Cựu Thủ tướng Australia hôm 7/7 đã đứng chung hàng ngũ với các lãnh đạo phương Tây khác để bảo vệ quyết định của họ, ra lệnh tiến hành chiến tranh ở Iraq cách đây 13 năm.
Ông John Howard, là thủ tướng khi Australia đưa 2.000 quân tham gia liên minh do Mỹ và Anh dẫn đầu, nói: "Dĩ nhiên là tôi bảo vệ quyết định đó, tôi không rút lui khỏi quyết định đó. Dựa vào những thông tin có được, tôi không tin rằng đó là quyết định sai lầm. Tôi thực sự không tin như vậy".
Theo một báo cáo chính thức được chờ đợi từ lâu về vai trò của Anh trong chiến tranh Iraq, cuộc xâm lăng Iraq hồi năm 2003 là "không cần thiết" và nhà độc tài Iraq Saddam Hussein lúc bấy giờ "không phải là mối đe dọa tức thời nào" đối với Anh hoặc các nước phương Tây khác.
Cuộc điều tra do John Chilcot, một cựu viên chức hàng đầu của Anh, chỉ đạo, quy trách nhiệm cho các chính trị gia, quan chức tình báo, các nhà ngoại giao và các vị tướng vì vai trò của họ trong cuộc tiến quân và vì đã tiến hành các hoạt động quân sự kéo dài nhiều năm của các lực lượng Anh, chủ yếu là ở miền Nam Iraq.
Đưa ra lời đánh giá gay gắt, ông Chilcot nói tại một cuộc họp báo đông phóng viên tại London rằng việc lập kế hoạch và thực hiện cuộc can thiệp quân sự có "những sai sót nghiêm trọng dẫn đến những hậu quả còn kéo dài cho mãi tới ngày nay". Ông nhắc đến các vụ đánh bom tự sát gần đây ở thủ đô Baghdad của Iraq, khiến hơn 250 người chết.
Ông Chilcot nói: "Chúng tôi kết luận rằng Vương quốc Anh đã chọn tham gia cuộc xâm lăng Iraq trước khi khai thác mọi cách để tìm những phương án hòa bình về giải trừ quân bị. Hành động quân sự tại thời điểm đó không phải là một phương sách cuối cùng".
Phần lớn báo cáo của ông Chilcot tập trung vào cơ sở pháp lý và việc dùng thông tin tình báo để biện minh cho quyết định tiến quân vào Iraq. Báo cáo chỉ trích thủ tướng Anh lúc đó là Tony Blair, các bộ trưởng và các cơ quan tình báo, báo cáo viết rằng những lời biện minh của họ là "rất không thỏa đáng".
Hôm 6/7, ông Blair đã nhận trách nhiệm về việc đưa nước Anh vào cuộc chiến, ông bày tỏ sự đau buồn, tiếc nuối và ngỏ lời xin lỗi. Tuy nhiên ông nhấn mạnh là thế giới tốt đẹp hơn nhờ việc loại bỏ ông Saddam.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm 6/7 cho hay tổng thống và nhân viên của ông chưa đọc hết báo cáo dài đó, song ông nói Tổng thống Obama "lâu nay vẫn đang giải quyết hậu quả của quyết định có tính định mệnh ấy trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông". Ông cũng nói điều quan trọng là Mỹ "rút ra các bài học từ những sai lầm trong quá khứ".
Một phát ngôn viên của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, người đã ra lệnh tiến quân vào Iraq năm 2003, hôm 6/7 đã ra tuyên bố nói: "Dù có những thất bại tình báo và những sai lầm khác mà ông đã thừa nhận trước đây, song Tổng thống Bush vẫn tin rằng cả thế giới đều tốt hơn khi không có ông Saddam Hussein nắm quyền lực".
Chuyên gia chính sách công William Galston thuộc Viện Brookings nói với đài VOA hôm 6/7 rằng ông đồng ý với báo cáo rằng cộng đồng quốc tế đã chưa cố gắng hết sức với các phương án khác để loại bỏ mối đe dọa của Iraq.
Ông lưu ý rằng quan chức thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc Hans Blix đã giữ quan điểm rằng các biện pháp trừng phạt của LHQ "không yếu ớt như người ta mô tả, và không gặp nguy cơ bị đổ vỡ, còn chế độ thanh sát rất vững mạnh, và ông Saddam đã không thể làm bất cứ điều gì đáng kể mà không bị phát hiện hoặc không trục xuất các thanh sát viên quốc tế".
Ông Galston nói một trong những câu hỏi lớn mà báo cáo nêu lên là "liệu có đúng là sự nguyên trạng đó không thể đứng vững được như cộng đồng quốc tế đã nói hay không?"