Đường dẫn truy cập

‘Không quản được thì cấm’ với chống ‘diễn biến hòa bình’


Tổng bí thư Tô Lâm (thứ hai từ phải) và những lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, tại Hà Nội, 21 tháng 10, 2024.
Tổng bí thư Tô Lâm (thứ hai từ phải) và những lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, tại Hà Nội, 21 tháng 10, 2024.

Trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV ngày 21/10/2024, Tổng Bí thư (TBT) Tô Lâm đã nhấn mạnh một tư tưởng quan trọng: “Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.” Đây là lần đầu tiên vấn đề này được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đặt ra một cách trực diện trong khuôn khổ nghị trường quốc gia, nhằm hướng đến đổi mới công tác lập pháp, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước (1). Tuy nhiên, tư duy “không quản được thì cấm” không chỉ tồn tại ở một số lĩnh vực cụ thể, mà còn là biểu hiện của một phương thức quản lý còn nhiều bất cập, tạo ra hệ lụy sâu rộng trong xã hội, ảnh hưởng lớn đến cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại.

“Không quản được thì cấm” – Thực tiễn và hệ quả

Trong quá khứ, Việt Nam từng chứng kiến không ít các lệnh cấm gây tranh cãi, điển hình như các quy định: cấm “ngực lép lái xe”, áp dụng “xe biển số chẵn đi ngày chẵn, biển số lẻ đi ngày lẻ”, hay yêu cầu xử phạt xe “không chính chủ.” Những chính sách này, dù được đề xuất với mục tiêu quản lý cụ thể, lại thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn, gây ra nhiều bất tiện cho người dân. Hậu quả là chúng bị hủy bỏ sau khi gặp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận (2). Đây chính là những minh chứng điển hình cho cách tiếp cận dựa trên tư duy “không quản được thì cấm” – một phương thức tưởng chừng đơn giản nhưng thực chất lại tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ dừng lại ở các quy định hành chính cụ thể mà còn lan rộng sang những chính sách mang tính hệ thống, như cách triển khai chiến lược “chống diễn biến hòa bình” (chống DBHB). Được đặt ra trong bối cảnh “hai phe bốn mâu thuẫn”, “chống DBHB” là một biện pháp chiến lược nhằm đối phó với những nguy cơ có thật trong cuộc đấu tranh tư tưởng, bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng khi bối cảnh lịch sử thay đổi, cách tiếp cận này – vốn thiên về kiểm soát chặt chẽ thay vì thích nghi linh hoạt – lại vô tình gây ra những hệ lụy không mong muốn.

Một ví dụ rõ nét là việc khái niệm “diễn biến hòa bình” được mở rộng đến mức Đảng và Nhà nước Việt Nam đồng nhất với mọi hình thức phản biện, chỉ trích, hoặc ý kiến trái chiều. Tạp chí Lý luận Chính trị, cơ quan nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngay giờ này vẫn tiếp tục phát hành những bài viết dài trên năm nghìn chữ, nhấn mạnh vào nguy cơ và sự cần thiết của “phòng, chống diễn biến hòa bình” (3). Điều này cho thấy tư duy bảo vệ nguyên trạng, thay vì thúc đẩy sự đổi mới, vẫn tồn tại sâu sắc trong cách tiếp cận của một số cơ quan đầu não trong nghiên cứu lý luận và quản lý xã hội.

Hệ quả đầu tiên và rõ ràng nhất của các định hướng tư tưởng này chính là việc thu hẹp quyền tự do ngôn luận và không gian đối thoại công khai. Thay vì điều hướng truyền thông theo hướng chuyên nghiệp và minh bạch, các cơ quan quản lý thường đồng nhất các ý kiến trái chiều hoặc phê bình với “âm mưu chống phá” từ “các thế lực thù địch.” Điều này khiến không gian phản biện xã hội trở nên ngột ngạt, đặc biệt là trên các diễn đàn truyền thông và mạng xã hội. Trí thức, văn nghệ sĩ – những người có vai trò quan trọng trong việc khuyến khích tư duy đổi mới và thúc đẩy sáng tạo – bị đẩy vào tình thế tự kiểm duyệt. Tâm lý e dè, sợ “vượt rào” hoặc bị gán nhãn đã và đang làm giảm sút năng lượng sáng tạo, kìm hãm sự phát triển của cả xã hội. Ngoài ra, việc lạm dụng khái niệm “chống diễn biến hòa bình” để hạn chế các ý kiến phản biện hợp lý còn tạo ra một văn hóa “sợ sai” trong đội ngũ cán bộ quản lý. Thay vì khuyến khích đổi mới và dám nghĩ dám làm, tâm lý an phận và “né tránh trách nhiệm” dần chiếm ưu thế, khiến các chính sách trở nên trì trệ, thiếu hiệu quả.

“Chống diễn biến hòa bình” – Quá khứ và hiện tại

Khái niệm “chống diễn biến hòa bình” (DBHB) ra đời trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, khi thế giới bị chia cắt bởi hai cực Đông – Tây với các cuộc đối đầu gay gắt về ý thức hệ. Thời kỳ này, xây dựng các rào cản tư tưởng và triển khai các biện pháp “chống DBHB” là cần thiết nhằm duy trì sự ổn định chính trị – xã hội trước các nguy cơ tác động từ bên ngoài. Đối với Việt Nam, một quốc gia vừa bước ra từ những năm chiến tranh khốc liệt, tư duy “chống DBHB” không chỉ mang tính phòng thủ mà còn là công cụ chính trị quan trọng nhằm bảo vệ chế độ trong bối cảnh đất nước đối mặt với những thách thức an ninh to lớn từ nội trị đến ngoại giao. Tuy nhiên, thế giới ngày nay đã bước sang giai đoạn hội nhập toàn cầu, chuyển từ trạng thái đối đầu Đông – Tây sang hợp tác, cạnh tranh toàn diện về kinh tế, công nghệ và văn hóa. Trong bối cảnh mới này, việc tiếp tục duy trì cách tiếp cận “chống DBHB” một cách cứng nhắc đã bộc lộ nhiều hạn chế và trở nên lỗi thời. Thay vì đối mặt với nguy cơ bị thâu tóm hoặc chuyển hóa bởi những “diễn biến” từ bên ngoài, Việt Nam hiện đối diện những yêu cầu cao hơn về đổi mới, sáng tạo, và quản lý mềm dẻo để bắt kịp sự phát triển năng động của thế giới.

Cách đây nhiều năm, VOA từng thực hiện một phóng sự dài về hiện tượng “diễn biến hòa bình mang màu sắc Trung Quốc”. Theo đó, Trung Quốc không những từ bỏ các khẩu hiệu cứng nhắc liên quan đến “chống DBHB” mà còn tích hợp khái niệm “hòa bình” vào các chiến lược phát triển lớn, từ “trỗi dậy hòa bình” đến các cam kết về gìn giữ hòa bình ở Biển Đông (4). Dẫu vậy, những khẩu hiệu này thực chất chỉ là vỏ bọc cho các chiến lược bành trướng, như chính sách vùng xám nhằm chiếm đoạt Biển Đông. Trong khi đó, Việt Nam lại có xu hướng “bảo hoàng hơn vua,” tức là xiển dương chiến lược “chống DBHB” một cách mạnh mẽ hơn cả Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua hàng loạt cuộc hội thảo khoa học, các bài viết dài trên báo chí, hoặc những chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn. Ngay cả khi thế giới đang ưu tiên hòa giải và hợp tác, Việt Nam vẫn tiếp tục vận hành theo tư duy đối đầu đã lạc hậu, làm giảm sức cạnh tranh trong hội nhập toàn cầu (5).

Một ví dụ điển hình là trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023, nhằm nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên mức “Đối tác chiến lược toàn diện”, Bộ Chính trị ĐCSVN vẫn phổ biến “Chỉ thị 24” – một văn bản nội bộ có nội dung mang tính tấn công quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản của người dân. Sau khi văn bản này được công khai hóa, nó đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức quốc tế và các nhà quan sát. Theo Dự án 88 – một tổ chức bảo vệ nhân quyền, “Chỉ thị 24” là một bản sao gần như nguyên mẫu từ “Chỉ thị số 9” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong đó sử dụng các nguy cơ tưởng tượng để biện minh cho những biện pháp kiểm soát hà khắc (6). Điều này phản ánh rõ sự thiếu đổi mới trong tư duy chính trị, khi Việt Nam vẫn duy trì các chính sách mang nặng ảnh hưởng từ Trung Quốc, ngay cả khi Bắc Kinh đã điều chỉnh để thích nghi với xu thế quốc tế.

Đổi mới tư duy quản trị – Khi nào?

Đã đến lúc cần nghiêm túc tự vấn: liệu cách tiếp cận “chống diễn biến hòa bình” có còn phù hợp với bối cảnh quốc tế và quốc nội hiện nay? Thay vì chú trọng nghiên cứu sâu sắc về những chuyển dịch toàn cầu và tìm kiếm hướng đi phù hợp thông qua các think-tank – một mô hình chưa từng được thực sự phát triển ở Việt Nam, có thể thấy, đất nước vẫn bị cuốn vào các hoạt động đối đầu ý thức hệ một cách ngụy tạo. Đây là hậu quả rõ rệt từ tư duy quyết liệt “chống DBHB”, vốn đã làm triệt tiêu các không gian sáng tạo và suy giảm năng lực định hướng tương lai.

Ngày nay, trước một thế giới mạng lưới phân mảnh và đa dạng, các quốc gia phải càng mở rộng không gian đối thoại và sáng tạo để tồn tại và phát triển. Việt Nam, một quốc gia đang tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do và thiết lập các mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, cần đặc biệt chú ý đến điều này. Nếu tiếp tục duy trì một tư duy quản lý dựa trên kiểm soát và áp đặt, quốc gia sẽ khó có thể hội nhập thành công. Thực tế cho thấy, tư duy “chống DBHB” hiện nay không chỉ lỗi thời mà còn dễ bị lạm dụng để củng cố quyền lực. Thay vì khuyến khích sự phản biện lành mạnh, một số chính sách đã bóp nghẹt tự do ngôn luận, tạo ra tâm lý sợ hãi trong xã hội và triệt tiêu sự đa dạng tư tưởng. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Liệu tuyên bố của ông Tô Lâm trước Quốc hội – rằng “phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” – có thật sự phản ánh sự chuyển biến trong tư duy lãnh đạo? Liệu những phát ngôn này có đồng nghĩa với việc thúc đẩy minh bạch hóa, chống lại việc lạm dụng quyền lực? Hay đó chỉ là những tuyên bố mang tính biểu trưng?

Nhìn ra thế giới, từ Thái Lan, Hàn Quốc đến Nhật Bản hay các quốc gia Bắc Âu, có thể nhận thấy một điểm chung: tự do ngôn luận đóng vai trò là động lực chính cho sự sáng tạo và tiến bộ. Tại những quốc gia này, ý kiến trái chiều không bị coi là nguy cơ, mà được xem như một nguồn lực để thúc đẩy đối thoại đa chiều, xây dựng niềm tin và đạt được sự đồng thuận xã hội. Một bài học quan trọng rút ra từ kinh nghiệm của các quốc gia phát triển chính là sự gắn kết giữa niềm tin xã hội với tự do và minh bạch. Trong “Tam tự kinh” của phát triển và thịnh vượng, tự do ngôn luận dẫn đến thể chế phù hợp chính là động lực then chốt (7). Không có niềm tin nào được củng cố bằng áp đặt hay kiểm soát; thay vào đó, niềm tin phải được xây dựng từ sự minh bạch, khả năng lắng nghe, và đối thoại với người dân. Một chính quyền biết cách đối thoại sẽ thúc đẩy được sự đoàn kết và kiến tạo được thể chế bền vững để quản trị quốc gia.

*

Phát biểu của Tổng bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã gây chú ý mạnh mẽ.“Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” là một tuyên bố mang ý nghĩa chuyển giai đoạn, nếu tuyên bố đó được thực hiện. Trong trường hợp ấy, đây có thể là tiền đề cho sự thay đổi lớn trong tư duy quản trị quốc gia, cho đất nước bước vào “kỷ nguyên mới”. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là liệu ông Tô Lâm, với tư cách một “Đại tướng An ninh” quen thuộc với các biện pháp chế tài, có thực sự đồng nhất với hình ảnh của một “Tổng Bí thư” Tô Lâm như cách phát biểu tại nghị trường đã gợi lên? Liệu lời nói của ông có chuyển hóa thành hành động cụ thể hay không, khi các cơ quan an ninh, dưới sự chỉ đạo của ông, hiện vẫn đang bị chỉ trích vì áp dụng những biện pháp thắt chặt tự do tư tưởng và phản biện xã hội? 115 ngày qua (tính đến 25/11), TBT từng có nhiều tuyên bố chấn động. Đảng của ông cũng chịu khó tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia để quảng bá cho các ý tưởng mới (8). Tuy nhiên, nội hàm các khái niệm ấy, dường như vẫn còn ở tận “đường chân trời”.

Tham khảo:

(1) https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-dut-khoat-tu-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-2333892.html

(2) https://dantri.com.vn/suc-khoe/chinh-thuc-bo-quy-dinh-nguc-lep-khong-duoc-lai-xe-tung-gay-tranh-cai-20150918152358001.htm

(3) https://lyluanchinhtri.vn/nhan-dien-va-dau-tranh-phong-chong-dien-bien-hoa-binh-co-hoi-chinh-tri-6465.html

(4) /a/dien-bien-hoa-binh-06-21-2011-124299889/905588.html

(5) http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/thuc-day-xa-hoi-dan-su-o-viet-nam-hinh-thuc-chong-pha-nguy-hiem-cua-cac-the-luc-thu-dich/19160.html

(6) https://the88project.org/vietnams-leaders-declare-war-on-human-rights/

(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/economic-nobel-prize-2024-vietnam-regime-reform-10212024102703.html/ampRFA

(8) https://tuyengiao.vn/gop-phan-lam-sang-to-nhung-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-157702

  • 16x9 Image

    Trần Đông A

    Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Các bài viết của Trần Đông A là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG