền kinh tế mong manh của Tây Ban Nha và Ý lại một lần nữa tăng vọt.

Các chuyên gia như ông Sapir có ca ngợi quyết định của EU đạt được vào cuối tuần rồi. Đó là việc để các Ngân hàng Trung ương châu Âu đóng một vai trò giám sát lớn hơn. Ông Sapir nói điều này là bước đầu tiên trong kế hoạch thiết lập một liên minh ngân hàng của EU.

Ông Sapir nói: "Ý tưởng là châu Âu hoặc khu vực đồng euro cần tạo ra một định chế tương đương với Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) của Hoa Kỳ. Đó là một định chế có khả năng giám sát, cung cấp bảo hiểm tiền ký thác, và đưa ra quyết định cho những những ngân hàng lâm vào khủng hoảng ở cấp độ khu vực đồng euro. "

Cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính trong tuần này này dự trù sẽ là cuộc họp cuối cùng cho đến tháng 9. Nhưng các quan chức EU nói rằng các bộ trưởng có thể sẽ nhóm họp một lần nữa vào cuối tháng này, vì tính cách phức tạp của khối lượng công việc mà họ đang thực hiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG