Đường dẫn truy cập

Ký sự Phi Châu: câu chuyện thể thao


Diễn hành trước giờ khai mạc một trận đá giao hữu giữa đội bóng tròn Togo và Trung Quốc 1985 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Diễn hành trước giờ khai mạc một trận đá giao hữu giữa đội bóng tròn Togo và Trung Quốc 1985 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Tôi nghe giọng phóng viên hét lên, kéo theo một tràng tiếng Pháp lẹ như gió, nhưng thật sự tôi chẳng hiểu ông đang nói gì, tường thuật chuyện gì trên sân cỏ và sau cùng chỉ nghe được những tiếng “C’est impossible” hay “C’est incroyable” và tôi hiểu là đã có những đường banh tuyệt mỹ...

Bùi Văn Phú

Lời Tác Giả: Những năm từ 1983 đến 1985 tôi là tình nguyện viên của Peace Corps được gửi sang Togo dạy lý hoá tại Lycée de Notsé. Thời gian ở đó ngoài việc dạy học tôi đã tham gia nhiều sinh hoạt xã hội, văn hoá địa phương và vào những dịp nghỉ lễ tôi đã đi nhiều nơi ở Togo cũng như những quốc gia lân bang. Bài này tôi viết năm 1984 từ Togo, khi thấy ở đất nước này tuy nghèo, cũng như Việt Nam ngày xưa, nhưng tinh thần hâm mộ môn thể thao bóng đá cũng rất cao. Khi đến Mỹ định cư, tôi lại biết thêm về môn thể thao rất được người Mỹ ưa chuộng là banh cà-na mà tôi là người ủng hộ đội 49ers của San Francisco trong nhiều năm. Bài viết này ghi nhận sinh hoạt thể thao ở Togo và những trao đổi giữa tôi và học trò về bóng đá và banh cà-na như là giao lưu văn hoá. Hôm nay đăng lại để chia sẻ cùng bạn đọc nhân mùa World Cup 2022.

***

Thể thao ở Phi Châu nói chung và ở Togo nói riêng có gì hấp dẫn? Bạn đọc chắc đang thầm nghĩ là ở những xứ mà cơm không đủ ăn, áo không có mặc thì làm gì còn có ai nghĩ đến chuyện thể dục, thể thao.

Nghĩ thế là bạn đã nhầm. Các xứ Phi Châu tuy nghèo đói, quốc gia không thể cấp ngân quỹ hàng năm cho các chương trình huấn luyện tuyển thủ quốc tế để có thể tham dự các thế vận hội, nhưng trên bình diện thu hẹp nội bộ một nước và rộng hơn là trong khu vực Phi Châu thì các cuộc tranh tài thể thao diễn ra khá sôi nổi và hấp dẫn nhiều giới hâm mộ. Ngân quỹ huấn luyện các tuyển thủ ở cấp quốc gia của nhiều nước kể ra cũng khá dồi dào. Xét ra cũng phải, xứ nghèo chơi với nhau chứ không thể nào so sánh được với những quốc gia tiến bộ Âu, Mỹ trong việc đào tạo tuyển thủ quốc tế cho đất nước.

Thể thao ở Phi Châu môn nào hấp dẫn nhất, được nhiều người hâm mộ nhất: bóng tròn, bóng chuyền, bóng rổ hay môn khác lạ nào, bạn đọc có đoán được không?

Sân vận động Kégué ở thủ đô Lomé 1985. Năm 2000 Trung Quốc giúp xây lại với sức chứa 40 nghìn khán giả (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Sân vận động Kégué ở thủ đô Lomé 1985. Năm 2000 Trung Quốc giúp xây lại với sức chứa 40 nghìn khán giả (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Ngày tôi mới về thị xã Notsé dạy học được vài tuần, sau khi tình thầy trò đã trở nên thân mật, đám học trò thường hỏi tôi có máy radio-cassette không? Tôi hỏi vì sao các em muốn biết và được trả lời là để cuối tuần các em ghé nghe ké phóng sự trực tiếp truyền thanh các trận tranh tài thể thao. Thế là nhiều cuối tuần trên hiên chái trước nhà đã có những buổi tụ họp của học sinh, láng giềng quanh chiếc radio-cassette 4 băng để lắng nghe tường thuật các trận đá bóng qua sóng phát thanh Afrique Numéro 1.

Vậy là bạn đọc cũng đã đoán ra môn thể thao nào ăn khách nhất ở Togo rồi chứ. Nếu chưa đoán ra thì bạn không phải dân hâm mộ thể thao rồi. Bạn điện thoại hỏi cựu Đại tá Trần Thanh Điền xem ông có biết gì về thể thao ở Phi Châu không, vì ông hay tổ chức các cuộc tranh tài thể thao cho cộng đồng Việt ở San Jose.

Dân Togo nói riêng và dân Phi Châu nói chung mê bóng đá như các cụ mít nhà ta mê thuốc lào Ba số 8 vậy.

Nếu ở Hoa Kỳ giờ này bạn hủy mọi công chuyện cuối tuần để chỉ ngồi nhà, dán mắt vào chiếc máy vô tuyến truyền hình theo dõi các trận “play off” của banh chổng mông, thì ở Togo cũng có những người hâm mộ bóng tròn cũng cùng cường độ.

Một trận đá bóng ở sân vận động Kégué ở thủ đô Lomé, Togo 1984 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Một trận đá bóng ở sân vận động Kégué ở thủ đô Lomé, Togo 1984 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Mỗi chiếu thứ Bảy và Chủ Nhật, từ ba giờ chiều kéo dài cho đến 6, 7 giờ tối là có trực tiếp truyền thanh các trận đá bóng, lúc thì diễn ra ở thủ đô Lomé của Togo, khi thì diễn ra ở thủ đô Abidjan của Côte d’Ivoire, hay ở Accra bên Ghana, Cotonu bên Bénin, có khi tuốt bên Algerie hay Ai Cập.

Vào những ngày giờ đó, nếu đi lòng vòng trong thị xã sẽ thấy từ bến xe, trong quán nước, quán ăn có những đám đông tụ họp quanh máy phát thanh để theo dõi trực tiếp truyền thanh các trận đá bóng.

Rồi thì khi có những giây phút hồi hộp, gay cấn khi banh vào trong vùng cấm địa, khi có những cút sút bất ngờ hay có màn lừa banh đẹp mắt là khán giả lá ó, nhảy xổm lên theo cùng giọng điệu gào hét của phóng viên tường thuật. Những lúc như thế tôi lại nhớ đến ký giả Huyền Vũ trên sân vận động Cộng Hoà năm nào. Tôi nghe giọng phóng viên hét lên, kéo theo một tràng tiếng Pháp lẹ như gió, nhưng thật sự tôi chẳng hiểu ông đang nói gì, tường thuật chuyện gì trên sân cỏ và sau cùng chỉ nghe được những tiếng “C’est impossible” hay “C’est incroyable” và tôi hiểu là đã có những đường banh tuyệt mỹ, hay khi banh lọt khung thành thì nghe tiếng “gôôô…lờ” kéo dài. Giống như ký giả Huyền Vũ tường thuật, nếu không phải là người Việt chính gốc may ra cũng chỉ hiểu lõm bõm, nhưng chỉ nghe giọng dồn dập khẩn trương của phóng viên cũng hồi hộp muốn đứng tim rồi.

Sự hâm mộ bóng tròn của dân Togo là thế đấy. Bây giờ điểm sơ qua các đội banh Togo nhé.

Tổng cục Túc cầu Togo được thành lập năm 1960, hiện có 10 đội banh, mỗi đội đại diện cho một thành phố lớn, như đội Semassi (Les Guerries) của Sokodé, đội Aigions của Lama Kara, đội Ifodje của Atakpamé. Riêng thủ đô Lomé có bốn đội, nổi tiếng nhất là đội Agaza (Les Scorpions Noirs) vì đã mang lại vẻ vang cho Togo nhiều lần trong các trận tranh tài giữa các quốc gia Phi Châu.

Tranh tài đá banh giữa các trường trung học ở Togo (Ảnh: Bùi Văn Phú)
Tranh tài đá banh giữa các trường trung học ở Togo (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Từng đội có những ngôi sao mà học trò của tôi đều nhớ tên tuổi là Denké hay Fayé, như bạn có thể kể về tiểu sử của những quarterback hoặc receiver của các đội banh Oakland Raiders, San Francisco 49ers, Dallas Cowboys, Pittsburgh Steelers.

Hay bạn còn nhớ đến sân cỏ Cộng Hoà thì chắc hẳn chưa quên Tam Lang, Phạm Văn Rạng, Trung đầu hói. Togo cũng có những cầu thủ sáng chói như vậy.

Bóng tròn cấp “pro” ở Togo là thế. Còn các cấp khác thì sao? Tại các trường trung học đệ nhất và đệ nhị cấp, học sinh phải học thể thao 3 giờ một tuần. Đây là môn học bắt buộc chứ không phải môn nhiệm ý. Học sinh luyện tập đá bóng, chạy, nhảy xa, nhảy cao, ném tạ. Mỗi cấp lớp có đội banh riêng, mỗi lục cá nguyệt đều đá giao hữu hai lần với các cấp lớp khác. Các giáo sư cũng thành lập một đội thể thao riêng.

Trong lần trò chuyện vui với học trò, tôi mặc chiếc áo mầu đỏ với logo của đội 49ers và hình nón bảo hiểm khi chơi banh, tôi kể cho các em nghe là bên Mỹ chơi “football” thì cầu thủ ôm banh chạy chứ không đá banh. Môn thể thao này đòi hỏi phải có nón an toàn, phải đệm vai, phải bó chân vì cầu thủ dùng chân để chạy, vai và đầu huých nhau, tay ôm banh, lâu lâu mới ném, giành banh hay chặn banh nhiều khi đè lên nhau như đô vật. Học trò nghe thế ồ lên cười ngạc nhiên. Tôi cũng kể cho các em nghe là nếu gặp một người Mỹ có cổ to ngang bằng cái đầu thì đích thực người đó rất thích chơi “football”. Các em lại ôm bụng cười bò vì cách mô tả môn thể thao Mỹ của tôi.

Vì thế ở Phi Châu “banh chổng mông” được học trò của tôi gọi là “football americain”, còn túc cầu là “football mondial”.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG