Đường dẫn truy cập

Kinh tế TQ tăng trưởng chậm ảnh hưởng tới các nước Châu Á


Cảnh sát phía trước Ngân hàng trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh.
Cảnh sát phía trước Ngân hàng trung ương Trung Quốc tại Bắc Kinh.

Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể có tác động lớn hơn đối với các nước Đông Nam Á so với việc nước Anh rời khỏi Liên hiệp Châu Âu, vì nhiều nước láng giềng của Trung Quốc dựa vào hoạt động giao thương với nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới này để có được tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, theo tường thuật của thông tín viên Shannon Van Sant của đài VOA tại Hồng Kông, sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu ở Đông Nam Á có thể giúp ích cho việc giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc gia tăng với tỉ lệ 6,7% trong quí đầu năm nay. Đây là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ khi vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu xảy ra vào đầu năm 2009.

Ông Joseph Incalcaterra, kinh tế gia của Ngân hàng HSBC, cho biết sự trì trệ của Trung Quốc ảnh hưởng tới lượng xuất khẩu của các nước trong vùng Đông Á.

"Qua việc so sánh giữa thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2005 với thời kỳ từ năm 2006 đến năm 2014, chúng tôi nhận thấy trong thời kỳ thứ nhất, Hoa Kỳ -- và ngay cả Liên hiệp Châu Âu, là một lực đẩy quan trọng hơn cho sự tăng trưởng của xuất khẩu ở Châu Á, nhưng trong thời kỳ gần đây nhất thì Trung Quốc có ảnh hưởng bao trùm. Sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, tuy chúng tôi không tiên đoán sẽ xảy ra một vụ hạ cánh cứng, nhưng điều mà chúng tôi đang nhìn thấy là một tiến trình tuần tự đang thật sự làm cho hoạt động xuất khẩu tại phần còn lại của khu vực này bị sút giảm."

GPD gộp chung của Đông Nam Á lên tới 2.600 tỉ đô la. Trong năm 2015, tăng trưởng đã chậm lại tại 7 trong số 10 nước thành viên của ASEAN. Bị ảnh hưởng nặng nhất là Indonesia, là nước xuất khẩu rất nhiều khoáng sản sang Trung Quốc.

Trong khi xuất khẩu của Đông Nam Á có thể chậm lại vì nhu cầu sút giảm ở Trung Quốc, khối dân trẻ trung và tầng lớp trung lưu mỗi ngày một đông của khu vực này có thể làm cho Đông Nam Á trở thành một lực đẩy cho tăng trưởng của khu vực.

Hồi đầu năm nay, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo Đông Nam Á sẽ có tăng trưởng kinh tế 4,5% trong năm 2016 và 4,8% trong năm tới, cao hơn tỉ lệ 4,4% của năm 2015. Khu vực này có 620 triệu người và thương mại nội khối chiếm đến 25% tổng kim ngạch mậu dịch, giúp cho họ có được một sự che chắn trước những ảnh hưởng của tình hình kinh tế Trung Quốc.

Ông Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết như sau.

"Tôi chưa nhận thấy nhiều tác động của sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc đối với Việt Nam. Chẳng hạn như năm 2015, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục gia tăng, đạt mức 14,8%. Tôi nghĩ rằng sở dĩ như vậy là vì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là nguyên vật liệu và nông sản, những thứ không thật sự bị tác động bởi sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc."

Tuy có những sự thay đổi quan trọng trong giới lãnh đạo chính trị và những cuộc bầu cử mới đây ở Philippines, Myanmar, Việt Nam và Lào, đầu tư từ Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Mỹ đang đổ vào Đông Nam Á. Kim ngạch mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tăng tới mức 45 tỉ đô la trong năm 2015, và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đang ra sức thúc đẩy cho Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thoả thuận thương mại giữa Mỹ với 11 nước ven Thái Bình Dương có thể đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc và tiếp tục hỗ trợ cho sự tăng trưởng của khu vực.

Ông Brian Eyler, Phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết như sau.

"Chúng tôi nhận thấy Hoa Kỳ đầu tư nhiều hơn ở Đông Nam Á, huấn luyện nhiều hơn, và tái cơ cấu cấu trúc ngoại giao để hội nhập tốt hơn với Đông Nam Á. Ấn Độ cũng đang làm như vậy. Nga cũng làm như vậy. Họ đang hoạt động dựa trên thực tế là khối ASEAN và Đông Nam Á là một khu vực tăng trưởng nhanh. Có rất nhiều cơ sở hạ tầng ở đó đang ở trong tình trạng ngưng hoạt động vì sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và không ai muốn thấy những thứ đó bị lãng phí."

Những người ủng hộ TPP hy vọng hiệp định này sẽ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào cuối năm nay, trong khoảng thời gian giao tiếp giữa chính phủ cũ và chính phủ mới

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG