Kỷ niệm 60 năm chiến tranh Triều Tiên, một trong những mảng đen tối nhất của cuộc chiến tranh này là con số thường dân thiệt mạng. Một ủy ban đặc nhiệm được thành lập tại Nam Triều Tiên để tìm hiểu vấn đề này sắp sửa chấm dứt nhiệm vụ, và nhiều người không tin rằng ủy ban này có thể giúp hòa giải sự chia rẽ giữa những người Nam Triều Tiên.
Bà Ma Im-soon năm nay trên 60 tuổi, nhưng thỉnh thoảng bà vẫn trở lại thăm một hầm mỏ đã bỏ hoang ở vùng ngoại thành Seoul, nơi mà bà từng có mặt khi còn là một cô bé.
Bà Ma nói cảnh sát và bọn côn đồ cánh hữu lôi nhiều người đàn ông trong thị trấn gần đó ra mỏ này sau khi quân đội Bắc Triều Tiên bị đánh đuổi khỏi Seoul vào tháng 9 năm 1950. Họ cột tay từng hai người đàn ông một, bắt tháo giày ra, và dẫn lên ngọn đồi. Và rồi sau đó là những tiếng súng, xác những người đàn ông bị vùi trong mỏ. Sau này người ta đào được 153 bộ xương.
Câu chuyện của bà Ma không phải là chuyện đơn lẻ. Hàng chục ngàn người Triều Tiên khác đã bị hành quyết nhanh gọn trong những năm đầu của thập niên 1950.
Nam Triều Tiên vào năm 2005 đã lập ra Ủy ban Tìm hiểu Sự thật và Hòa giải. Ủy ban đã khai quật nhiều ngôi mộ tập thể, mở các cuộc điều tra để lấy lời khai của các nhân chứng. Công việc sắp chấm dứt vì Quốc hội không gia hạn thời gian hoạt động cho ủy ban.
Ông Kim Dong-choon, một thành viên trong ủy ban nói rằng các vụ tranh chấp chính trị khiến cho ủy ban không hoàn thành được nhiệm vụ được thực sự ủy nhiệm.
Ông nói tiếp ngay khi ông được chỉ định vào ủy ban, báo chí của phe bảo thủ đã mở cuộc tấn công vào ủy ban và có nhiều người còn đi kiện ủy ban. Phe bảo thủ cánh hữu nói rằng ủy ban này là âm mưu của cánh tả muốn tấn công cánh hữu.
Người ta tin rằng hầu hết các vụ hành quyết này đều do quân đội hoặc cảnh sát Nam Triều Tiên ra tay, nhắm vào những người bị nghi là hợp tác với lực lượng Cộng sản.
Ủy ban Tìm hiểu Sự thật và Hòa giải đã điều tra hơn 8.000 vụ được nạp cho ủy ban dưới dạng kiến nghị của công dân. Nhưng có người lại cho rằng số người bị hành quyết lên đến cả trăm ngàn. Có người còn gợi ý điều tra xem liệu quân đội Hoa Kỳ có liên quan đến chuyện tàn sát thường dân ở mức nào đó hay không.
Ông Lee Young-jo, Chủ tịch hiện nay của ủy ban nói rằng ủy ban rất tự hào về những gì đã làm, và có một thực tế đáng buồn là hầu hết người dân Nam Triều Tiên bây giờ chỉ chú ý đến cuộc sống hiện đại hơn là suy nghĩ về những sai trái của quá khứ. Ông nói:
“Người dân Nam Triều Tiên bình thường không chú ý đến công việc của ủy ban. Nhiều người còn cho rằng việc làm của ủy ban là sự phí phạm nguồn lực và cho rằng đi ngược lại quá khứ 60 năm và chăm chú vào các tư liệu bụi bặm đó thì có ích gì?
Trở lại với căn hầm mỏ bỏ hoang có bà Ma In-Soom, bà nói rằng tất cả người Triều Tiên có nghĩa vụ phải nhớ.
Bà nói bà không lấy làm lạ gì khi thế hệ trẻ không quan tâm gì đến vấn đề này và cho rằng đây là chuyện tranh chấp của mấy ông già bà cả. Cách suy nghĩ này có thể thông cảm được, nhưng bà cho rằng suy nghĩ như vậy vẫn là sai.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1