Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Pháp, Đức kỉ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất kết thúc


Tổng thống Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Compie2gne, Pháp, ngày 10 tháng 11, 2018
Tổng thống Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Compie2gne, Pháp, ngày 10 tháng 11, 2018

Một trăm năm sau khi dứt tiếng súng Thế chiến thứ nhất, hai nhà lãnh đạo của Pháp và Đức nắm tay và tựa đầu vào nhau trong một buổi lễ gây xúc động đánh dấu sự kiện hai bên kí hiệp ước đình chiến.

Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel thị sát binh lính thuộc Lữ đoàn Pháp-Đức hỗn hợp trước khi khánh thành một tấm lắc tôn vinh sự hòa giải và tình hữu nghị mới giữa hai nước từng là kẻ thù trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Hơn 3 triệu binh sĩ Pháp và Đức nằm trong số khoảng 10 triệu binh sĩ tử vong trong cuộc Đại chiến năm 1914-1918. Phần lớn chiến sự ác liệt nhất diễn ra trong các chiến hào ở miền bắc của Pháp và Bỉ.

Một phái đoàn của Đức đã kí hiệp ước đình chiến trước bình minh vào ngày 11 tháng 11 năm 1918, trong một đoàn tàu riêng tư của tư lệnh lực lượng Pháp, Ferdinand Foch, đậu trên đường ray băng qua Rừng Compiegne. Vài giờ sau đó, lúc 11 giờ sáng, chiến tranh kết thúc.

“Châu Âu đã hưởng thái bình suốt 73 năm qua. Đó là bởi vì chúng ta muốn nó được như vậy, bởi vì Đức và Pháp muốn hòa bình,” ông Macron phát biểu trước một vài thanh thiếu niên, với bà Merkel đứng bên cạnh, nhắc đến hòa bình kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945.

“Và vì vậy thông điệp, nếu chúng ta muốn sống xứng đáng với sự hi sinh của những người lính nói rằng ‘Không bao giờ nữa!’, là không bao giờ khuất phục trước những bản năng yếu hèn nhất của chúng ta, cũng như trước những nỗ lực chia rẽ chúng ta.”

Bà Merkel nói bà cảm động vì buổi lễ và mô tả lời mời của ông Macron là một “cử chỉ rất có tính biểu tượng.”

Trong một biểu hiện đoàn kết mạnh mẽ, ông Macron và bà Merkel ngồi bên trong toa xe lửa được dựng lại bằng gỗ tếch mà trong đó hòa ước được kí và xem một cuốn sổ tưởng niệm. Sau khi hai người kí sổ tưởng niệm, họ nắm tay nhau lần thứ hai.

Lần cuối cùng các đoàn đại biểu Pháp và Đức ngồi ở nơi này là khi Adolf Hitler của Đức Quốc xã buộc nhà chức trách Pháp đầu hàng sau khi xâm lược nước này vào năm 1940.

Kể từ Thế chiến thứ hai, Pháp và Đức đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn ở Châu Âu và Liên minh Châu Âu đã trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG