Nhà cầm quyền Nam Triều Tiên cho biết đã bắt giữ 2 sĩ quan Bắc Triều Tiên vào miền Nam đầu năm nay ngụy trang là những người đào tị.
Có khoảng 2.000 người đào tị Bắc Triều Tiên đến Nam Triều Tiên trong năm nay. Như nhiều người khác, hai người bị bắt giữ ở vào độ tuổi 36 đã vào Thái Lan trước khi bay sang Nam Triều Tiên.
Tất cả những người đào tị đều được cơ quan tình báo Nam Triều Tiên thẩm vấn và họ đã khám phá ra hai điệp viên này.
Tin tức báo chí cho hay cả hai người thú nhận là được lệnh ám sát một người đào tị tên là Hwang Jang-yeop 87 tuổi đến Nam Triều Tiên vào năm 1997.
Ông Hwang từng là một viên chức cao cấp trong chính phủ Bình Nhưỡng và là thầy dạy của lãnh tụ hiện nay của Bắc Triều Tiên Kim Jong Il. Ông Hwang hiện là một trong những người công khai chỉ trích Bình Nhưỡng một cách kịch liệt và thường xuyên di chuyển dưới sự bảo vệ an ninh chặt chẽ.
Ông Lee Sang-hyun, một chuyên gia về các vấn đề an ninh liên Triều Tiên làm việc tại Viện Sejong ở Hán Thành, nói là sau khi ông Hwang đến, chính phủ Nam Triều Tiên nỗ lực giao thiệp với miền Bắc và không muốn dư luận chú ý nhiều đến ông Hwang.
Tuy nhiên ngày nay chính quyền bảo thủ hơn của Tổng thống Lee Myung-bak tạo dễ dàng cho ông Hwang đi thăm Hoa Kỳ và Nhật Bản. Do vậy ông Hwang thường làm cho miền Bắc bối rối hơn.
Do đó chuyên gia Lee nghĩ là Bắc Triều Tiên cảm thấy đã đến lúc cần phải có phản ứng mạnh mẽ hơn đối với ông Hwang.
Vụ điều tra gián điệp này được thực hiện trong một thời điểm nhạy cảm khi nhiều người Nam Triều Tiên nghĩ là Bình Nhưỡng can dự vào vụ một tàu của hải quân Nam Triều Tiên bị chìm trong tháng qua.
46 thủy thủ chết khi chiếc tàu bị chìm gần ranh giới biển Bình Nhưỡng đang tranh cãi.
Các nhà điều tra kết luận là một vụ nổ mạnh ở bên ngoài làm chìm chiếc tàu. Tuy nhiên vẫn chưa có kết luận là cái gì đã gây ra vụ nổ và cũng như chưa xác nhận Bắc Triều Tiên có dính dấp gì vào vụ này hay không.
Ông Chung Mong-joon, người đứng đầu đảng cầm quyền Đại Dân tộc của Nam Triều Tiên mô tả việc bắt giữ hai điệp viên này như là chuyện trong phim ảnh. Tuy nhiên ông nói thêm là việc này không có gì mới lạ đối với Bắc Triều Tiên.
Ông Chung nói Bắc Triều Tiên vẫn thực hiện nhiều điệp vụ nhưng Bình Nhưỡng tiếp tục phủ nhận là họ không hề nhúng tay vào những vụ việc đó.
Ông Chung nói thêm điều này nhắc nhở người Nam Triều Tiên rằng mặc dù thống nhất với miền Bắc là nhiệm vụ của mọi người, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục là một mối đe dọa hiện nay.
Dù có đủ bằng chứng, Bắc Triều Tiên không bao giờ thú nhận vai trò của họ trong vụ đánh bom trên không một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Nam Triều Tiên làm tất cả 115 người trên chuyến bay thiệt mạng năm 1987.
Bắc Triều Tiên cũng không nhận là đã chủ mưu vụ đánh bom ở Miến Điện vào năm 1983 giết chết 3 thành viên trong nội các Nam Triều Tiên.
Nam Triều Tiên loan báo cơ quan tình báo đã bắt giữ 2 điệp viên Bắc Triều Tiên. Hai người này đến miền Nam với nhiệm vụ ám sát một người đào tị nổi tiếng đến từ miền Bắc.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1