Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ gặp nhau tại Liên hiệp quốc vào tuần tới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị - phần lớn do cuộc chiến ở Ukraine - khi Nga và Trung Quốc cạnh tranh với Hoa Kỳ và châu Âu để thu phục các nước đang phát triển.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine, bước sang năm thứ hai, một lần nữa sẽ là tâm điểm của cuộc họp mặt thường niên ở New York, với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy lần đầu tiên kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.
Nổi bật trong chương trình nghị sự năm nay sẽ là những mối quan ngại về Nam bán cầu, một phần phản ánh sự chú ý ngày càng tăng dành cho thế giới đang phát triển của các quốc gia phương Tây mong muốn đảm bảo sự hỗ trợ của họ cho nỗ lực cô lập Nga.
Một số cuộc họp cấp cao diễn ra trong Đại hội đồng tập trung vào các ưu tiên của các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Mỹ Latin và châu Á: khí hậu, y tế, tài chính cho phát triển và cách để các Mục tiêu Phát triển Bền vững - danh sách những việc cần làm lập ra từ năm 2015 - đi đúng hướng.
Ông Richard Gowan, giám đốc Liên hiệp quốc của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, nói: “Đây là năm mà các quốc gia ở Nam bán cầu đề ra chương trình nghị sự.”
Ông nói: “Các nước ngoài phương Tây đã tận dụng thời điểm này khá hiệu quả.” “Tôi nghĩ họ đã tận dụng việc biết rõ rằng một mặt là Mỹ và mặt khác là Nga muốn có sự ủng hộ của họ.”
Hàng tỷ đô la cho hạ tầng cơ sở
Cuộc chiến Ukraine chỉ là một lý do để tập trung vào các nước đang phát triển.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã cấp các khoản vay hàng trăm tỷ đô la cho các dự án cơ sở hạ tầng như một phần của sáng kiến Vành đai và Con đường, sáng kiến này đã bị chỉ trích vì khiến nhiều quốc gia phải gánh khoản nợ lớn.
Hoa Kỳ và các đồng minh gần đây đã cố gắng chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc bằng những cam kết tài trợ cho phát triển và viện trợ khí hậu.
Trước cuộc họp ở New York, các nhà ngoại giao thừa nhận sự tập trung của họ vào thế giới đang phát triển nhưng bác bỏ những ý kiến cho rằng sự cạnh tranh đóng một vai trò nào đó.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, Linda Thomas-Greenfield, mô tả cuộc họp của Liên hiệp quốc là cơ hội để các nước nhỏ “đặt ra các ưu tiên của họ cho chúng tôi” và bà không coi đây “là một cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc”.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Trương Quân nói với Reuters rằng Bắc Kinh “không có ý định cạnh tranh với bất kỳ ai khác” và khi điều kiện của Trung Quốc được cải thiện, nước này “sẵn sàng làm nhiều hơn nữa cho các nước đang phát triển nhưng chúng tôi không cạnh tranh”.
Tương tự, Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia nói với Reuters rằng Moscow không “cố gắng mê hoặc bất cứ ai”.
“Chúng tôi chỉ là chính mình và chúng tôi sẽ không bao giờ ra điều kiện cho tình bạn của mình với bất kỳ ai phải xếp hàng và làm những gì chúng tôi muốn - không giống như một số đồng nghiệp của chúng tôi ở đây đang cưỡng ép người khác,” ông nói.
Các cuộc đàm phán cấp cao giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ sẽ không diễn ra vào tuần tới vì Tổng thống Joe Biden sẽ là nhà lãnh đạo duy nhất tham dự trong số 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có quyền phủ quyết.
Hơn 140 nguyên thủ quốc gia và hàng chục bộ trưởng sẽ có mặt trực tiếp.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói: “Đây là thời điểm có một không hai mỗi năm để các nhà lãnh đạo từ mọi nơi trên thế giới không chỉ đánh giá tình hình thế giới mà còn hành động vì lợi ích chung”.
Ông nói: “Mọi người đang trông cậy vào các nhà lãnh đạo của họ để tìm ra lối thoát khỏi tình trạng hỗn loạn này”, đồng thời nêu lên khủng hoảng khí hậu, xung đột leo thang, khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, bất bình đẳng gia tăng và sự gián đoạn công nghệ nghiêm trọng.
“Cuộc trình diễn lớn”
Ông Zelenskyy dự kiến sẽ phát biểu trước Đại hội đồng vào ngày 19/9 và phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về Ukraine vào ngày 20/9, điều này có thể đặt ông vào cùng phiên họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Đại sứ Nga Nebenzia dự đoán cuộc họp hội đồng theo kế hoạch sẽ chỉ đơn giản là một “buổi trình diễn lớn”.
Các nhà ngoại giao phương Tây muốn chứng tỏ rằng nỗ lực của họ nhắm vào Nga về mặt ngoại giao trong cuộc chiến ở Ukraine không có nghĩa là họ không thể tập trung vào các cuộc khủng hoảng và các vấn đề quan trọng khác đối với phần còn lại của thế giới.
Đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc Barbara Woodward nói: “Đây không phải là chuyện một trong hai. Chúng ta cần phải làm cả hai,” và đồng thời mô tả cuộc xâm lược của Nga là “một cuộc tấn công vào mọi thứ mà Liên hiệp quốc đại diện”.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu, phát biểu với điều kiện giấu tên, cảnh báo rằng căng thẳng địa chính trị có thể đẩy nhiều nước đang phát triển rời xa các nỗ lực do phương Tây dẫn đầu và hướng tới nhóm BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - với hy vọng rằng điều đó có thể “đảm bảo tốt hơn một số lợi ích của thế giới đang phát triển.”
Tháng trước, BRICS - nơi Trung Quốc là đối thủ nặng ký - đã bổ sung thêm nửa tá quốc gia vào khối trong nỗ lực cải tổ lại trật tự thế giới mà họ coi là lỗi thời.
Diễn đàn