Ông Kem Sokha, nhà lãnh đạo đối lập nổi tiếng của Campuchia, hôm 3/3 đã bị kết án 27 năm quản chế tại gia sau khi bị kết tội phản quốc, trong một vụ án bị Mỹ lên án là có động cơ chính trị.
Chánh án Koy Sao cũng nói trước tòa ở thủ đô Phnom Penh rằng ông Kem Sokha sẽ bị cấm tranh cử các chức vụ chính trị hoặc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử.
Ông đã bị bắt vào năm 2017 với cáo buộc âm mưu với Mỹ để lật đổ nhà độc tài Hun Sen, người đã cai trị Campuchia trong gần bốn thập niên.
Ông Kem Sokha, người đứng đầu Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), hiện đã giải tán, phủ nhận các cáo buộc và Washington bác bỏ cáo buộc này là thuyết âm mưu bịa đặt’.
Luật sư của ông cho biết đội ngũ pháp lý của Kem Sokha sẽ kháng cáo.
“Ông ấy đang bị quản chế tại gia, tất cả các quyền chính trị và công dân của ông ấy đã bị tước bỏ hoàn toàn... Đây không phải là công lý,” luật sư Ang Udom, vốn cho biết thân chủ của ông sẽ chỉ được phép tiếp xúc với người thân trong gia đình, cho biết.
An ninh được thắt chặt quanh tòa, với hàng trăm xe chở cảnh sát ở quanh khu vực.
Ông W. Patrick Murphy, đại sứ Mỹ tại Campuchia, cho biết vụ án là thất bại của công lý.
“Chúng tôi kêu gọi giới chức trách cho phép tất cả người dân Campuchia được hưởng... các quyền phổ quát là tụ tập ôn hòa và tự do ngôn luận và tham gia vào xây dựng một chế độ dân chủ thực sự,” ông nói với các phóng viên bên ngoài tòa.
Chính phủ Campuchia, vốn đã tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, thường bác bỏ những chỉ trích của Mỹ.
Đảng CNRP đã bị cấm trước cuộc bầu cử năm 2018. Trong cuộc bầu cử đó, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen, đã thắng áp đảo.
CNRP kể từ đó đã bị suy giảm, với nhiều đảng viên bị bắt hoặc đi lưu vong trong điều mà các nhà hoạt động nói là cuộc đàn áp sâu rộng nhằm để ngăn chặn những thách thức đối với quyền lực độc quyền của Đảng CPP.
Campuchia dự kiến sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 7, với phe đối lập cho ra mắt Đảng Ánh nến hồi năm ngoái, vốn phần lớn tập hợp lại các thành viên của CNRP.
Nhiều cơ quan truyền thông chỉ trích Thủ tướng Hun Sen cũng đã bị đóng cửa và bất đồng dân sự bị đàn áp trong những năm gần đây.
Tháng trước, ông Hun Sen đã ra lệnh đóng cửa Đài Tiếng nói Dân chủ, một trong những cơ quan truyền thông độc lập cuối cùng của Campuchia, với lý do rằng đài này công kích ông và con trai ông, và làm hại đất nước.
Thủ tướng Hun Sen dự kiến sẽ ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa, nhưng trước đó ông đã ủng hộ con trai cả của mình, Hun Manet, như người kế nhiệm khả dĩ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết vụ án Kem Sokha là ‘mưu đồ có động cơ chính trị’ của ông Hun Sen nhằm gạt phe đối lập ra bên lề và dập tắt nền dân chủ.
Diễn đàn