Liên đoàn Khmer Krom (KKF) vừa kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẩn trương hành động vì cho rằng chính quyền Việt Nam đàn áp cộng đồng Khmer Krom ở trong nước, đồng thời kêu gọi LHQ đình chỉ tư cách thành viên của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (HRC).
“KKF khẩn trương kiến nghị lên Đại hội đồng LHQ giải quyết những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng do chính phủ Việt Nam gây ra đối với cộng đồng người Khmer-Krom bản địa. Cụ thể, chúng tôi kêu gọi đình chỉ tư cách thành viên của Việt Nam trong UNHRC vì những hành động nghiêm trọng của nước này”, KKF, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, viết trong thư kiến nghị đăng trên trang change.org.
“Cuộc đàn áp gần đây của Việt Nam đối với cộng đồng người Khmer-Krom bản địa đã đạt đến mức báo động, với nhiều báo cáo về các vụ bắt giữ tùy tiện, bỏ tù bất công và đàn áp tôn giáo”.
KKF nhắc đến hàng loạt các vụ xét xử và bắt bớ người Khmer ở Đồng bằng Sông Cửu Long gần đây như vụ các ông Thạch Cương, Tô Hoàng Chương, Danh Minh Quang, Đinh Thị Huỳnh, bị tuyên mức án từ 2 đến 4 năm tù vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, hay vụ bắt giữ các nhà sư Thạch Chanh Đa Ra, Dương Khải, Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp và Thạch Nha ở chùa Đại Thọ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Ông Thạch Chanh Đa Ra là trụ trì chùa Đại Thọ, đã bị khai trừ khỏi Giáo hội Phật giáo tỉnh vào cuối năm ngoái.
Hôm 1/4, truyền thông nhà nước loan tin rằng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Bình đã tổ chức lễ công bố quyết định bổ nhiệm Đại đức Thạch Xương là trụ trì chùa Đại Thọ.
“Sư Thạch Chanh Đa Ra, trụ trì chùa, đã bị họ bắt đem đi bỏ tù rồi họ đưa một ông sư khác của nhà nước đến thì coi như họ đã chiếm chùa rồi còn gì nữa”, ông Trần Manrinh, sinh sống ở bang Pennsylvania, Mỹ, một thành viên của KKF, nêu nhận định với VOA.
Ngoài ra, ngày 1/4/2024, Việt Nam đã cưỡng chế, phá hủy công trình là nơi học tập của sư sãi và tín đồ được xây dựng tại chùa Đại Thọ, theo KKF. “Hành động xúc phạm văn hóa và tôn giáo này không chỉ tước bỏ nơi thờ cúng của người Khmer-Krom mà còn vi phạm nghiêm trọng di sản và bản sắc văn hóa của họ”, KKF viết.
Tổ chức này cho rằng những vi phạm nhân quyền này là bằng chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (CSW) cũng lên tiếng chỉ trích việc cưỡng chế này của chính quyền Vĩnh Long.
“Các cuộc tấn công có chủ đích đang diễn ra nhằm vào cộng đồng Khmer Krom chứng tỏ rằng chính phủ Việt Nam tin rằng các quy tắc nhân quyền không áp dụng đối với chính phủ Việt Nam,” ông Mervyn Thomas, Chủ tịch sáng lập CSW, nêu nhận định trong thông cáo hôm 3/4. “ Với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, họ phải duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế cao nhất”.
Ngoài ra, CSW kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp có hệ thống và bịt miệng các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng thiểu số, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị cầm tù hoặc giam giữ tùy tiện vì thực hiện quyền cơ bản là tự do tôn giáo hay tín ngưỡng”.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Văn phòng của Tổng thư ký LHQ, yêu cầu họ cho ý kiến về các phát biểu trên của KKF và CSW, nhưng chưa được phản hồi.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền và vi phạm tự do tôn giáo, khăng khăng rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Diễn đàn