Dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ co cụm 3% trong năm 2020 giữa lúc mọi sinh hoạt đều ngưng trệ vì dịch virus corona, đánh dấu tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất tính từ cuộc Đại Suy thoái trong những năm 1930, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói hôm thứ ba.
Trong phúc trình về Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2020, IMF dự đoán kinh tế thế giới sẽ hồi phục một phần vào năm 2021, với đà tăng trưởng 5,8%. Tuy nhiên IMF khuyến cáo rằng các dự báo của tổ chức này được đánh dấu bởi tình trạng bất định cùng cực và kết quả có thể còn tồi tệ hơn dự báo, tùy thuộc vào diễn biến của đại dịch.
Tiến trình hồi phục dự kiến cho năm 2021 không toàn diện vì mức độ hoạt động kinh tế được dự đoán sẽ tiếp tục ở dưới mức dự kiến cho năm 2021 trước khi virus bùng phát, ông Keith Gita Gopinath, kinh tế trưởng của IMF, nói tại một cuộc họp báo qua liên kết video.
Theo kịch bản lạc quan nhất của IMF, thế giới có nguy cơ mất trắng 9 nghìn tỷ đôla về sản lượng tích lũy trong hai năm - lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội kết hợp của Đức và Nhật Bản.
Các dự báo của IMF dựa trên giả thuyết các vụ bột phát virus corona chủng mới sẽ đạt đỉnh tại hầu hết các quốc gia trong quý 2 và giảm dần trong 6 tháng cuối năm, giữa lúc các doanh nghiệp dần dà mở cửa, và các biện pháp ngăn chặn dịch khác dần dần được tháo bỏ.
Một đại dịch kéo dài hơn trong quý 3 có thể làm kinh tế co cụm thêm 3% nữa trong năm 2020 và tiến trình phục hồi sẽ chậm hơn trong năm 2021, do ảnh hưởng của kéo dài của các vụ phá sản và nạn thất nghiệp kéo dài.
Một đợt bùng phát thứ hai trong năm 2021 nếu buộc doanh nghiệp phải đóng cửa thêm, có nguy cơ làm GDP toàn cầu giảm từ 5 đến 8 % dự báo cho năm tới, đẩy thế giới vào tình trạng suy thoái kéo dài sang năm thứ nhì liên tiếp.
Trong phúc trình của mình, IMF nói: “Có nhiều khả năng năm nay nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, vượt xa những gì thế giới đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước”.
Cuộc phong tỏa ‘vĩ đại’ được dự kiến sẽ cắt giảm đáng kể đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.