Một kiều dân Việt đã sống nhiều năm ở Israel mô tả với VOA cuộc sống bị đảo lộn kể từ khi chiến tranh với Hamas nổ ra và cho biết cô cũng như hầu hết người dân Israel đều phẫn nộ trước sự tàn ác của Hamas và ủng hộ chính quyền Israel tiêu diệt nhóm hiếu chiến này.
Trong lúc này, quân đội Israel đang chuẩn bị đưa quân vào dải Gaza cho cuộc chiến trên bộ nhằm mục đích xóa sổ Hamas, gần ba tuần lễ sau vụ tấn công đẫm máu của Hamas nhằm vào dân thường Israel hôm 7/10, giết chết hơn 1.400 người, và bắt hơn 200 con tin.
‘Tìm chỗ nấp trong vòng 90 giây’
Từ thủ đô Tel Aviv, cô Kim Golbari, vốn đến từ thành phố Hồ Chí Minh, lấy chồng Israel và theo chồng đến sống tại quốc gia này đã 14 năm, nói với VOA rằng sau hơn hai tuần lễ chiến sự nổ ra, giờ đây người dân đã có thể đi ra đường mua sắm hay đưa con đi học trở lại.
Tuy nhiên, cô cho biết mọi người vẫn trong tinh thần cảnh giác cao độ vì Hamas vẫn tiếp tục bắn rocket về phía Israel mỗi ngày. Mỗi khi có báo động thì ai cũng phải nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn ‘trong vòng 90 giây’ theo khuyến cáo của chính quyền.
“Chính quyền hướng dẫn nhiều lắm: trên báo, trên mạng, qua tivi và cách tìm chỗ trú nên ai cũng biết tìm đường trú ẩn,” cô nói và cho biết có nhiều hầm trú ẩn công cộng hay có thể chạy vào các tòa nhà kiên cố.
“Bản thân tôi và nhiều người ở đây tin tưởng vào hệ thống phòng thủ của Israel lắm. Từ hồi Hamas bắt đầu pháo kích cho tới bây giờ là hơn 7 ngàn trái hỏa tiễn rồi mà thi thoảng chỉ có vài trái lọt xuống, rớt xuống đường hay rớt vào nhà thôi.”
Bản thân cô Kim do có hai con trai nhỏ mới 10 tuổi và 3 tuổi nên cô không dám lái xe ra đường, theo lời cô, vì trong trường hợp có rocket cô sợ mình sẽ hoảng loạn không phản ứng kịp để đưa con đến chỗ trú ẩn trong vòng 90 giây.
Đứa con trai lớn của cô hiện đã được cho đến trường trở lại vì ‘nhà trường tổ chức chu đáo’ việc trú tránh tên lửa cho học sinh.
“Các con được thầy cô hướng dẫn là phải tập trung ở chỗ nào, chạy đến chỗ nào,” cô cho biết và nói thêm rằng mặc dù trước đây con trai cô tự đi học một mình nhưng trong tình hình này chồng cô phải đưa đón con mỗi ngày để đảm bảo an toàn.
Riêng đứa con trai nhỏ của cô còn đang học mẫu giáo mà nhà trường không đảm bảo việc phòng tránh rocket nên vẫn phải ở nhà với bố mẹ.
Cô Kim Golbari, vốn làm nghề hướng dẫn viên du lịch cho những đoàn du khách từ Việt Nam hay khách Việt kiều đi Israel hành hương, kể với VOA những ngày đầu xảy ra chiến sự ‘tình hình rất căng thẳng, ai cũng ở nhà, ngoài đường vắng ơi là vắng’.
Khi đó, người dân tăng cường dự trữ cho chiến tranh nên ‘thiếu hụt nhu yếu phẩm’, cô cho biết.
“Không những riêng tôi mà hầu hết mọi người cuộc sống đều đảo lộn cả,” cô Kim nói và cho biết thêm cô đã không có việc làm và mất thu nhập trong ba tuần qua.
Hiện giờ khi cô ra siêu thị thì thấy hàng hóa trong ‘đã tương đối đầy đủ’. Tuy nhiên, rau quả đang thiếu hụt vì, theo lời cô, phần lớn vùng canh tác nằm ở gần Gaza bị ảnh hưởng bởi chiến sự và các lao động nông nghiệp đến từ các nước khác đã về nước hoặc phải di tản đến nơi khác.
‘Ủng hộ tiêu diệt Hamas’
Cô Kim kể do ở Israel đã lâu nên cô đã quen với việc Hamas bắn rocket và thường thì mỗi hai năm người dân Israel ‘lại có một trận chạy rocket’. Tuy nhiên, lần này ‘khác hẳn những lần trước’.
Hôm xảy ra vụ tấn công của Hamas, hai vợ chồng cô đang dẫn hai con đi cắm trại ở Biển Chết. Sáng hôm sau nghe tin tức và thấy mọi người khóc nên gia đình cô đi về. Trên đường về, cô có ghé vào các công viên quốc gia thì thấy đóng cửa, điều mà cô nói là ‘chưa thấy xảy ra’ trong những lần bắn rocket trước.
“Chỉ ba tiếng sau vụ tấn công của Hamas, chính quyền Israel đã ra lệnh đóng cửa các khu du lịch, các công viên quốc gia và cho khách về hết. Do đó, tôi biết là căng thẳng hơn những lần trước,” cô nói thêm và cho biết ngay cả Jerusalem vốn ít khi bị bắn rocket lần này cũng không tránh khỏi.
“Tôi chưa thấy lần nào họ giết người dã man, nhắm vào thường dân như vậy. Con nít, người già, họ không tha bất cứ ai mà ngay cả khi không phải là người Do Thái đi nữa, cứ thấy người là họ giết, kể cả lao động Thái Lan, Nepal hay Philippines họ cũng không tha.”
Người dân Israel ai cũng đau buồn và sợ hãi. Nhà nào cũng khóa chặt cửa vì họ thấy các tay súng Hamas xông vào nhà bắn chết dân thường tại chỗ, theo lời cô Kim.
Khi được hỏi về thái độ của người dân Israel đối với cuộc chiến tiêu diệt Hamas, cô nói ‘hầu hết mọi người đều hoàn toàn ủng hộ đổ bộ vào Gaza để tiêu diệt đám khủng bố’. Bản thân cô khi thấy dân thường chết oan nhiều quá cũng mong muốn Israel ‘xử lý dứt điểm Hamas một lần’.
Khi được hỏi về làn sóng biểu tình phản đối Israel đang diễn ra ở các nước Ả Rập và các nước phương Tây, cô Kim nói ‘trước giờ vẫn vậy, họ vẫn cáo buộc Israel nhằm vào dân thường’.
Tuy nhiên, theo mô tả của cô quân đội Israel trước khi tấn công đều có rải truyền đơn kêu gọi người dân Gaza di tản. Cô cáo buộc phiến quân Hamas ‘không cho dân di tản mà bắt họ ở lại để làm bia đỡ đạn’.
Kiều dân này nói khi xảy ra vụ tấn công quy mô lớn của Hamas, cô rất ‘hoang mang’ vì không ngờ ‘hệ thống tình báo và quân sự của Israel có lỗ hổng lớn như vậy’. Tuy nhiên, những ngày sau đó khi thấy quân đội Israel chiến đấu giành lại quyền kiểm soát các khu dân cư gần biên giới thì dần dần cô đã tin tưởng trở lại.
“Tôi vẫn còn tin tưởng vào quân đội và nhà nước Israel và trong các cuộc chiến của Israel chưa có lần nào họ thua cả,” cô bày tỏ và liệt kê vào các năm 1956, 1967, 1973, 1982 các nước Ả Rập đều hiệp sức đánh Israel nhưng không thắng được.
Tình hình người Việt
Theo lời cô Kim thì hiện có khoảng 500 người Việt định cư trên khắp Israel. Ngoài ra còn có các tu nghiệp sinh Việt Nam sang vừa học vừa làm trong thời gian chưa tới một năm. Trong năm 2023, số lượng tu nghiệp sinh Việt qua Israel ít hơn mọi năm, chưa tới 200 người.
Cộng đồng Việt trong chiến sự ‘tương đối bình an’ và ‘đến nay nhiều người đã quay lại làm việc ở văn phòng hay nhà hàng nếu đảm bảo yêu cầu tránh tên lửa’, cô cho biết, trong khi các tu nghiệp sinh Việt Nam làm việc gần Gaza đã được ‘di tản hết rồi’.
Đại sứ quán Việt Nam ở Israel thông qua các hội nhóm có hỏi thăm bà con người Việt có an toàn không, có cần hỗ trợ gì không, cô nói, và thông báo cho các tu nghiệp sinh nếu ai có nguyện vọng về nước thì đăng ký với đại sứ quán, khi đủ người thì họ sẽ tổ chức chuyến bay về Việt Nam. Tuy nhiên cho đến nay số người đăng ký không nhiều nên ‘vẫn chưa có chuyến bay hồi hương’.
Về tình hình du khách Việt Nam, người hướng dẫn viên du lịch này nói khi chiến sự bùng phát, có ít nhất 5 đoàn du khách Việt Nam và Việt kiều bị kẹt ở Israel. Công ty của cô có một đoàn đang đi tham quan ở phía bắc, cách xa vùng chiến sự, ngay sau đó được đưa về khách sạn ở luôn cho đến ngày về.
Do các hãng máy bay hủy chuyến nên công ty cô phải cách đưa khách sang thủ đô Amman của Jordan rồi từ đó tìm vé bay về Việt Nam.
Riêng có một đoàn khách hành hương của Việt kiều từ California, Mỹ, bị kẹt ở sân bay và có người phải ở lại sân bay tới ba đêm không có chỗ ăn ngủ, cũng theo lời cô Kim. “Khi tôi ra sân bay thăm họ, mấy bác gặp tôi mấy bác khóc quá chừng vì không ngờ đi hành hương mà rơi vào tình cảnh này,” cô nói.
Hiện tại tất cả các du khách Việt Nam và Việt kiều đều đã rời khỏi Israel và các tour còn lại từ giờ đến cuối năm ‘đều đã hủy hết’.
Khi được hỏi về hậu quả cho dân thường của cả hai bên trong cuộc chiến, cô Kim nói bản thân cô đã từng đi vào khu của người Palestine ở Bờ Tây và có nói chuyện với họ.
“Tôi hiểu khao khát của họ. Họ cũng muốn có một đất nước. Họ cũng muốn có tự do,” cô nói. “Tuy nhiên, khi con tôi đến trường nhìn họ đánh bom gần trường học của con có bao nhiêu người chết oan thì tôi ủng hộ biện pháp của quân đội Israel.”
“Cả hai bên đều có lý do của mình, nhưng thật sự dân thường Israel và Palestine không có tội. Không nên gây tang thương cho dân thường,” cô bày tỏ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn