Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tự hào với vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên hôm thứ Ba 4/7.
Theo hãng thông tấn Trung ương Bắc Hàn (KCNA), ông Kim nói với các nhà khoa học và kỹ sư rằng Hoa Kỳ sẽ “khó chịu” lắm khi nhận được “quà” mừng Lễ Độc lập hàng năm của họ.
Bình Nhưỡng hôm thứ Ba đã phóng tên lửa Hwasong-14 tại một phi trường gần biên giới Trung Quốc. Viện Khoa học Quốc phòng Bắc Triều Tiên nói rằng tên lửa Hwasong-14 bay 933 kilômét và đạt đến độ cao 2.802 kilômét. Tên lửa đã rớt xuống Biển Nhật Bản sau khi bay được 39 phút.
Dựa trên phân tích về thông số kỹ thuật quỹ đạo của tên lửa Hwasong-14, các chuyên gia Mỹ nói rằng tên lửa này dường như có thể bay đến bang Alaska.
KCNA nói rằng ông Kim Jong Un, với nụ cười rạng rỡ, “hối thúc các nhà khoa học của ông thường xuyên gởi những món quà lớn, nhỏ cho Mỹ.”
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng “là một sự leo thang mới của mối đe dọa đối với Mỹ, với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, và với thế giới."
Ngoại trưởng Tillerson nói cần phải có một hành động toàn cầu để ngăn chặn mối đe dọa Bắc Hàn. Ông nói bất cứ quốc gia nào chứa chấp công nhân Bắc Hàn, cung cấp lợi ích kinh tế và quân sự cho Bắc Hàn, hay không chấp hành các nghị quyết của Liên hiệp quốc chống lại Bình Nhưỡng “là tiếp tay và xúi giục chế độ nguy hiểm này.”
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp khẩn
Phát ngôn viên Dana White của Ngũ giác đài ra một tuyên bố nói rằng vụ phóng thử tên lửa hôm thứ Ba “tiếp tục cho thấy Bắc Hàn đe dọa Mỹ và các các đồng minh của Mỹ.”
Một người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ra tuyên bố lên án Bình Nhưỡng, và nói rằng vụ phóng thử tên lửa của Bắc Hàn “một lần nữa vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và cấu thành hành động leo thang căng thẳng nguy hiểm.”
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ họp kín về vụ khủng hoảng Bắc Hàn vào chiều thứ Tư. Ngoại trưởng Tillerson nói cần phải có những biện pháp mạnh hơn đối với Bắc Triều Tiên.
Tại Nam Triều Tiên, các lực lượng quân sự của Mỹ và Nam Hàn loan báo đã thao dượt chống phi đạn vài giờ sau khi miền Bắc phóng tên lửa Hwasong-14, với mục tiêu chống lại hành động “gây bất ổn và vô luật pháp của Bắc Triều Tiên.”
Một thông cáo chung nói: “Hoa Kỳ kiên quyết với cam kết bảo vệ Nam Triều Tiên.”
Địa điểm tên lửa Hwasong-14 rơi xuống trên Biển Nhật Bản nằm trong đặc khu kinh tế của Nhật Bản. Điều này không chỉ khiến Tokyo căm phẫn, mà cả Trung Quốc, nước dường như không khống chế được đồng minh của mình.
Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Bắc Kinh “không ngừng nỗ lực” để giải quyết những thách thức trên Bán đảo Triều Tiên. Ông nói vai trò của Trung Quốc là “không thể thiếu được,” và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, đừng ngay lập tức đẩy tình hình căng thẳng leo thang.
Ông Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc yêu cầu Bắc Hàn kiềm chế những hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và thay vào đó hãy tạo điều kiện cần thiết để nối lại đối thoại và đàm phán.”
Tổng thống Donald Trump có lẽ sẽ tăng áp lực đòi Trung Quốc phải phải có biện pháp mạnh hơn để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn. Tổng thống Trump nói rằng mặc dù ông “thực sự công nhận chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc kiềm chế Bắc Hàn, nhưng không đạt hiệu quả. Ít nhất tôi biết rằng Trung Quốc đã cố gắng.”
Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm thứ Ba: “Có lẽ Trung Quốc sẽ có một biện pháp nặng đối với Bắc Hàn để chấm dứt trò vô nghĩa này một lần và chấm dứt luôn.”
Giáo sư môn khoa học chính trị Cheng Xiaohe của Đại học Renmin ở Bắc Kinh nói còn quá sớm để đoán Trung Quốc sẽ đi theo phương án nào, hay Liên hiệp quốc sẽ phản ứng như thế nào, hoặc là chỉ đơn thuần lên án vụ phóng tên lửa, hay sẽ thực thi một vòng trừng phạt mới.
Giáo sư Cheng nói: “Nếu thực thi một vòng trừng phạt mới, thì các biện pháp mới có thể bao gồm những việc chẳng hạn như cấm du lịch đến Bắc Hàn, cấm sản phẩm hóa dầu của Bắc Hàn. Đó là những biện pháp mà Hội đồng Bảo an có thể sẽ thảo luận.”
Trung Quốc không muốn cắt mọi nguồn xuất khẩu thiết yếu sang Bắc Hàn, như dầu hỏa, vì họ sợ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un với những hậu quả chưa thể lường được, hoặc Bắc Hàn, trong thế chẳng có gì để mất, có thể tấn công quân sự Seoul.