Đường dẫn truy cập

Khu tưởng niệm liệt sĩ Triều Tiên - Chứng tích sự tham chiến của Triều Tiên trong chiến tranh VN


Cựu chiến binh Dương Văn Dậu giữa hàng bia mộ tại khu tưởng niệm các phi công Triều Tiên đã hy sinh trên chiến trường VN, tọa lạc tại tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 16/2/2019. (AP Photo/Hau Dinh)
Cựu chiến binh Dương Văn Dậu giữa hàng bia mộ tại khu tưởng niệm các phi công Triều Tiên đã hy sinh trên chiến trường VN, tọa lạc tại tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 16/2/2019. (AP Photo/Hau Dinh)

Việt Nam và Triều Tiên chia chung ý thức hệ cộng sản, nhưng ngoài ra giữa hai nước còn có một mối thâm tình vì trong chiến tranh Việt Nam, một số người Triều Tiên đã từng sát cánh chiến đấu với đồng minh Bắc Việt, một chi tiết không hề được nhắc tới trong thời chiến.

Chỉ tới năm 2000-2001, sự hiện diện của các phi công Triều Tiên trên chiến trường Việt Nam mới được Hà nội và Bình Nhưỡng chính thức thừa nhận, theo AP.

Theo các tài liệu lịch sử Việt Nam được AP trích dẫn và do một nhà phân tích của CIA sau này trở thành một học giả, Merle Pribblenow, chuyển ngữ thì vào tháng 9 năm 1966, Hà nội chấp thuận đề nghị của Bình Nhưỡng gửi 3 liên phi đội không quân hợp lại thành một trung đoàn không quân trang bị với 30 máy bay. Những phi công này mặc quân phục của phi công Bắc Việt, và được Việt Nam cung cấp máy bay cùng phương tiện và thiết bị quân sự.

Sự giúp đỡ của Bình Nhưỡng tới đúng lúc, theo AP, bởi vì đội máy bay MiG-17 cũ kỹ của Việt Nam đang chịu thiệt hại nặng nề trước chiến dịch đánh bom ồ ạt của Mỹ.

Trung Quốc và Nga cung cấp những hỗ trợ vật chất nhưng những tổn thất nhân mạng quá lớn khiến cho số phi công Việt Nam được huấn luyện ngày càng giảm dần.

Động lực phía sau nghĩa cử của Triều Tiên vẫn trong vòng tranh cãi, nhưng khu tưởng niệm những chiến sĩ Triều Tiên đã hy sinh ở miền Bắc Việt Nam, được coi như một chứng tích về sự hiện diện của họ, môt thời đã bí mật chiến đấu bên cạnh chiến hữu miền Bắc và nằm xuống trên chiến trường Việt Nam cách đây hơn 50 năm.

Trong khi vai trò của Hàn Quốc được nhiều người biết đến hơn, với khoảng 300.000 quân nhân tham gia hỗ trợ miền Nam Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1973, thì ở miền Bắc, các chiến binh Triều Tiên được triển khai gần Hà nội chỉ đếm được vào khoảng từ 200 tới 400 người phục vụ trong hơn 2 năm, trong số này có 90 phi công, AP dẫn các số liệu thời hậu chiến của Việt Nam cho biết.

VNexpress dẫn lời Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân, giải thích sự có mặt của các phi công Triều Tiên trong chiến tranh Việt Nam.

Theo lời Tướng Hy thì vào đầu thập niên 1960, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam nhiều chiến đấu cơ hiện đại lúc bấy giờ, và nhờ đó không quân VN đã bắn hạ được nhiều máy bay Mỹ. Nhờ thành tích đó, không quân Triều Tiên đã cử gần 100 phi công và sĩ quan sang Việt Nam học tập. Theo sự hồi tưởng của Tướng Hy, trong quá trình học tập một số binh sĩ Triều Tiên đã xin thực hành bằng cách “ra trận chiến đấu như không quân Việt Nam".

Theo bản tin AP thì vai trò của Triều Tiên chỉ là một ‘cước chú’ trong lịch sử của cuộc chiến dai dẳng, nói lên tình anh em đồng chí của hai quốc gia đã từng đối đầu với Mỹ trong các cuộc xung đột vũ trang riêng rẽ.

Bảng quảng cáo hội nghị thượng đỉnh giữa TT Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại một khu phố đông đức ở Hà Nội, ngày 19/2/2019.
Bảng quảng cáo hội nghị thượng đỉnh giữa TT Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại một khu phố đông đức ở Hà Nội, ngày 19/2/2019.

Trải qua nhiều thăng trầm, chính tình bạn này, nhiều thập niên sau, đã đóng vai trò then chốt giúp VN được chọn làm địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và TT Mỹ Donald Trump.

"Nơi đã từng yên nghỉ của 14 cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên".
Dòng chữ khắc trên Bia đá tại Khu tưởng niệm các liệt sĩ Triều Tiên ở tỉnh Bắc Giang

VNExpress cho biết khu tưởng niệm tọa lạc tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, nơi đặt bia mộ của 2 sĩ quan và 12 phi công Triều Tiên, người lớn tuổi nhất gần 40, người trẻ nhất mới 19 tuổi.

Tại khu tưởng niệm có một tấm bia đá trên đó có khắc hàng chữ: "Nơi đã từng yên nghỉ của 14 cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên".

Trên bia mộ có ghi chi tiết tên tuổi, ngày sinh, tử của những người quá cố.

Trong suốt 20 năm qua, một cựu chiến binh tên Dương Văn Dậu, cư ngụ gần khu tưởng niệm, đã tình nguyện đến trông nom nơi này, thắp hương khấn vái vào những dịp lễ trọng, mặc dù hài cốt của những người từng được chôn tại đó đã được cất bốc và đưa về nước từ năm 2002.

AP dẫn lời ông Dương Văn Dậu nói:

“Khi họ chết, nhân dân Việt Nam đối xử với họ như những liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh cho tổ quốc.”

Những phi công gãy cánh người Triều Tiên được chôn cất trên một đỉnh đồi, phần mộ hướng về quê hương Triều Tiên của họ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG