Quyền lực của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un giờ "không thể lung lay" tiếp theo sau vụ thử nghiệm hạt nhân và phóng phi đạn mới đây, theo lời một giới chức Hàn Quốc hôm 6 tháng 4.
Bất chấp việc thanh trừng nhiều giới chức cấp cao, kể cả vụ hành quyết ông Jang Song Thaek, người dượng và cũng là người đỡ đầu của Kim Jong Un vào năm 2013, và việc bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong Chol hồi năm 2015, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy có bất ổn trong thành phần lãnh đạo Bắc Triều Tiên, theo lời quan chức Hàn Quốc, phát biểu với điều kiện danh tính được giữ kín.
Những biện pháp chế tài quốc tế được áp đặt mới đây dường như đã củng cố thêm quyền hạn và thế lực của lãnh tụ Bắc Triều Tiên.
Các biện pháp mới của Liên Hiệp Quốc áp dụng hồi tháng Ba có mục đích cắt đứt các nguồn tài trợ và tiếp liệu cho các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bắc Triều Tiên.
Trung Quốc hôm 5/4 đã có hành động nhằm củng cố các biện pháp chế tài bằng cách cấm nhập khẩu vàng và các khoáng sản đất hiếm từ Bắc Triều Tiên, đồng thời ngưng xuất khẩu nhiên liệu phi cơ và các sản phẩm dầu hoả khác được dùng để chế tạo nhiên liệu cho phi đạn.
Ông Kim Jong Un giờ dường như đang nóng lòng muốn tăng tiến các khả năng hạt nhân của miền Bắc trước khi các biện pháp chế tài được củng cố, theo giới chức Hàn Quốc.
Vào tháng Ba, ông Kim nói nước ông đã chế tạo được các đầu đạn hạt nhân nhỏ để có thể gắn vào các phi đạn đạn đạo, mặc dù những tuyên bố của ông chưa được kiểm chứng một cách độc lập.
Bằng cách đẩy nhanh các khả năng kỹ thuật như vậy, Bắc Triều Tiên hy vọng có thể củng cố vị thế của mình trong tư cách là một cường quốc hạt nhân dưới con mắt của thế giới.