13 đại biểu Bắc Triều Tiên, trong đó có 3 chuyên gia về núi lửa đã băng qua biên giới sang Nam Triều Tiên để dự một cuộc họp được tổ chức ở văn phòng di trú đặt tại thị trấn biên giới Munsan. Họ được 4 nhà địa chất học Nam Triều Tiên đón tiếp để tham dự các cuộc thảo luận kéo dài một ngày về ngọn núi lửa Paektu.
Giáo sư Yang Moo-Jin của Khoa Nghiên cứu Bắc Triều Tiên của Đại học Seoul nhận xét rằng cuộc hội thảo khoa học này là một tác nhân giúp phá vỡ tình trạng đóng băng kéo dài trong các mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Giáo sư Yang nói rằng tình trạng mất lòng tin giữa Seoul và Bình Nhưỡng nay đã sâu xa đến nỗi khó có thể nối lại các cuộc họp liên Triều có thực chất. Ông nói đó là lý do tại sao hai bên bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ ít mang tính chính trị và có tính dân sự nhiều hơn. Nhưng Giáo sư Yang cho rằng cuộc đối thoại có thể sẽ mở đường cho các cuộc họp cấp cao hơn.
Đối với người Triều Tiên, chủ đề của cuộc thảo luận hoàn toàn mang tính tượng trưng.
Nhiều người Triều Tiên xem ngọn núi Paektu cao nhất Bán đảo Triều Tiên là một nơi linh thiêng. Bắc Triều Tiên thì nói rằng đó chính là nơi mà lãnh tụ Kim Jong Il đã ra đời. Ngọn núi này cũng được nêu lên trong quốc ca của Nam Triều Tiên.
Núi Paektu cao hơn 2.700 mét nằm ở biên giới Bắc Triều Tiên-Trung Quốc. Trong suốt 108 năm qua ngọn núi lửa này đã không phún xuất. Tuy nhiên, một số nhà địa chất học nói rằng các dữ liệu về địa hình mới đây, trong đó có những bức ảnh chụp bằng vệ tinh, cho thấy có thể lõi của núi Paektu vẫn còn hoạt động và một trận phun trào lớn có thể khiến cho một hồ nước khổng lồ trên núi bị dâng trào và gây ngập lụt cho các khu vực xung quanh. Tro từ trận phun trào đó cũng thể sẽ gây trở ngại cho hoạt động không lưu quốc tế.
Hai nước Triều Tiên đã không có quan hệ ngoại giao với nhau và đã xung đột với nhau trong cuộc nội chiến kéo dài ba năm và kết thúc vào đầu thập niên 1950.
Seoul quy cho Bình Nhưỡng đã đánh chìm một chiến hạm của họ ở Hoàng Hải cách đây một năm trong đó có 46 thủy thủ Nam Triều Tiên thiệt mạng. Bắc Triều Tiên bác bỏ mọi dính líu trong vụ này.
Tháng 11 năm ngoái, Bắc Triều Tiên lại pháo kích vào một hải đảo của Nam Triều Tiên, giết chết 4 người.
Kể từ sau vụ pháo kích vào đảo Yeopyeong, hai miền Triều Tiên đã tổ chức các cuộc họp sơ bộ về quốc phòng và Hội Chữ thập đỏ nhưng không đạt được một kết quả mang tính đột phá nào từ cả hai phía.
Cuộc thảo luận về núi lửa do Bình Nhưỡng đề xuất, tiếp theo sau trận động đất mạnh 9 độ và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11 tháng 3 vừa qua.
Các đại biểu của hai miền Triều Tiên hôm nay đã tổ chức một cuộc hội đàm trực diện. Cuộc họp hiếm có giữa hai nước được tổ chức tiếp theo sau thiên tai động đất và sóng thần gây tàn phá tại Nhật Bản trước đây trong tháng này. Các đại biểu đã thảo luận về công cuộc hợp tác trong việc nghiên cứu một núi lửa ở Bắc Triều Tiên có thể sẽ phún xuất. Một trong các khoa học gia Nam Triều Tiên tham dự hội nghị cho biết cuộc thảo luận kéo dài một ngày đã kết thúc với một đề nghị từ phía Bắc Triều Tiên là mở thêm các cuộc thảo luận vào đầu tháng tới. Nam Triều Tiên đáp lại là sẽ xem xét đề nghị đó. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1