Đường dẫn truy cập

Mỹ cân nhắc khả năng cử phái đoàn ngoại giao đến Bắc Triều Tiên


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il kiểm tra rau quả tại Viện Khoa học Thực vật ở Bình Nhưỡng, ngày 4/3/2011. Trong mấy tháng gần đây Bắc Triều Tiên đã đưa ra những lời kêu gọi khẩn cấp xin được viện trợ lương thực với số lượng lớn
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-Il kiểm tra rau quả tại Viện Khoa học Thực vật ở Bình Nhưỡng, ngày 4/3/2011. Trong mấy tháng gần đây Bắc Triều Tiên đã đưa ra những lời kêu gọi khẩn cấp xin được viện trợ lương thực với số lượng lớn

Một giới chức Nam Triều Tiên cho biết Hoa Kỳ đã quyết định cử một đại diện đến Bắc Triều Tiên để thảo luận yêu cầu khẩn cấp của nước này xin được viện trợ lương thực. Giới chức này lên tiếng với điều kiện dánh tánh được giữ kín bởi vì quyết định này chưa được chính thức loan báo. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Các nguồn tin của chính phủ Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nói rằng Washington đang chuẩn bị cử một phái đoàn chính thức đến Bình Nhưỡng, có thể trong tháng này.

Theo các nguồn tin này thì phái đoàn sẽ do Đại sứ Robert King, đặc sứ về các vấn đề nhân quyền Bắc Triều Tiên, dẫn đầu. Phái đoàn sẽ đánh giá nhu cầu khẩn thiết của Bình Nhưỡng yêu cầu được viện trợ lương thực đáng kể từ nước ngoài.

Một đặc sứ của Hoa Kỳ đến thăm Seoul, ông Stephen Bosworth, được hỏi về vấn đề này sau khi ông gặp các giới chức tại Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên ngày hôm nay.

Ông Bosworth nói: "Chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này trong vài ngày tới và quyết định sẽ được loan báo từ Washington. Cuộc thảo luận của chúng tôi về đề nghị của Bắc Triều Tiên xin viện trợ lương thực đã diễn ra tốt đẹp hôm nay. Tôi tin rằng nói chung chúng tôi đã đạt đến một quan điểm chung về vấn đề này, và sẽ xử lý vấn đề một khi kế hoạch được xúc tiến."

Đại sứ Bosworth, đại diện đặc biệt về chính sách Bắc Triều Tiên, đang thực hiện chuyến đi đầu tiên của ông đến Nam Triều Tiên trong 4 tháng qua. Chuyến đi này diễn ra giữa lúc các cuộc thảo luận quốc tế đang tiếp diễn về tình hình lương thực ở Bắc Triều Tiên.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Cho Byung-je nói rằng Seoul và Washington "hầu như" chia sẻ chung quan điểm về vấn đề cung cấp lương thực cho Bắc Triều Tiên.

Phát ngôn viên Cho nói dù cho Đại sứ King có đi thăm Bình Nhưỡng, thì chuyến đi đó không nên được coi như một chỉ dấu cho thấy Washington đã làm quyết định về vấn đề viện trợ lương thực.

Nam Triều Tiên duy trì quyết định không tái tục chương trình viện trợ lương thực cho Bình Nhưỡng trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên Seoul vẫn tiếp tục cho phép các nhóm từ thiện gởi những hỗ trợ khẩn cấp đến giúp trẻ em Bắc Triều Tiên.

Trong mấy tháng gần đây Bắc Triều Tiên đã đưa ra những lời kêu gọi khẩn cấp xin được viện trợ lương thực với số lượng lớn.

Các tổ chức tư nhân và các cơ quan của Liên hiệp quốc bày tỏ lo ngại về vấn đề dinh dưỡng ở miền Bắc. Họ nói rằng tình trạng tại đó đang ở điểm tồi tệ nhất, kể từ khi nạn đói xảy ra vào giữa thập niên 1990. Tuy nhiên các nhà phân tích ở Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên tỏ thái độ hoài nghi. Họ nói rằng không có bằng chứng cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở miền Bắc. Họ nói thêm rằng Bắc Triều Tiên có lẽ đang tìm cách tích trữ thêm nhiều lương thực để dành cho dịp mừng sinh nhật thứ 100 của cố lãnh tụ Kim Il Sung vào năm tới.

Nguồn cung cấp cho các chương trình viện trợ này đã giảm đi từ Seoul và Washington tiếp theo sau vụ một chiến hạm của Nam Triều Tiên bị đánh chìm ở Hoàng Hải. Một cuộc điều tra quốc tế đã kết luận rằng chiến hạm này đã trúng ngư lôi của Bắc Triều Tiên. Quan hệ hai bên càng trở nên lạnh nhạt hơn tiếp theo sau khi Bắc Triều Tiên pháo kích vào một hải đảo của Nam Triều Tiên làm nhiều người thiệt mạng. Bắc Triều Tiên nói họ pháo kích vào đảo Yeongpyeong là vì hành động khiêu khích của Nam Triều Tiên, tiến hành một cuộc thao diễn quân sự gần vùng lãnh hải đang tranh chấp trên hòn đảo ở biên giới hai bên.

Seoul và Washington còn đang thảo luận về một đề nghị của Trung Quốc đưa Bình Nhưỡng trở lại các cuộc đàm phán ngoại giao về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.

Các cuộc đàm phán 6 bên – gồm hai miền bán đảo Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc, bàn về đề nghị viện trợ để đổi lấy việc Bình Nhưỡng giải giới hạt nhân đã bị đình chỉ kể từ năm 2008. Ngay năm sau đó Bắc Triều Tiên đã xúc tiến một vụ thử hạt nhân thứ hai. Hậu quả là Bình Nhưỡng bị Liên hiệp quốc trừng phạt nghiêm khắc hơn.

Cả Hoa Kỳ lẫn Nam Triều Tiên đều không quan hệ chính thức với Bắc Triều Tiên.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG