Đường dẫn truy cập

Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sắp ký thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới


Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)

Mười lăm nền kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sắp sửa kết thúc đàm phán vào Chủ nhật để ký một thỏa thuận có thể trở thành thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm gần 1/3 dân số toàn cầu, và chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, theo Reuters.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có khả năng được thông qua vào ngày Chủ nhật tới đây, trước khi bế mạc hội nghị thượng đỉnh ASEAN 4 ngày ở Hà Nội. RCEP sẽ dần dà giảm thuế quan, chống lại chủ nghĩa bảo hộ, đẩy mạnh đầu tư và cho phép sự luân lưu tự do của hàng hóa bên trong khu vực.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và quyết định của Tổng thống Donald Trump lật ngược chính sách “xoay trục sang Châu Á” của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, là lực đẩy để hoàn tất RCEP, được xem rộng rãi như một cơ hội đối với Bắc Kinh để đề ra nghị trình thương mại khu vực trong khi Washington vắng mặt.

Tuy nhiên cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trao phần thắng cho ứng cử viên của Đảng Dân chủ Joe Biden có thể thách thức điều đó, giữa lúc cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden ra dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ trở lại với chủ nghĩa đa phương.

RCEP là gì?

RCEP là một thỏa thuận thương mại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn quốc, Úc, New Zealand, và 10 nước ASEAN gồm Brunei, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Singapore, Indonesia và Philippines.

Ấn Độ cũng có tham gia đàm phán lúc ban đầu, tuy nhiên nước này đã quyết định rút lui khỏi RCEP hồi năm ngoái.

Một trong những điểm thu hút là các nước thành viên đã đạt thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương, và RCEP có thể xây dựng thêm trên nền tảng đó.

Các quy định chung có nghĩa là sẽ có ít thủ tục hơn và hàng hóa sẽ luân lưu dễ dàng hơn.

Việc này khuyến khích các công ty đa quốc đầu tư nhiều hơn vào khu vực, kể cả xây dựng các chuỗi cung ứng và các trung tâm phân phối.

Ý nghĩa địa chính trị của RCEP

RCEP được khởi xướng vào năm 2012 và được coi là một cách để Trung Quốc, nước nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất khu vực, kiềm chế ảnh hưởng đang tăng của Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Obama.

Các cuộc đàm phán do Hoa Kỳ dẫn đầu dẫn tới thỏa thuận khu vực quy mô lớn là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – thỏa thuận thương mại mang tính biểu tượng của Tổng thống Obama- lúc đó đã đạt bước tiến lớn, và Trung Quốc không có mặt trong 12 nước thành viên.

RCEP chỉ lấy đà sau khi Tổng Thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP vào năm 2017, trong khi Hoa Kỳ là kiến trúc sư chính của TPP, đồng thời chiếm tới 2 phần 3 tổng GDP của khối trị giá 27 nghìn tỉ. Hiệp định TPP không có Hoa Kỳ được đặt tên mới là CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, và hiện nay gồm 7 nước thành viên RCEP.

Là nguồn của hàng nhập khẩu và xuất khẩu chính đối với đa số các thành viên RCEP, Trung Quốc ở vị thế có thể hưởng lợi và có thể uốn nắn các quy định thương mại, nới rộng ảnh hưởng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, điều mà cựu Tổng thống Obama đã tìm cách ngăn chặn.

RCEP khác thế nào so với CPTPP?

RCEP tập trung cắt giảm thuế quan và tăng tiếp cận thị trường nhưng được đánh giá là không toàn diện và hài hòa bằng CPTPP.

RCEP ít đòi hỏi các nhượng bộ về chính trị hay kinh tế hơn so với CPTPP, đồng thời RCEP không nhấn mạnh tới việc bảo vệ các quyền của người lao động, môi trường và quyền sở hữu sản phẩm trí tuệ cũng như các cơ chế để giải quyết tranh chấp, mặc dù RCEP có những điều khoản về cạnh tranh.

Về mặt quy mô, thị trường của RCEP cao gần gấp 5 lần thị trường của CPTPP, và cao gấp đôi trị giá thương mại hàng năm và tổng GDP.

Liệu nhiệm kỳ Tổng thống Biden có thay đổi hiện trạng?

Ông Biden đã ra dấu hiệu ông sẽ theo hướng tiếp cận đa phương của thời Tổng thống Obama, nhưng hiện còn quá sớm để nói tới các thỏa thuận thương mại, xét những thách thức to lớn đang chờ ông ở trong nước, và nguy cơ có thể làm phật lòng các nghiệp đoàn đã giúp ông đắc cử.

Các ưu tiên về thương mại của ông Biden dự kiến sẽ tập trung vào việc hợp tác với các đồng minh để cùng tăng áp lực đối với Trung Quốc về mặt thương mại, và thúc đẩy cải cách WTO. Nhưng hiện còn quá sớm để nói tới việc Mỹ gia nhập CPTPP dưới hình thức hiện nay.

Các nghiệp đoàn và thành phần cấp tiến đã hậu thuẫn ông Biden trong cuộc bầu cử năm nay trước đây đã tỏ thái độ hoài nghi về các thỏa thuận thương mại tự do. Ông Biden đã đưa một số nhân vật thuộc các thành phần vừa kể vào toán chuyển tiếp của ông và có thể được cố vấn nên duy trì các biện pháp bảo hộ đối với các công nghiệp như thép và nhôm.

Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy ý định của ông Joe Biden muốn nối kết lại với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có thể được đón nhận tích cực, như một lực đối trọng đối với Trung Quốc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG