Nhiều người dân trong nước, trong đó có dân lao động, công nhân và tiểu thương, đang vật lộn với cuộc sống hàng ngày trong lúc gần tới Tết trong bối cảnh kinh tế Việt Nam khó khăn nhất trong nhiều năm, theo tìm hiểu của VOA.
Nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và châu Âu. Khi nhu cầu từ các thị trường này giảm xuống do lạm phát cao, đơn hàng ít dần đi khiến các hãng xưởng trong nước phải sa thải công nhân hoặc thậm chí đóng cửa. Thu nhập người dân ít đi ảnh hưởng đến sức mua khiến thị trường ế ẩm.
Việt Nam kết thúc năm 2023 với mức tăng trưởng kinh tế cả năm là 5,05%, theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố hôm 29/12 năm ngoái, thấp hơn mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đề ra.
Nếu không tính hai năm dịch Covid 2020 và 2021 thì đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong vòng 24 năm qua, thấp hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Thu nhập giảm một nửa
Từ huyện Bến Lức, tỉnh Long An, ông Lê Văn Chàng, 43 tuổi, công nhân xây dựng theo chủ thầu đến làm công trình ở đây, nói với VOA rằng năm nay ‘công việc rất khó khăn, tiền bạc eo hẹp’.
“Nói chung giờ làm trước trả sau chán lắm,” ông nói và giải thích ông lãnh lương theo tuần. Lúc trước ông làm tuần nào lãnh tuần đó nhưng bây giờ chủ không có tiền trả lương mà chỉ tạm ứng, sau đó 3-4 tuần mới gom lại trả nợ lương một lần.
“Mình làm tuần này được tạm ứng rồi ăn hết tiền, đến tuần sau lại được ứng thì trích một ít đóng tiền nhà trọ, còn một ít để ăn. Đến khi hết thì lại được ứng nữa. Cứ gối đầu vậy hoài, không dư gì hết,” ông Chàng nói.
Sở dĩ có tình trạng này là do công ty của ông lúc trước nếu khối lượng công trình là 10 phần thì giờ đây chỉ còn 3-4 phần. Người thợ hồ này lý giải là do thị trường bất động sản đóng băng, rồi ‘không biết chủ bị vốn liếng, đất đai như thế nào đó mà họ xây cất cũng ít’.
“Mấy năm trước làm chưa xong công trình này thì chủ đã nhận được công trình khác,” ông kể và cho biết để đối phó tình hình, chủ công ty chỉ giữ lại ‘những lính ruột đã làm lâu năm’ vốn theo chân chủ đi từ chỗ này đến chỗ khác và cho nghỉ những công nhân thời vụ ở địa phương.
Tiếng là cho nghỉ nhưng thực ra chủ gửi công nhân thời vụ qua các chỗ khác, cũng theo lời công nhân này. “Nếu cho người ta nghỉ thẳng luôn thì nếu lỡ mai mốt có nhận công trình nữa thì mất lính. Lúc đó kiếm đâu ra người,” ông nói.
Về thu nhập bản thân, ông Chàng cho biết ông không lãnh lương định kỳ mà là ‘làm nhiêu lãnh nhiêu, có làm mới có ăn’ nên những lúc không có việc hay những lúc ốm đau thì ông không có thu nhập. Trong năm 2023 thu nhập của ông ‘giỏi lắm được 3-4 phần, còn chưa được 50% so với lúc trước.
Tuy nhiên, ông nói ông vẫn còn may mắn hơn nhiều người vì còn công việc, chứ nhiều người xung quanh ông ‘thất nghiệp nhiều lắm’. “Người ta về quê quá trời, họ đi bán vé số nhiều lắm, ngoài ra họ còn đi phụ bán quán,” ông nói.
“Mấy năm trước công nhân còn được tăng ca chứ năm nay đâu có được, cứ đúng giờ là về,” ông nói thêm.
Năm ngoái có lúc ông Chàng phải nghỉ ở nhà hơn một tháng. Khi đó, ông phải về quê ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, sống qua ngày. Ông kể ở dưới quê ‘dễ sống’.
“Rau thì ngoài đồng nhóc, mình chỉ đi giăng lưới kiếm cá. Còn gạo thì các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm họ cho. Mấy ngày rằm ở quê người ta thường hay đi bố thí cho những người khổ, có khi họ cho mỗi hộ vài chục ký gạo.”
Cũng theo lời ông Chàng thì do tháng vừa rồi ông ‘đau ốm cứ lịt xịt hoài’ nên cũng không đi làm được, mà mượn tiền thì không mượn ai được nên ông buộc lòng phải lấy cà vẹt xe máy đi cầm. Số tiền cầm xe được 7 triệu nhưng ông phải trả tiền lời mỗi tháng là 1.260.000 đồng, ông nói và cho biết không biết chừng nào ông mới dành dụm đủ 7 triệu đồng để chuộc xe về.
Ông cho biết lúc trước chủ thầu có hỗ trợ công nhân 50% tiền thuê trọ nhưng hiện giờ họ chỉ cho xe tải chở đồ đạc công nhân theo công trình đến nơi ở mới chứ không trợ cấp tiền trọ nữa.
Khi được hỏi năm nay sẽ ăn Tết thế nào, ông Chàng nói do ‘ông sống có một mình, vợ con đã bỏ đi còn cha mẹ đã mất hết trong đại dịch nên cũng dễ’.
“Mình có một mình nên làm nhiêu ăn nhiêu. Năm nay chưa biết có về quê không. Để coi từ giờ đến Tết có dư được bao nhiêu thì mới về quê,” ông nói và cho biết chủ thầu có hứa sẽ thưởng Tết đầy đủ căn cứ vào số ngày làm trong năm.
“Lúc dịch bệnh cha mẹ mất hết cùng một lúc nên cũng kẹt đủ thứ tiền. Tôi phải đi vay đầu này mượn đầu kia,” ông nói. “Năm nay mần để coi nếu còn dư được nhiều thì về quê ăn Tết cúng ông bà với anh em.”
“Còn chủ nợ dưới quê thì nói với người ta ráng đợi sang năm để mình xoay sở trả nợ chứ bây giờ khổ quá.”
‘Người bán nhiều hơn người mua’
Tại chợ An Đông, Quận 5, một khu chợ nổi tiếng là sầm uất bậc nhất ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Hoàng Công Bằng, chủ một sạp áo dài trong chợ, than thở với VOA rằng ‘năm rồi buôn bán chậm lắm’.
“Nếu như trước dịch bán được 10 thì bây giờ chỉ được khoảng 4 đến 5 là cùng, sợ không được nữa đó chứ,” ông Bằng nói và cho biết thu nhập của ông ‘đã giảm một nửa’.
“Kinh tế khó khăn quá. Nhiều doanh nghiệp giải thể rồi. Công ty không còn đơn hàng cho công nhân làm. Công nhân về quê hết,” ông chỉ ra. “Thành ra nó ảnh hưởng dây chuyền. Mọi người không có tiền nên ai cũng tiết kiệm tối đa và hạn chế mua sắm.”
“Cái gì không cần thiết thì họ không mua nữa,” người tiểu thương này nói thêm. “Có nhiều sạp hàng ra cả tuần không bán được món gì luôn.”
Ông Bằng mô tả khung cảnh chợ An Đông những ngày này là ‘tiểu thương ngồi ngóng khách từ sáng đến tối mà không có ai vô nên bà con cứ ngồi cầm điện thoại bấm, giết thời gian, hoặc là chỉ ngồi nhìn nhau’.
Theo lời ông thì trước dịch ông buôn bán rất được và ngay cả dịch vừa xong ông ‘vẫn bán OK’ nhưng sang đến năm 2023 thì ‘xuống hẳn’.
Sạp hàng của ông là nơi thường được các đoàn du khách từ các tỉnh hay ngoài bắc vào ghé thăm, ông cho biết. Họ đến đặt may áo dài, sau đó đi chơi chừng vài ba tiếng thì ghé lại lấy.
“Hồi xưa du khách tới nườm nượp mà bây giờ lâu lâu mới có một đoàn mà họ không mua sắm thả ga như hồi trước nữa.”
Ngoài ra, mỗi năm vào mùa cưới dịp từ tháng 8 đến tháng 10 sạp áo dài của ông rất đắt khách do ‘nhiều cô dâu, chú rể hay ông bà sui cần mua áo dài’ nhưng cả năm qua ‘hầu như không thấy luôn’, ông nói. Nhiều người thay vì mua giờ đây họ chỉ thuê mặc dù áo dài thuê thường không đẹp, không vừa so với đặt may hay mua riêng.
“Thường thì mấy bà ngồi sui họ thường chọn những mẫu áo dài đính đá, kết cườm giá thành lên đến hàng triệu,” ông kể. “Nhưng bây giờ có người ngồi sui mà tội nghiệp lắm. Họ nói không có tiền nên chỉ muốn mua bộ đơn giản chỉ vài trăm ngàn.”
Để kéo khách, người chủ tiệm áo dài phải giảm giá hết cỡ, với mỗi bộ áo dài ông chỉ còn lời chừng 50 cho đến 30 ngàn đồng’, theo lời ông, và hiện giờ ông đang bán hững bộ áo dài chỉ với 150 ngàn đồng để thu hồi vốn.
Ngoài ra, ông còn phải tận dụng các kênh mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok hay Shopee để bán hàng. “Tôi phải xoay sở đủ hết, bán chỗ này chút, chỗ kia chút thì cũng có thể cầm cự được,” ông nói.
Ông Bằng cho biết ông còn đỡ một chỗ là qua đợt dịch, nhân viên của ông nghỉ về quê hết nên hiện giờ ông không phải mất chi phí nhân công mà chỉ còn hai vợ chồng ông bươn chải ngoài sạp.
Riêng về bạn hàng bỏ mối, ông Bằng cho biết ‘từ Lạng Sơn, Hà Nội cho đến Phú Quốc họ nợ tôi nhiều lắm, mỗi người nợ năm ba chục triệu’. “Mình gọi điện thì họ nói họ khó khăn quá thì mình cũng chịu. Hoàn cảnh ai cũng như nhau thành ra tôi cũng thông cảm, không đòi rát quá,” ông bày tỏ.
Về tình hình kinh doanh cuối năm, ông cho biết ‘có nhích lên được một chút do bà con Việt kiều về quê ăn Tết’.
Khi được hỏi có vay mượn ngân hàng để cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn không, ông Bằng nói ông không dám đi vay vì ‘buôn bán không được lấy tiền đâu trả tiền lời cho ngân hàng?’
Có thâm niên hàng chục năm kinh doanh ở chợ An Đông, ông Bằng cho biết năm 2023 là ‘năm khó khăn nhất từ trước đến nay’.
Ông mô tả trong chợ An Đông có nhiều chỗ treo bảng ‘sang sạp’ với giá rẻ chỉ còn chưa tới một nửa so với thời hoàng kim. “Trước 2020 kinh doanh rất ngon lành, nhiều người muốn mua lại nhưng tiểu thương không chịu sang. Bây giờ kiếm người sang lại cũng khó. Hồi xưa nếu có thể sang được với giá 500-600 triệu thì giờ chỉ còn 200-250 triệu,” ông nói.
Mặc dù khó khăn như vậy nhưng tiền thuế, tiền hoa chi, tiền thuê mặt bằng, tiền điện nước các tiểu thương vẫn phải đóng đủ ‘không thiếu đồng nào’, ông Bằng cho biết. Trong thời gian tới các tiểu thương đang tính kiến nghị Ban quản lý chợ và Cục thuế giảm tiền cho họ.
Với thu nhập như vậy, ông Bằng nói ông chỉ kiếm đủ để trang trải chi phí trong nhà chứ không còn dư dả để dành dụm như mọi năm.
Do đó, ông Bằng tính Tết năm nay vợ chồng con cái ông sẽ về quê vợ ở Bình Thuận ăn Tết và ‘sẽ lì xì cho ông bà ngoại ít hơn mọi năm’.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn